Cuộc đối đầu giữa Tổng thống Trump và các trường đại học Mỹ

Việc Bộ Giáo dục Mỹ đóng băng hơn 2,3 tỷ USD viện trợ liên bang cho Đại học Harvard được cho là hành động leo thang, đối đầu giữa ông Trump với các trường đại học.

Với động thái đóng băng kinh phí này, Đại học Harvard trở thành mục tiêu tiếp theo bị chính quyền Tổng thống Trump nhắm tới trong cuộc chiến với các đại học Mỹ, vốn bị ông cho là "thù địch với phe bảo thủ".

Nguyên nhân và các yêu cầu từ chính quyền Trump

Chính quyền Trump đã đưa ra một loạt yêu cầu đối với các trường đại học, bao gồm:

Chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI); Áp dụng chính sách tuyển sinh dựa hoàn toàn vào thành tích, loại bỏ ưu tiên chủng tộc; Kiểm tra tư tưởng chính trị của giảng viên và sinh viên; Hợp tác chặt chẽ với cơ quan di trú trong việc giám sát sinh viên quốc tế; Giải tán các nhóm sinh viên ủng hộ Palestine và tăng cường kiểm soát các hoạt động biểu tình.

Ngày 14/4, Đại học Harvard đã kiên quyết từ chối loạt yêu cầu này và cho rằng chúng sẽ làm tăng cường sự giám sát liên bang và có thể làm suy yếu vị thế của Harvard như một tổ chức học thuật độc lập.

Đáp lại, chính quyền đã đóng băng khoản viện trợ liên bang trị giá 2,3 tỷ USD, viện dẫn lý do Harvard không kiểm soát được các hoạt động bài Do Thái trong khuôn viên trường, đặc biệt là sau các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine gần đây.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chương trình nghiên cứu, đặc biệt là tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan, nơi phụ thuộc một nửa vào nguồn tài trợ liên bang. Đại học Harvard dự kiến sẽ vay 750 triệu USD để bù đắp thiếu hụt.

Đại học Harvard bị chính quyền đóng băng khoản viện trợ liên bang trị giá 2,3 tỷ USD. (Ảnh: AP)

Đại học Harvard bị chính quyền đóng băng khoản viện trợ liên bang trị giá 2,3 tỷ USD. (Ảnh: AP)

Trước đó, 14/4 lực lượng đặc nhiệm của Bộ Giáo dục về chống chủ nghĩa bài Do Thái đã cáo buộc trường đại học lâu đời nhất của Mỹ"tư duy hưởng quyền lợi đáng lo ngại vốn phổ biến ở các trường đại học và cao đẳng danh giá nhất của quốc gia chúng ta - rằng khoản đầu tư của liên bang không đi kèm với trách nhiệm duy trì luật dân quyền".

Cuộc trao đổi này làm leo thang tranh chấp nghiêm trọng giữa chính quyền ông Trump và một số trường đại học giàu nhất thế giới, làm dấy lên mối lo ngại về quyền tự do ngôn luận và học thuật.

Chính quyền đã đóng băng hàng trăm triệu USD tiền tài trợ liên bang cho nhiều trường đại học, gây sức ép buộc các trường phải thay đổi chính sách và viện dẫn những gì họ cho là thất bại trong việc chống lại nạn bài Do Thái trong khuôn viên trường.

Trước đó, Tổng thống Trump cảnh báo ông sẽ cắt ngân sách các trường cho phép "biểu tình bất hợp pháp", trục xuất hoặc tống giam những người dẫn đầu biểu tình.

"Tất cả khoản ngân sách liên bang sẽ dừng lại đối với bất cứ trường học, cao đẳng hoặc đại học nào cho phép biểu tình bất hợp pháp", Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/3 cho biết.

Sau khi Harvard bác bỏ yêu cầu của Mỹ, ông Trump thêm mối đe dọa mới.

Cụ thể, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ tước quyền miễn thuế của Harvard vào 15/4 và yêu cầu trường đại học này phải xin lỗi, một ngày sau khi trường từ chối những yêu cầu mà ông gọi là bất hợp pháp về việc cải tổ các chương trình học thuật hoặc mất các khoản tài trợ của liên bang.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên rằng ông Trump muốn Harvard xin lỗi vì những gì bà gọi là "chủ nghĩa bài Do Thái diễn ra trong khuôn viên trường đại học của họ đối với sinh viên người Mỹ gốc Do Thái".

Bà cũng cáo buộc Harvard và các trường khác vi phạm Mục VI của Đạo luật Dân quyền, trong đó cấm phân biệt đối xử của người nhận tiền tài trợ liên bang dựa trên chủng tộc hoặc quốc tịch.

Tác động lan rộng

Không chỉ Harvard, nhiều trường đại học khác như Columbia, Princeton, Cornell và Northwestern cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính quyền Trump.

Người biểu tình dựng lều trong khuôn viên Đại học Northwestern ở Illinois. (Ảnh: AP)

Người biểu tình dựng lều trong khuôn viên Đại học Northwestern ở Illinois. (Ảnh: AP)

Bắt đầu từ Đại học Columbia, chính quyền Trump đã khiển trách các trường đại học trên khắp cả nước về cách xử lý phong trào biểu tình của sinh viên ủng hộ Palestine gây chấn động các trường đại học vào năm ngoái, sau cuộc tấn công của Hamas năm 2023 khiến xung đột ở Gaza leo thang.

