Doanh nghiệp Pháp ứng phó với cuộc chiến thương mại – Bài 1: Làn sóng cắt giảm đầu tư

Động thái tăng thuế quan của Mỹ đang tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, có thể dẫn đến biến động lớn về sức tiêu thụ ô tô và nhiều mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng khác nhau.

Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ở Paris. Ảnh: SIPA/TTXVN

Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Pháp ở Paris. Ảnh: SIPA/TTXVN

Phân tích về phản ứng của các doanh nghiệp Pháp đối với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng, nhật báo Le Figaro cho biết các tập đoàn lớn của Pháp đang lên kế hoạch phòng ngừa rủi ro, cắt giảm đầu tư và trì hoãn các quyết định quan trọng, để bảo tồn biên lợi nhuận.

Động thái tăng thuế quan của Mỹ và leo thang xung đột thương mại tạo ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, có khả năng dẫn đến biến động lớn về sức tiêu thụ ô tô và nhiều mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng khác nhau. Tuần giữa tháng Tư, tập đoàn cung ứng phụ tùng ô tô Pháp-Đức Forvia đã thông báo về một loạt biện pháp cấp bách và triệt để: đóng băng tuyển dụng, chấm dứt ngay các hợp đồng lao động tạm thời, hạn chế đi công tác và cắt giảm chi phí marketing. Tập đoàn này cũng quyết định không tham gia Triển lãm Ô tô Munich và Hội chợ công nghệ CES ở Las Vegas (Mỹ). “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, bối cảnh hiện tại quá nhiều biến động”, ông Olivier Durand, Giám đốc tài chính của tập đoàn, giải thích.

Không chỉ những doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến thương mại như ngành ô tô, hóa chất hay rượu mạnh, mà ngay cả các công ty chưa chịu tác động cũng đang có những động thái mạnh tay. Lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp chia sẻ: “Mối lo lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu”. Mặc dù tập đoàn vẫn đang tăng trưởng mạnh, nhưng lãnh đạo của tập đoàn này đã chủ động triển khai các biện pháp đề phòng như rà soát lại toàn bộ hoạt động mua sắm và đầu tư, chỉ giữ lại những khoản thực sự thiết yếu và cắt bỏ hoàn toàn các chi phí không cần thiết.

Hoạt động kinh doanh đang chững lại

Sự lo lắng đang ngày càng lan rộng. Ngay cả tuyên bố về "khoảng dừng 90 ngày" mà Tổng thống Trump đưa ra hôm 9/4, chưa đầy 24 giờ sau khi các biện pháp thuế quan bắt đầu có hiệu lực, cũng không làm dịu đi tình hình. Một lãnh đạo giới chủ nghiệp đoàn của Pháp đã bày tỏ lo ngại của ông với Bộ trưởng Kinh tế Éric Lombard, cho rằng đòn thuế quan của ông Trump sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền: Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác thương mại khác của Mỹ như Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa, cùng với sự chuyển hướng của các dòng thương mại về thị trường nội địa. Ông nói: “Tình hình hiện tại cho thấy điều chắc chắn duy nhất hiện nay là... sự bất định và những hậu quả suy thoái mà nó kéo theo đối với tăng trưởng”.

Đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của sự chững lại. Ngay cả khi mức thuế quan của Mỹ được hạ xuống còn 10%, chúng vẫn “đã gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng,” theo ông Olivier Andrìes, Tổng Giám đốc của Safran. “Một số nhà cung cấp bắt đầu gửi thông báo rằng họ sẽ ngừng giao hàng vì không muốn trả mức thuế đó”. Phía khách hàng cũng đang hành xử đầy thận trọng. Ed Bastian, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng hàng không Delta, đã tuyên bố hoãn nhận các lô hàng máy bay mới từ Airbus, trừ những chiếc được lắp ráp tại Alabama, vì không muốn trả thuế quan cho các lô hàng máy bay này.

Đối với các "ông lớn" trong ngành vận tải biển, thị trường Mỹ đã rơi vào tình trạng đình trệ. “Chúng tôi đang hoàn tất các đơn hàng đã đặt vào tháng Một và Hai,” một doanh nghiệp cho biết, “nhưng các đơn hàng mới từ Mỹ đã dừng lại kể từ khi Tổng thống Trump công bố ‘Ngày Giải phóng’, và chúng vẫn chưa được nối lại sau khi có lệnh tạm hoãn áp thuế với các nước, ngoại trừ Trung Quốc”. Không một khách hàng nào dám tận dụng cơ hội này để tích trữ trước cả. Và lý do thì rất rõ ràng. Một mặt, nhiều nhà phân phối như Dollar Tree, Walmart, Home Depot đã tích trữ dự phòng kể từ sau khi ông Trump thắng cử cho đến khi ông nhậm chức. Mặt khác, chính sách của Tổng thống Trump đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa của người tiêu dùng Mỹ.

