Cuộc chiến điện tử chống UAV giữa Nga và Ukraine ngày càng diễn ra quyết liệt
Trang The Economist của Anh mới đây đã đăng một bài viết có tựa đề 'Tại Ukraine, cuộc chiến kịch liệt đang diễn ra trên tần số điện từ' nói về cuộc đấu chống máy bay không người lái giữa hai bên.
![Sử dụng và chống máy bay không người lái đang là cuộc đấu quyết liệt giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Getty.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/cc4814572719ce479708.jpg)
Sử dụng và chống máy bay không người lái đang là cuộc đấu quyết liệt giữa Nga và Ukraine. Ảnh: Getty.
Gây nhiễu chống UAV trở thành trọng tâm
Cuộc chiến tranh giành sóng vô tuyến hiện đang là trọng tâm của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cuộc đọ sức đang diễn ra dữ dội giữa cả bom đạn và máy gây nhiễu đang thúc đẩy cuộc chiến thay đổi nhanh chóng vì cả hai bên đều chạy đua tìm kiếm, giám sát, chiếm giữ và tấn công vào những khoảng trống ngày càng khan hiếm trong tần phổ vô tuyến cho phép tín hiệu đi qua.
![Lính Ukraine chuẩn bị phóng máy bay không người lái trinh sát. Ảnh: Getty.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/4c7eac619f2f76712f3e.jpg)
Lính Ukraine chuẩn bị phóng máy bay không người lái trinh sát. Ảnh: Getty.
"Những gì mọi người đang thấy ở Ukraine là chiến tranh điện từ di động", Thomas Withington, một nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu đa quân chủng (The Royal United Services Institute, RUSI) của Hoàng gia Anh, nói. "Cũng giống như lục quân luôn tìm kiếm vùng đất cao hoặc các giao lộ quan trọng, các đơn vị tác chiến điện tử của quân đội cũng vậy".
Khi máy gây nhiễu ngày càng nhiều và công nghệ ngày càng tiên tiến hơn, nhu cầu về chống gây nhiễu UAV đang trở nên cấp thiết hơn.
![Binh sĩ điều khiển Ukraine nhận tín hiệu hình ảnh UAV trinh sát truyền về. Ảnh: Getty.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/9e327a2d4963a03df972.jpg)
Binh sĩ điều khiển Ukraine nhận tín hiệu hình ảnh UAV trinh sát truyền về. Ảnh: Getty.
Vào năm 2023, khi cuộc cách mạng UAV diễn ra, Ukraine là nước đi tiên phong trong việc sử dụng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) để tìm kiếm, truy đuổi và tiêu diệt chính xác mục tiêu của đối phương.
"Nếu không có sự hỗ trợ thích hợp của UAV và tác chiến điện tử, lính bộ binh chỉ có thể sống sót được vài giờ trên chiến trường", Thiếu tá Dmytro Tolstoluzhsky, một sĩ quan trong bộ phận kỹ thuật chuyên ngành của Bộ Quốc phòng Ukraine nói. “Nhiệm vụ của tác chiến điện tử nhằm mục đích tiêu diệt UAV, đạn tuần kích và bom lượn hiện đang thống trị bầu trời”.
![Súng điện từ gây nhiễu chống máy bay không người lái. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/55beb9a18aef63b13afe.jpg)
Súng điện từ gây nhiễu chống máy bay không người lái. Ảnh: QQnews.
Nguyên lý cơ bản của máy gây nhiễu UAV khá đơn giản: một hộp kim loại giá rẻ có gắn ăng-ten tạo ra nhiễu điện từ để chặn tín hiệu dẫn đường hoặc tín hiệu video.
Cuộc chạy đua vũ trang công nghệ đang diễn ra với mức độ rủi ro cao. Thiếu tá Tolstoluzhsky cho biết cứ cách 8 đến 12 tuần lại có những thay đổi lớn về tác chiến điện tử hoặc cách thức vận hành UAV. Cả hai bên đều thay đổi qua phổ tần số rộng từ 200 MHz đến 1.000 MHz hoặc thậm chí cao hơn.
Nhưng ông Andrei Liskovich ở Quỹ Quốc phòng Ukraine cho biết "cuộc cạnh tranh chính" năm ngoái là giảm tần số từ băng tần GSM chuẩn - băng tần được điện thoại di động sử dụng - xuống 300 MHz, khiến việc tìm kiếm các linh kiện có sẵn trở nên khó khăn hơn.
![Máy bay không người lái chiến đấu mang bom tấn công. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/b48c439370dd9983c0cc.jpg)
Máy bay không người lái chiến đấu mang bom tấn công. Ảnh: QQnews.
Kết quả của những đợt tăng tần số này là các xe chống UAV trông giống như những con nhím theo phong cách Steampunk với 6 loại ăng-ten để chống lại các loại UAV khác nhau, mỗi loại đều tiêu thụ rất nhiều điện năng.
