'Cuộc chiến nghị quyết' tại Liên hợp quốc: Mỹ lần đầu chống lại dự thảo của Ukraine

Lần đầu tiên kể từ khi Nga xung đột Ukraine cách đây ba năm, Mỹ đã bỏ phiếu cùng với Nga trong nỗ lực ngăn chặn một dự thảo nghị quyết của Ukraine tại Liên hợp quốc.

Được trình bày bởi Ukraine và một số nước châu Âu, dự thảo nghị quyết này có tiêu đề “Thúc đẩy hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine”. Nó nêu bật những hậu quả toàn cầu của chiến tranh, bao gồm tác động đến an ninh lương thực, năng lượng, kinh tế, an toàn hạt nhân và môi trường.

Nghị quyết cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và giải quyết hòa bình theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đồng thời thúc giục tăng cường các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa.

Nghị quyết này khẳng định lại các nghị quyết trước đây của Liên hợp quốc yêu cầu Nga phải rút quân ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện khỏi các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine.

Nghị quyết của Ukraine: 93 phiếu thuận, 18 phiếu chống và 65 phiếu trắng

Dù vấp phải sự phản đối của Mỹ, nghị quyết do Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo này vẫn được thông qua với sự ủng hộ gần như tuyệt đối bởi các nước EU và nhóm G7 (trừ Mỹ).

 Kết quả bỏ phiếu nghị quyết do Ukraine và EU đề xuất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: LHQ

Kết quả bỏ phiếu nghị quyết do Ukraine và EU đề xuất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: LHQ

Kết quả cụ thể là 93 quốc gia đã bỏ phiếu thuận; 18 quốc gia bỏ phiếu chống; và 65 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil, bỏ phiếu trắng. Như vậy số nước ủng hộ là 93 so với 83 nước phản đối hoặc bỏ phiếu trắng. Con số này thấp hơn so với các cuộc bỏ phiếu trước đó, khi có hơn 140 quốc gia phản đối hành động tấn công của Nga.

Trong số 18 nước bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết có Nga, Mỹ, Triều Tiên, Belarus, Hungary, Israel, Haiti, Burkina Faso, Burundi, Guinea Xích Đạo, Eritrea, Mali, Quần đảo Marshall, Nicaragua, Nigeria, Palau, Sudan cùng nhiều nước khác.

Cho đến trước cuộc bỏ phiếu này, Mỹ cùng với EU luôn bỏ phiếu ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga suốt 3 năm qua, và sự thay đổi này của Hoa Kỳ đánh dấu sự thay đổi lớn trong lập trường của nước này, báo hiệu sự tách biệt khỏi châu Âu.

Nghị quyết được đưa ra vào đúng ngày kỷ niệm 3 năm cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine là "mối đe dọa nghiêm trọng" không chỉ đối với hòa bình và an ninh của châu Âu mà còn đối với nền tảng và các nguyên tắc cốt lõi của Liên hợp quốc.

Nghị quyết của Mỹ: 93 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 73 phiếu trắng

Điều đáng nói, cùng với Ukraine và EU, Mỹ cũng đã đệ trình một dự thảo nghị quyết riêng với tiêu đề ngắn gọn “Con đường đến hòa bình”, thương tiếc cho sự mất mát bi thảm về sinh mạng trong suốt cuộc xung đột “Liên bang Nga-Ukraine”. Kết quả, nghị quyết này được thông qua cũng với 93 phiếu thuận, nhưng chỉ 8 phiếu chống, còn lại 73 phiếu trắng. Đáng lưu ý, Mỹ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng về nghị quyết của riêng mình.

 Quảng cảnh và kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết về Ukraine do Mỹ đề xuất. Ảnh: LHQ

Quảng cảnh và kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết về Ukraine do Mỹ đề xuất. Ảnh: LHQ

Khi đề xuất dự thảo nghị quyết của Mỹ, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Dorothy Shea cho biết nhiều nghị quyết của Đại hội đồng đã yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine nhưng các nghị quyết đó đã không ngăn chặn được chiến tranh. Bà cho biết: “Tình trạng này đã kéo dài quá lâu và gây ra hậu quả quá khủng khiếp cho người dân Ukraine, Nga và nhiều nơi khác”.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Mariana Betsa cho biết đất nước của bà đang thực hiện "quyền tự vệ vốn có" sau cuộc tấn công của Nga, vi phạm yêu cầu của Hiến chương Liên hợp quốc rằng các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.

Hội đồng Bảo an lần đầu thông qua được một nghị quyết về Ukraine

Ngay sau khi hai nghị quyết “đối đầu” nói trên được thông qua ở Đại hội đồng, thì Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết riêng khác do Mỹ đề xuất, trong đó có lập trường trung lập về cuộc xung đột khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách làm trung gian hòa bình.

Trước đây, hội đồng gồm 15 thành viên này chưa từng thực hiện bất kỳ hành động nào đối với cuộc xung đột ở Ukraine vì Nga là nước phủ quyết. Nghị quyết của Mỹ nhận được 10 phiếu thuận, trong khi Pháp, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia bỏ phiếu trắng.

 Quang cảnh cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24/2/2025. Ảnh: LHQ

Quang cảnh cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 24/2/2025. Ảnh: LHQ

"Nghị quyết này đưa chúng ta đến con đường hòa bình. Đây là bước đầu tiên, nhưng là bước quan trọng, một trong những bước mà tất cả chúng ta nên tự hào", quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Dorothy Shea phát biểu trước hội đồng. "Bây giờ chúng ta phải sử dụng nó để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế".

Nghị quyết ngắn này thương tiếc những mất mát về sinh mạng trong "cuộc xung đột Nga-Ukraine", tái khẳng định mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và thiết lập nền hòa bình lâu dài.

Những nỗ lực làm trung gian của ông Trump đã khiến các đồng minh châu Âu và Ukraine cảnh giác trước sự tập trung của ông vào Nga và lo ngại họ có thể bị loại khỏi các cuộc đàm phán hòa bình.

Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward phát biểu với Hội đồng Bảo an rằng các điều khoản hòa bình ở Ukraine rất quan trọng và phải "gửi đi thông điệp rằng hành động xâm lược sẽ không mang lại lợi ích".

"Đây là lý do tại sao không thể có sự tương đương giữa Nga và Ukraine trong cách Hội đồng đề cập đến cuộc chiến này. Nếu chúng ta muốn tìm ra con đường dẫn đến hòa bình bền vững, hội đồng phải làm rõ nguồn gốc của cuộc chiến", bà nói.

Hoàng Hải (theo LHQ, IE, AA, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-chien-nghi-quyet-tai-lien-hop-quoc-my-lan-dau-chong-lai-du-thao-cua-ukraine-post335909.html
Zalo