Sự lo ngại lan rộng khắp các lĩnh vực kinh tế

Trong hoàn cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi sự lo ngại lan rộng đến mọi lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới. “Chúng tôi cũng có thể bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc chiến thuế quan,” một lãnh đạo của tập đoàn phân phối Pháp cho biết, dù doanh nghiệp này không có hoạt động tại Mỹ.

Tình trạng bất ổn và sự thiếu tin tưởng của người Pháp có thể kéo dài và dẫn đến gia tăng tiết kiệm, đồng thời khiến tiêu dùng chững lại. Ông Arthur Sadoun, CEO của Publicis – tập đoàn quảng cáo hàng đầu thế giới – đã tóm tắt tâm lý của khách hàng như sau: “Không ai thực sự biết chính xác tác động của thuế quan đối với công ty mình là gì, và tất cả mọi người đều đang chuẩn bị cho một sự bất ổn nào đó và tình trạng thiếu minh bạch. Nếu chúng ta muốn tránh một cuộc khủng hoảng, thì chúng ta cần có sự chắc chắn và rõ ràng hơn”.

Trong giai đoạn chờ đợi này, ngay cả các quyết định về cách thức phản ánh các mức thuế quan mới vào giá bán cũng rất khó chính xác. “Hiện tại, chúng tôi đang chịu đựng mức tăng 10% thuế quan trong biên lợi nhuận”, ông Sébastien Guerra, đồng sáng lập Huygens - công ty xuất khẩu mỹ phẩm sang Mỹ - cho biết, “chúng tôi sẽ điều chỉnh giá khi tình hình ổn định hơn”.

Nếu như Hermès - tập đoàn chống chịu tốt nhất với khủng hoảng trong ngành hàng xa xỉ - sẽ chuyển toàn bộ mức thuế quan cho khách hàng Mỹ từ ngày 1/5, thì các doanh nghiệp khác lại lựa chọn giải pháp chờ đợi. “Tác động của thuế quan không thể được đánh giá một cách dứt khoát vì tình hình thay đổi theo từng ngày”, ông Guillaume Faury, CEO của Airbus, lý giải, “tăng thuế 20%, 10% hay 0% là hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi đang xem xét tác động theo từng sản phẩm. Với một chiếc máy bay với khoảng 3 triệu linh kiện cần lắp ráp thì mức độ phức tạp là khôn lường”.

Tổng Giám đốc của một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp lại có một cách tiếp cận khác, nhưng cũng đầy thận trọng. “Chúng tôi sẵn sàng tăng giá, nhất là khi không có sản phẩm thay thế nào từ Mỹ cho những gì chúng tôi xuất khẩu từ Trung Quốc”, ông chia sẻ “nhưng tôi vẫn thích chấp nhận rủi ro chờ đợi vài tháng để làm điều đó, dù có thể mất một phần lợi nhuận, nhằm điều chỉnh theo mức thuế ổn định lâu dài. Không thể hành động một cách liều lĩnh”. Sẵn sàng chờ đợi để tăng giá, các doanh nghiệp đang cố gắng tìm mọi phương án có thể nhằm bảo vệ biên lợi nhuận của mình.

“Để đề phòng, chúng tôi sẽ mở rộng các kế hoạch tiết kiệm, bao gồm cả chi phí quản lý hành chính và chi tiêu quảng cáo”, một CEO của một doanh nghiệp lớn trong chỉ số CAC 40 tiết lộ. Cùng với các khoản chi phí chung, chi phí đi lại, hội thảo, sự kiện, thì ngân sách quảng cáo là mục tiêu cắt giảm dễ nhất.

“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang lo lắng vì sự bất ổn liên quan đến thuế quan, nguy cơ lạm phát và bối cảnh địa chính trị bất ổn hơn bao giờ hết”, ông Arthur Sadoun cảnh báo, “Vì thận trọng, họ đã chọn cách đứng ngoài cuộc và cắt giảm một số khoản đầu tư. Nhưng mức độ bất ổn đang gia tăng mỗi ngày, vì vậy họ có thể còn cắt giảm mạnh hơn nữa trong những tháng tới”.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-phap-ung-pho-voi-cuoc-chien-thuong-mai-bai-1-lan-song-cat-giam-dau-tu/371562.html
Zalo