Bên phòng thủ cũng phải biết khi nào và ở đâu cần tập trung sự chú ý. Việc sử dụng các thiết bị phát ra lượng lớn sóng vô tuyến không chỉ gây ra nguy cơ tự hủy hoại thiết bị điện tử mà còn khiến người dùng trở thành mục tiêu tiềm ẩn.
Việc nắm rõ thời điểm bật nó lên và ở tần số nào phụ thuộc vào các cảm biến thụ động có thể phân tích tín hiệu vô tuyến từ một bên khác để tìm ra nguồn gốc của chúng. Các cảm biến được sử dụng để phát hiện máy bay không người lái giá rẻ vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột không còn tác dụng nữa. Một số cảm biến hiện nay đang ở trong không gian: Ukraine đang sử dụng dữ liệu được truyền qua vệ tinh do Mỹ sản xuất.
![UAV sợi quang bay nhận tín hiệu điều khiển truyền qua dây quang có tác dụng chống nhiễu điện từ. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/e7501d4f2e01c75f9e10.jpg)
UAV sợi quang bay nhận tín hiệu điều khiển truyền qua dây quang có tác dụng chống nhiễu điện từ. Ảnh: QQnews.
Phổ biến hơn là máy phân tích tần số, một chiếc hộp nhỏ giá 7.000 USD có thể tách các tần số khác nhau đang được phát sóng bất cứ lúc nào. Thông tin này có thể hướng dẫn quân đội thực hiện các hoạt động gây nhiễu.
Về mặt lý thuyết, các máy phân tích tần số có thể được liên kết nối tiếp để tạo thành một trạm gác điện tử khổng lồ nhằm phát hiện các tín hiệu bức xạ dọc theo toàn bộ chiến tuyến.
Ông Liskovich ước tính rằng chi phí cho mỗi km chiến tuyến sẽ vào khoảng 10.000 USD, và toàn bộ mặt trận có thể tốn 10 triệu USD - một số tiền không quá lớn. Nhưng giống như nhiều khía cạnh khác của chiến tranh, vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng. Chỉ có 3 công ty ở Mỹ và Đức có thể sản xuất loại thiết bị này; thời gian hoàn thành là 8 tháng.
Một UAV sợi quang của Nga xuất phát đi làm nhiệm vụ. Ảnh: QQnews.
Nga đi trước trong sử dụng UAV sợi quang
Thách thức mới nhất là tự động hóa “chặng cuối cùng” và UAV cáp quang. Tự động hóa "chặng cuối" có thể tránh được hầu hết các lá chắn tác chiến điện tử chiến thuật bằng cách điều khiển UAV đến gần mục tiêu và sau đó sử dụng trí tuệ nhân tạo để khóa và tấn công.
UAV cáp (sợi) quang, lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường vào mùa xuân năm 2024. Máy bay phải tháo cuộn dây khi bay, khiến nó khó điều khiển hơn nhưng cũng ít bị tác chiến điện tử gây nhiễu hơn.
![Các bộ phận của một UAV sợi quang Nga bị Ukraine bắn hạ. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/e5ededf2debc37e26ead.jpg)
Các bộ phận của một UAV sợi quang Nga bị Ukraine bắn hạ. Ảnh: QQnews.
Hệ thống dẫn đường bằng sợi quang có vấn đề về trọng lượng so với hệ thống dẫn đường bằng sóng vô tuyến. UAV sợi quang có tải trọng tối đa là 5 kg, nhưng một phần tải trọng này phải dành cho cuộn sợi quang. 9 km sợi quang nặng khoảng 1,3 kg, do đó tải trọng của một UAV được trang bị cuộn sợi quang dài 19 km nặng khoảng 2 kg. Tất nhiên, điều đó vẫn quá đủ đối với một camera có zoom quang 10x với chức năng chụp ảnh nhiệt hoặc đạn dược có kích thước như vậy.
![Xe gây nhiễu chống UAV của Quân đội Nga. Ảnh: QQnews.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_309_51487956/a29dad829ecc77922edd.jpg)
Xe gây nhiễu chống UAV của Quân đội Nga. Ảnh: QQnews.
UAV sử dụng sợi quang thường phát động tấn công trước, trước hết nhắm mục tiêu và phá hủy các hệ thống tác chiến điện tử để các UAV điều khiển bằng sóng vô tuyến khác có thể bay vào.
Cả hai bên Nga và Ukraine đều đang tăng cường công nghệ. Nga là quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ này và hiện vẫn đang dẫn đầu. Các phương pháp như đèn chớp (sử dụng đèn pin độ sáng cao để làm chói máy quay của UAV cũng đang được thử nghiệm.