Cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế toàn cầu

Sự biến động mạnh trên thị trường trái phiếu Nhật Bản đã làm gia tăng lo ngại rằng các chính phủ phương Tây đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ như Anh và thậm chí là Mỹ có thể sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Nhu cầu yếu đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm tại phiên đấu giá ở Nhật Bản vào ngày 20/5 đã gây chấn động khắp thị trường trái phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Nhật Bản lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2000, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng lên mức cao nhất kể từ khi kỳ hạn này được bán lần đầu tiên vào năm 1999.

Sự gia tăng lợi suất nhấn mạnh những thách thức về mặt cấu trúc đặc biệt đối với thị trường trái phiếu chính phủ của Nhật Bản, cùng với mối lo ngại của các nhà đầu tư trái phiếu trên toàn cầu về những rủi ro do chi tiêu của chính phủ tăng.

Đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã cảnh báo rằng tình hình nợ chính phủ đang "tệ hơn cả Hy Lạp", báo hiệu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dễ bị tổn thương như thế nào trước sự sụp đổ nếu thị trường mất niềm tin.

Nỗi lo sợ lớn hơn là Nhật Bản là một con chim hoàng yến trong mỏ than. Trong một thế giới biến động và bất ổn do thuế quan, các nhà đầu tư thị trường trái phiếu có thể nhanh chóng mất niềm tin vào bất kỳ chính phủ nào nắm giữ nhiều nợ của phương Tây.

Kathleen Brooks, một nhà phân tích tại XTB cho biết: "Áp lực đối với cả trái phiếu Nhật Bản và Mỹ trong tuần này là dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch trái phiếu sẵn sàng trừng phạt các quốc gia có nợ cao với thâm hụt lớn…Đây là vấn đề từng gây tổn hại cho Anh trong quá khứ, và hiện đang đè nặng lên Mỹ và Nhật Bản".

Các nhà đầu tư lo lắng đang yêu cầu phần bù đắp rủi ro nhiều hơn khi nắm giữ trái phiếu chính phủ dài hạn bằng cách hạ giá trái phiếu và đẩy lợi suất lên cao.

Nếu lợi suất tăng liên tục, chính phủ các quốc gia sẽ phải chi nhiều tiền thuế hơn nữa để trả lãi suất. Kể từ khi cuộc khủng hoảng lạm phát hậu đại dịch khiến lãi suất tăng vọt trên toàn thế giới, cánh cửa đã đóng sầm lại sau một thập kỷ tiền rẻ khuyến khích các chính phủ tích lũy tiền vay thay vì cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế.

Nền kinh tế bấp bênh

Sự biến động mạnh trên thị trường trái phiếu Nhật Bản bắt đầu vào ngày 20/5, khi chính phủ chào bán 1.000 tỷ yên (7 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2045 và gặp phải nhu cầu ảm đạm. Tỷ lệ giữa tổng số tiền của các giá thầu nhận được và tổng số tiền của các giá thầu được chấp nhận đã giảm xuống còn 2,5 - mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Các nhà đầu tư đã phản ứng bằng cách đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm của chính phủ Nhật Bản lên mức cao nhất kể từ năm 2000 và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm lên mức kỷ lục. Lợi suất kỳ hạn 10 năm cũng tăng vọt.

"Chính phủ không có vị thế để bình luận về lãi suất, nhưng thực tế là chúng ta đang phải đối mặt với một thế giới có lãi suất. Tình hình tài chính của đất nước chúng ta chắc chắn là cực kỳ tồi tệ, tệ hơn cả Hy Lạp", Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết.

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra tỷ lệ nợ trên GDP của Nhật Bản là 235%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 142% của Hy Lạp - tâm chấn của cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2009.

Katsunobu Kato, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cũng lên tiếng cảnh báo về thiệt hại có thể xảy ra do sự hỗn loạn của thị trường trái phiếu. “Việc thị trường mất niềm tin vào thị trường tài chính của chúng ta có thể dẫn đến lãi suất tăng mạnh, đồng yên yếu và lạm phát cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế”, ông cho biết.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã giảm 0,2% trong ba tháng đầu năm nay so với quý trước, vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Lạm phát đang ở mức 3,6% khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) phải áp dụng lãi suất dương lần đầu tiên kể từ năm 2008 vào năm ngoái.

