Cuộc chiến không tiếng súng của cựu chiến binh Đặc công rừng Sác
Đất nước đã thống nhất 50 năm, nhưng đến hôm nay những hậu quả chiến tranh vẫn còn đeo bám nhiều người lính và gia đình họ. Gia đình cựu chiến binh Đặc công rừng Sác Nguyễn Hữu Nhượng nằm trong số những người lính có hoàn cảnh như vậy, khi bản thân ông với 3 người con trai bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin.

CCB Nguyễn Hữu Nhượng chăm sóc con trai cả Nguyễn Mạnh Trường (Sn 1980) bị di chứng nặng của chất độc nên thần kinh không ổn định.
Nằm thu mình bên dòng sông Rút bình yên và hiền hòa, khu 6 phường Yên Hải, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) bao đời nay vẫn gắn với nghề thuần nông. Trải hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống mỹ cứu nước của dân tộc TX Quảng Yên đã cống hiến cho Tổ quốc hơn 1.100 liệt sỹ và khoảng 400 thương bệnh binh, cùng với đó là 51 Mẹ Việt Nam anh hùng (đã mất).
Mùa xuân năm 1971 ông Nguyễn Hữu Nhượng ở khu 6, phường Yên Hải, khi đó mới 17 tuổi. Cũng như bao thanh niên ở khắp mọi miền Tổ quốc, ông Nhượng viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (Quân chủng Hải quân).
Hoàn thành hai khóa huấn luyện trên đất Bắc, ông Nhượng cùng các đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu.

CCB Đoàn 10 Đặc công rừng Sác Nguyễn Hữu Nhượng với vết thương khi chiến đấu trên sông Lòng Tàu bị mảnh đạn M79 găm vào đầu.
Sau hơn 7 tháng hành quân, vượt dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam, đến tháng 2 năm 1972, người chiến trẻ Nguyễn Hữu Nhượng được biên chế vào Đoàn 10 Đặc công rừng Sác, từ đây mở ra một trang mới trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Hoạt động ở vùng ven Sài Gòn (nay là huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) với nhiệm vụ là lính điều nguyên (trinh sát) của Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Gần 3 năm trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, ông Nhượng cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh trên sông Lòng Tàu.
Trong những trận đánh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, hàng trăm đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh, nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi ấy. Đến tháng 10 năm 1980 ông xuất ngũ trở về địa phương, sau gần mười năm công tác tại Đoàn 10 Đặc công rừng Sác.

Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của ông Nguyễn Hữu Nhượng.

Ông Nhượng thấy mình may mắn hơn nhiều người, vì còn có ngày trở về đoàn tụ với gia đình tại khu 6 phường Yên Hải, TX Quảng Yên, nơi mà khi ông cùng đồng đội lên đường với lời thề “chưa diệt hết giặc ta chưa về”. Trở về quê hương sau những năm tháng sống và chiến đấu tại chiến trường phía Nam, ông Nhượng xây dựng gia đình với bà Tô Thị Quyên và sinh được 3 người con.
Thế nhưng, “cuộc chiến” với ông vẫn chưa kết thúc khi ông biết đã mang trong mình chất độc da cam/dioxin. Nỗi đau tận cùng giằng xé tâm can người lính can trường ấy là cả 3 người con của ông đều bị ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/dioxin, nên không thể lao động bình thường như những người khác.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam gặp gia đình CCB Nguyễn Hữu Nhượng tại nhà ở khu 6 phường Yên Hải, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh)
Hiện, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhượng (Sn 1955) và bà Tô Thị Quyên (Sn 1958) sống với người con cả là anh Nguyễn Mạnh Trường, (Sn 1980) bị di chứng nặng của chất độc nên thần kinh không ổn định. Đã nhiều lần anh Trường bỏ nhà đi lang thang, không biết đường về, vợ chồng ông cùng bà con khu phố phải vất vả ngược xuôi mới kiếm tìm được anh. Người con thứ hai và thứ ba tuy bị di chứng nhẹ hơn anh trai và đã lập gia đình, ra ở riêng nhưng không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nên cũng không giúp được gì cho bố mẹ.
Ông Lương Liễm - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TX Quảng Yên chia sẻ, ông Nguyễn Hữu Nhượng hiện là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam phường Yên Hải, gia đình có 5 người thì có đến 4 người là nạn nhân chất độc da cam, gia đình ông Nhượng thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đảng ủy phường Yên Hải cho biết, trường hợp hộ gia đình ông Nhượng, Đảng ủy, chính quyền phường có chủ trương hướng cho các tổ chức đoàn thể vận động tổ dân, khu phố quyên góp ủng hộ nhằm giúp đỡ phần nào cho gia đình ông, nhưng ở đây nhân dân làm nghề thuần nông, các doanh nghiệp trên địa bàn không có nhiều nên hiệu quả sẽ không cao. Hằng năm, chính quyền đều động viên thăm hỏi gia đình ông Nhượng vào những dịp đặc biệt.
50 năm sau ngày Đất nước thống nhất nhưng những chiến công, sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác vẫn là huyền thoại về ý chí bất khuất, trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Kể cho chúng tôi nghe về những trận đánh, những lần đi điều nguyên kho vũ khí Thành Tuy Hạ ông và đồng đội luôn đối diện cận kề với cái chết, những lần quần thảo với cá sấu một “đặc sản” của rừng Sác, giọng ông vẫn hào hùng như trận chiến mới vừa hôm qua, bất giác ông đưa mắt nhìn về phía người con cả, đôi mắt ông lại đượm buồn.
Điều đau lòng hơn, gần đây, cháu nội của ông Nhượng cũng có những dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc da cam/dioxin. Nỗi đau chất chồng nỗi đau âm thầm gặm nhấm thể xác lẫn tinh thần của người chiến binh rừng Sác khiến ông càng trở nên đau đớn hơn.
“Đặc công rừng Sác” chỉ 4 chữ ấy thôi đã nói lên khí phách một thời của ông, người chiến sĩ đã trải qua bao trận đánh sinh tử không rơi lệ, mà nay ngồi nói chuyện với chúng tôi về cuộc sống gia đình hiện tại, đôi mắt ông đỏ hoe, bao lần trực rơi lệ. Quay mặt đi chỗ khác, như giấu đi những giọt nước mắt bất lực trước hoàn cảnh nghiệt ngã mà “số phận” chia cho mình, ông chia sẻ: “Trước kẻ thù chưa bao giờ tôi thấy run sợ, nhưng nay trở về đời thường cuộc sống chật vật vất vả quá, bao năm tôi chỉ mơ ước, các con có công việc phù hợp với sức khỏe của các cháu, để cuộc sống vơi đi đi nhọc nhằn”
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, di truyền qua nhiều thế hệ, Việt Nam đã di truyền qua thế hệ thứ tư. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ hai, 35.000 nạn nhân thế hệ thứ ba, 2.000 nạn nhân thế hệ thứ tư. Con, cháu của những người bị nhiễm chất độc da cam có nguy cơ bị dị dạng bẩm sinh vì: Chất độc da cam tác động đến hệ thống di truyền gây nên những biến đổi gen hoặc nhiễm sắc thể ở những người trực tiếp bị phơi nhiễm rồi di truyền cho đời con cháu gây ra quái thai, dị dạng, dị tật bẩm sinh…