Cuộc đua mới giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực
Máy bay không người lái (UAV) đang làm thay đổi cục diện chiến tranh, và hiện nay quân đội các nước phương Tây đang bước vào một cuộc chạy đua ngày càng khốc liệt nhằm phát triển các mẫu UAV mới có thể hoạt động trong một trong những môi trường khắc nghiệt nhất trên Trái Đất: Bắc Cực.
Các quốc gia thành viên NATO đang nhanh chóng nhận ra cả tiềm năng lẫn giới hạn của UAV tại khu vực Bắc Cực, nơi mà cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng mạnh mẽ. Nga và Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực này, trong khi Lầu Năm Góc năm ngoái tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng công nghệ không người lái để giám sát các mối đe dọa khu vực.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng UAV có thể đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào ở Bắc Cực. Dù vậy, việc triển khai công nghệ này trên diện rộng vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản lớn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết mùa đông có thể xuống tới -40 độ C.

Một đơn vị Lục quân Na Uy thực hành vận hành máy bay không người lái trong cuộc tập trận quân sự Nordic Response 2024 tại Finnmark, Na Uy, ngày 6/3/2024. Ảnh: Quân đội Na Uy
Cuộc đua mới để thống trị Bắc Cực
Tại Ukraine, các phương tiện không người lái, cả trên không và dưới nước, đã được sử dụng rộng rãi cho nhiệm vụ do thám, cũng như gắn chất nổ để tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, theo ông Nicolas Jouan, chuyên gia phân tích quốc phòng tại RAND Europe việc ứng dụng công nghệ này ở Bắc Cực lại gặp thách thức do môi trường khắc nghiệt và thiếu kết nối.
Phần lớn các phương tiện bay không người lái (UAV) hiện nay đều sử dụng pin, nhưng pin lại hoạt động kém hiệu quả trong điều kiện lạnh giá. Một vấn đề khác là khả năng điều khiển: UAV thường được vận hành thông qua tín hiệu GPS, nhưng tại Bắc Cực, tín hiệu vệ tinh thường yếu và thiếu ổn định, ông Jouan giải thích.
Thực tế cũng được minh chứng qua các cuộc huấn luyện trong điều kiện lạnh giá tại Đức gần đây. Đại tá Joshua Glonek, chỉ huy Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn Dù số 10 của Mỹ, cho biết tuổi thọ pin bị giảm mạnh trong giá rét, làm giảm thời gian bay và hiệu quả sử dụng UAV.
Chuyên gia phân tích về tác chiến UAV, ông Zak Kallenborn cho hay, các loại UAV thương mại, vốn đã rất phổ biến trong cuộc xung đột ở Ukraine, cũng không chịu được điều kiện khí hậu Bắc Cực.
“Một số mẫu UAV cỡ nhỏ đã được phát triển để có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết giá lạnh, nhưng tôi không biết chắc liệu chúng có thể chống chọi với điều kiện khắc nghiệt như ở bắc cực hay không”, ông Kallenborn nói.
Lợi thế của Nga
Gregory Falco, trợ lý giáo sư tại Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không Vũ trụ Cornell, các hệ thống thu thập dữ liệu như camera và lidar (công nghệ sử dụng tia laser để đo khoảng cách và lập bản đồ) trên UAV cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.
“Thách thức lớn nhất trong việc phát triển drone cho chiến tranh Bắc Cực chính là khả năng cảm biến trong môi trường bị cản trở nặng nề,” ông nói.
Tình hình càng thêm phức tạp cho các nước phương Tây khi Nga dường như đang sở hữu lợi thế công nghệ drone trong khu vực. Quân đội Nga đã triển khai các mẫu UAV như Orlan-10 và Inokhodets ở Bắc Cực, đồng thời đang phát triển drone chiến đấu chuyên dụng mang tên S-70 Okhotnik.
S-70 là loại UAV có kích thước tương đương máy bay, có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công hoặc trinh sát. Được cho là đã được thử nghiệm trong điều kiện Bắc Cực, S-70 vẫn là một bí mật quân sự được Nga bảo vệ nghiêm ngặt. Năm 2024, Nga từng tự bắn hạ một chiếc S-70 của mình để ngăn nó rơi vào tay Ukraine.
Hợp tác giữa các đồng minh Bắc Cực
Lo ngại của các nước phương Tây hiện nay là Nga có thể tận dụng sức mạnh UAV ở Bắc Cực để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
James Patton Rogers, một chuyên gia về UAV tại Đại học Cornell cho hay, Nga có khả năng sớm giám sát toàn Tuyến đường biển phương Bắc, tuyến đường nối châu Âu và châu Á, bằng UAV.
“Chúng ta đang tiến tới thời điểm mà Nga không chỉ sở hữu hệ thống UAV giám sát không vũ trang dọc theo tuyến Hàng hải Phương Bắc, mà còn cả các hệ thống vũ trang tuần tra liên tục tại khu vực này”, ông nói.
Trong cuộc đua nhằm gia tăng sự hiện diện ở Bắc Cực và tích hợp các công nghệ UAV mới, các nước phương Tây đang đẩy mạnh hợp tác. Tháng 5/2024, Đan Mạch và Na Uy tuyên bố sẽ triển khai hoạt động trinh sát chung bằng UAV tại Bắc Cực. Một trong những mẫu UAV được cân nhắc sử dụng là MQ-4C Triton.
Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) năm 2024, MQ-4C Triton do Northrop Grumman phát triển là một trong số ít các mẫu UAV phương Tây có khả năng hoạt động hiệu quả trong điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực. Dù vậy chúng được thiết kế để trinh sát ở độ cao lớn và điều này khiến nó dễ trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
Bên cạnh đó, Na Uy cũng chuẩn bị mở căn cứ trinh sát UAV tại Andøya, trung tâm quân sự chủ chốt của nước này ở Bắc Cực. Một số quốc gia Bắc Âu khác, như Thụy Điển và Phần Lan, cũng đang phát triển năng lực UAV riêng có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt vùng cực.
“Dù Nga đã nghiên cứu UAV dành cho Bắc Cực từ lâu hơn Mỹ, nhưng Thụy Điển và Phần Lan cũng đang bắt kịp”, ông Falco nhận xét.
Số lượng cũng quan trọng chứ không chỉ chất lượng
Trong báo cáo năm 2024, CSIS cho hay, khi nói đến Bắc Cực, số lượng UAV cũng sẽ quan trọng như ở chiến trường Ukraine và các nước phương Tây nên chú trọng tiên vào quy mô chứ không chỉ là chất lượng.
Báo cáo năm 2024 của CSIS cho rằng, tương tự như ở Ukraine, số lượng UAV cũng sẽ mang tính quyết định tại Bắc Cực. Do đó, các nước phương Tây nên ưu tiên triển khai trên quy mô lớn, thay vì chỉ tập trung vào những mẫu drone đắt đỏ và tinh vi.
“Thay vì chọn một số ít mẫu UAV đắt đỏ mà không tận dụng tối đa được ưu thế công nghệ, Bắc Cực sẽ cần nhiều loại UAV có giá cả phải chăng hơn” báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với Nga, Mỹ cần hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong khu vực Bắc Cực.
“Chúng ta cần dựa vào các đối tác để đạt được sự cân bằng trong lĩnh vực này”, ông Falco nhận định.