Ngày 10/4, Nhà Trắng cho biết chính quyền ông Trump đã đóng băng hơn 1 tỷ USD tiền tài trợ liên bang cho Đại học Cornell và khoảng 790 triệu USD cho Đại học Northwestern trong khi chính phủ điều tra các cáo buộc vi phạm quyền công dân tại trường này.

Đại học Columbia đã bị cắt giảm 400 triệu USD viện trợ liên bang do bị cáo buộc không xử lý đúng mực các hoạt động biểu tình ủng hộ Palestine. Chính quyền ông Trump cũng đã yêu cầu các trường này thực hiện các biện pháp tương tự như đối với Harvard.

19 đại học khác nằm trong số 100 đơn vị nhận được nhiều tài trợ liên bang nhất ở Mỹ tháng trước nhận được thư thông báo từ Bộ Giáo dục rằng họ có thể bị mất tài trợ do không ngăn được tình trạng bài Do Thái. Riêng Đại học Johns Hopkins mất 800 triệu USD tài trợ và hợp đồng do chính quyền tinh giản Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Chính quyền Cộng hòa trước đây đã cắt tiền tài trợ cho Đại học Columbia, Đại học Pennsylvania và các trường khác, tạo ra sự bất ổn cho các trường đại học vào thời điểm các khoản tài trợ cho các viện nghiên cứu bị cắt giảm.

Tháng trước, Bộ Giáo dục Mỹ đã gửi thư tới hơn 60 trường đại học, bao gồm Cornell ở New York và Northwestern ở Illinois, cảnh báo về "các hành động thực thi tiềm tàng nếu họ không thực hiện nghĩa vụ" theo luật liên bang nhằm "bảo vệ sinh viên Do Thái trong khuôn viên trường, bao gồm quyền tiếp cận không bị gián đoạn vào các cơ sở vật chất và cơ hội giáo dục của trường".

Chính quyền lập luận rằng các trường đại học đã cho phép chủ nghĩa bài Do Thái được lan truyền không kiểm soát trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Israel-Hamas tại trường vào năm ngoái; các trường phủ nhận điều này.

Phản ứng từ cộng đồng học thuật và chính trị

Ngày 15/4, cựu Tổng thống Barack Obama công khai chỉ trích chính quyền ông Trump vì quyết định đóng băng 2,3 tỷ USD viện trợ liên bang dành cho Đại học Harvard. Cựu Tổng thống Barack Obama viết trong bài đăng trên mạng xã hội X:

"Harvard đã nêu gương cho các tổ chức giáo dục đại học khác – từ chối nỗ lực phi pháp và vụng về nhằm kìm hãm quyền tự do học thuật, đồng thời thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo tất cả sinh viên tại Harvard đều có thể hưởng lợi từ môi trường nghiên cứu trí tuệ, tranh luận nghiêm túc và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta hãy hy vọng các tổ chức khác cũng làm theo".

Ông Obama gọi hành động của chính quyền ông Trump là "phi pháp và vụng về", đồng thời ca ngợi Harvard vì từ chối tuân thủ những yêu cầu mà ông cho là can thiệp quá mức vào quyền tự trị học thuật.

Những rủi ro trong cuộc đối đầu

CNN phân tích, Cuộc đối đầu ngày càng leo thang của Tổng thống Donald Trump với Đại học Harvard đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc tấn công của chính quyền ông vào các trường đại học ưu tú — một chiến dịch đe dọa cả các khu vực đô thị năng động nhất về kinh tế của quốc gia cũng như khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ.

Từ Boston và Austin đến Seattle và Thung lũng Silicon, các trường đại học nghiên cứu ưu tú này đã đóng vai trò là chất xúc tác cho sự tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực năng suất nhất của quốc gia. Họ đã tạo ra một luồng đột phá khoa học ổn định và những sinh viên trẻ có tay nghề cao đổ vào các công ty theo đuổi các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực máy tính, truyền thông, trí tuệ nhân tạo, thiết bị y tế, công nghệ sinh học, dược phẩm và các ngành công nghiệp tiên tiến khác.

Đây là địa lý kinh tế cơ bản của hệ thống công nghiệp tiên tiến, giá trị cao ở Mỹ", ông Mark Muro, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn phi đảng phái Brookings Metro cho biết. “Đây là chính sách công nghiệp của Mỹ đang hoạt động".

Nhưng giờ đây chính quyền Trump đang đe dọa sẽ ngăn chặn động cơ kinh tế này bằng cách chấm dứt các khoản tài trợ nghiên cứu cho các trường đại học lớn, cắt giảm hỗ trợ chung của liên bang cho nghiên cứu khoa học và trục xuất sinh viên quốc tế vì các hoạt động chính trị của họ.

Sau nhiều tháng thận trọng và đầu hàng từ các trường đại học khác, thông báo từ chối yêu cầu của Chính quyền ông Trump từ Đại học Harvard hôm 14/4 đã đánh dấu một bước ngoặt báo hiệu sự phản kháng lớn hơn từ các trường đại học và cộng đồng của họ.

Cẩm Lai (Nguồn: Reuters, AP, The Politico)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cuoc-doi-dau-giua-tong-thong-trump-va-cac-truong-dai-hoc-my-ar937897.html
Zalo