Trái phiếu chật vật tìm người mua

Trong nhiều thập kỷ, thị trường trái phiếu của Nhật Bản khá thoải mái về nền kinh tế và tài chính công của đất nước. Nhưng điều này là do BOJ đã mua vào trái phiếu để giúp thúc đẩy nền kinh tế, sở hữu khoảng một nửa lượng trái phiếu đang lưu hành và tạo ra bảng cân đối kế toán lớn hơn GDP của Nhật Bản.

Hiện tại, BOJ đang cố gắng tháo gỡ tình thế không thể duy trì này: họ đang chi ít hơn 400 tỷ yên cho trái phiếu mỗi quý như một phần của cuộc chiến chống lạm phát.

Nhưng trái phiếu đang phải chật vật để tìm người mua thay thế, ngay cả trong số những người trung thành truyền thống khác như các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của Nhật Bản.

Trong cuộc họp vào tháng tới, BOJ sẽ quyết định xem liệu có nên tiếp tục bán ra trái phiếu trong năm 2026 hay không, điều này vẫn khiến ngân hàng phải mua 2.900 tỷ yên mỗi tháng.

Một số người tham gia thị trường hy vọng việc rút lui dần dần của BOJ sẽ giúp thị trường trái phiếu Nhật Bản hoạt động bình thường hơn, ngay cả khi quá trình thiết lập lại giá là rất khó khăn.

Nhật Bản không đơn độc

Nhưng ngay cả khi quá trình bình thường hóa là cần thiết hoặc mong muốn, thì nó cũng đang bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn lớn hơn trên nền kinh tế toàn cầu.

Thuế quan của Tổng thống Trump đã khiến thị trường ngày càng trở nên nhạy cảm. Đằng sau đó còn có những lo ngại ngày càng tăng về tính bền vững của các vị thế tài khóa của chính phủ Mỹ và các nước phương Tây khác.

Ngoại trừ một số ít trường hợp, những quốc gia này đang lún sâu vào thâm hụt và nợ. BOJ sở hữu hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, điều này càng làm tăng thêm sự bất ổn.

Fred Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC cho biết: “Mức nợ tăng cao ở các thị trường phát triển đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng trong những năm gần đây và sự thiếu cấp bách về việc giảm thâm hụt ngân sách đang khiến các nhà đầu tư trái phiếu chính phủ ngày càng lo lắng”.

“Sau nhiều năm chi tiêu hào phóng và cắt giảm thuế, các hạn chế về tài khóa đang bắt đầu ảnh hưởng. Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với nhu cầu giảm thâm hụt ngân sách, nhưng sự biến động trên thị trường trái phiếu của các nền kinh tế phát triển khác càng làm tăng thêm tính cấp bách để đưa tình hình tài khóa vào trật tự”, ông cho biết thêm.

Theo Paul Dales, nhà kinh tế trưởng của Anh tại Capital Economics, lợi suất trái phiếu chính phủ của Anh và Nhật Bản có liên quan với nhau vì hai kênh đầu tư này được thay thế cho nhau. Nhưng ông cho biết rủi ro lớn đối với Anh là đến từ Mỹ.

"Thị trường trái phiếu của Anh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ở Mỹ…Sự bất ổn và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn ở Mỹ có thể được đưa vào Anh", ông cho biết.

Vừa bị Moody's hạ một bậc xếp hạng tín nhiệm vào tuần trước, Mỹ có tỷ lệ nợ công trên GDP là 123% và được BNP Paribas xếp hạng là nền kinh tế phát triển dễ bị tổn thương nhất về mặt tài khóa.

Mặt khác, tia hy vọng ở Nhật Bản là thị trường sẽ bình tĩnh lại và biến động sẽ giảm bớt, ngay cả khi lợi suất không bao giờ trở lại mức của những thập kỷ trước.

Quỹ đầu tư Vanguard và RBC BlueBay Asset Management đang mua một số trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn 30 năm. Nhưng điều đó có thể không đủ để giảm bớt áp lực, trừ khi các khoản tiền lớn của Nhật Bản cũng bắt đầu đổ vào.

Và đặc biệt trong tuần tới, Nhật Bản sẽ lại tổ chức đấu giá trái phiếu chính phủ kỳ hạn 40 năm. Liệu phiên đấu giá này của Nhật Bản có làm ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu là điều khiến nhiều người lo ngại.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều yếu tố gây nhiễu: khẩu vị rủi ro của các nhà quản lý đầu tư Nhật Bản; các cuộc thảo luận của BOJ; các cam kết của các đảng chính trị Nhật Bản; và những phát ngôn liên tục về thuế quan và cắt giảm thuế từ Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cuoc-khung-hoang-no-co-nguy-co-lam-sup-do-nen-kinh-te-toan-cau-post369746.html
Zalo