Cuộc đua để bứt phá trong kỷ nguyên số

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới sau đại dịch, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành động lực then chốt thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Biểu tượng của Công ty OpenAI và ChatGPT trên màn hình ở Toulouse, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Biểu tượng của Công ty OpenAI và ChatGPT trên màn hình ở Toulouse, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Khi những mô hình phát triển truyền thống dần bộc lộ giới hạn, nhiều quốc gia đã chủ động chuyển hướng, tích cực khai thác công nghệ để tái định hình nền kinh tế, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đến các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ Latinh, làn sóng số hóa và đổi mới sáng tạo đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong chiến lược phát triển.

Vai trò của đổi mới sáng tạo

Sức mạnh của đổi mới sáng tạo và công nghệ số ngày càng lan tỏa trên toàn cầu. Chúng giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Những công cụ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), hay dữ liệu lớn (Big data) giúp tự động hóa công việc, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh và giảm chi phí đáng kể, từ đó tăng năng suất lao động trong mọi lĩnh vực. Không chỉ vậy, công nghệ còn tạo ra những sân chơi kinh tế hoàn toàn mới, như các sàn thương mại điện tử khổng lồ, các dịch vụ tài chính tiện lợi trên thiết bị thông minh (Fintech), hay mô hình kinh tế chia sẻ (như đặt xe, thuê nhà qua ứng dụng). Điều này thúc đẩy sự ra đời của những cách thức kinh doanh mới lạ và linh hoạt hơn.

Ở cấp độ quốc gia, việc đi đầu trong công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn. Những nước nhanh nhạy ứng dụng công nghệ sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư, nhân tài và tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tác động và cách tiếp cận chuyển đổi số lại khác nhau giữa các khu vực. Các nước đang phát triển, coi đây là cơ hội để "đi tắt đón đầu", bỏ qua những giai đoạn phát triển công nghệ trung gian tốn kém. Dù vậy, họ cũng đối mặt với thách thức về hạ tầng mạng chưa phát triển, thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ và sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ số. Trong khi đó, đối với các nền kinh tế phát triển, đây là “chìa khóa” để duy trì vị thế dẫn đầu. Mục tiêu của họ là tiếp tục cải tiến các ngành công nghiệp hiện có, tạo ra các ngành công nghệ cao mới và giải quyết các vấn đề của một xã hội phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng đầu tư vào công nghệ số và năng lực đổi mới là yếu tố then chốt giúp các nền kinh tế duy trì tăng trưởng bền vững. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến nghị các nước đang phát triển cần tận dụng chuyển đổi số để mở rộng tiếp cận dịch vụ, tài chính và giáo dục, qua đó tạo ra giá trị gia tăng mới.

Nhìn ra quốc tế

Nhận thấy tiềm năng to lớn này, nhiều quốc gia đã xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể. Singapore là một ví dụ điển hình với tham vọng trở thành "Quốc gia Thông minh". Họ đầu tư mạnh vào hạ tầng mạng, khuyến khích sử dụng dữ liệu và đưa công nghệ vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Chính phủ Singapore tạo điều kiện rất tốt cho các công ty khởi nghiệp công nghệ phát triển thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính và vườn ươm doanh nghiệp. Nhờ đó, Singapore trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu Đông Nam Á, thu hút hàng loạt tập đoàn công nghệ quốc tế.

Tại Mỹ, sức mạnh đổi mới sáng tạo đến từ sự đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), cả từ chính phủ và các tập đoàn tư nhân. Hệ thống các trường đại học danh tiếng liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cùng với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dồi dào, đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ hàng đầu thế giới ra đời và phát triển. Đạo luật CHIPS và Khoa học, được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden thông qua vào năm 2022, với tổng mức tài trợ khổng lồ hơn 280 tỷ USD, là một ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân ở Mỹ - bao gồm các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon, Microsoft - cũng đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.

Tuy nhiên, báo cáo của Visual Capitalist chỉ ra rằng, trong năm 2023, mức đầu tư R&D của Mỹ (3,4% GDP) vẫn cần tăng cường để cạnh tranh với các quốc gia như Hàn Quốc (5% GDP). Hàn Quốc là hình mẫu về việc tích hợp AI và IoT vào các khu công nghệ cao như Khu Công nghệ Pangyo. Chính phủ Hàn Quốc đầu tư mạnh vào chiến lược AI quốc gia, với mục tiêu đưa AI thâm nhập vào mọi lĩnh vực từ sản xuất, y tế đến giao thông.

Trong khi đó, EU coi chuyển đổi số là trụ cột quan trọng để xây dựng nền kinh tế xanh và tự chủ chiến lược. Chương trình "Digital Europe" và Quỹ phục hồi NextGeneration EU đã phân bổ hàng chục tỷ euro để đầu tư vào hạ tầng số, dữ liệu, an ninh mạng và kỹ năng số cho người lao động. Mục tiêu của EU là đến năm 2030, 75% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây và dữ liệu lớn, 80% người trưởng thành có kỹ năng số cơ bản.

Ngay cả ở các nền kinh tế mới nổi, những sáng kiến ấn tượng cũng xuất hiện. Trung tâm công nghệ Porto Digital ở Brazil là một minh chứng. Từ một khu phố cổ, nơi đây đã trở thành một trong những công viên công nghệ lớn nhất Brazil, thu hút nhiều công ty công nghệ thông tin và sáng tạo nhờ sự hợp tác hiệu quả giữa nhà nước và tư nhân, cùng các chính sách hấp dẫn để thu hút nhân tài. Chính phủ Brazil đang thúc đẩy nhân rộng mô hình này để đưa công nghệ đến gần hơn với các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, giáo dục và xây dựng.

Không còn là xu hướng

Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là xu hướng mà chính là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của thế kỷ XXI. Thành công của các quốc gia đi đầu cho thấy, một chiến lược rõ ràng, sự đầu tư kiên trì vào công nghệ và con người, cùng việc xây dựng một môi trường thuận lợi cho sáng tạo là những yếu tố quyết định.

Công nghệ và đổi mới sáng tạo đang trở thành nền tảng chiến lược để các quốc gia nâng cao năng suất, phát triển bền vững và củng cố vị thế cạnh tranh. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, thể chế pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Hơn nữa, các nền tảng số lớn như Facebook, TikTok chiếm lĩnh thị trường, khiến doanh nghiệp địa phương khó cạnh tranh. Do vậy, các quốc gia cần xây dựng chiến lược dài hạn, cải cách thể chế và hợp tác quốc tế, từ đó biến thách thức thành cơ hội để vươn lên trong nền kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đồng thời xây dựng chiến lược phù hợp với điều kiện cụ thể là vấn đề then chốt để không bỏ lỡ “chuyến tàu” của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, hướng tới một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.

Minh Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dien-tu-vien-thong/cuoc-dua-de-but-pha-trong-ky-nguyen-so-20250501063111954.htm
Zalo