Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự nêu gương và 'hy sinh'
Một trong những biểu hiện của việc thấm vào đời sống xã hội, ngấm tới từng cán bộ viên chức của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính là sự nêu gương và 'hy sinh' của nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tình nguyện thôi công tác khi vẫn còn tuổi làm việc. Sự nêu gương này giúp cho việc sắp xếp bộ máy được thuận lợi hơn.

Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên nơi có nhiều người viết đơn tình nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh: Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên.
Từ trung ương đến địa phương, ở nhiều cấp nhiều ngành đang xuất hiện không ít trường hợp cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ chủ chốt ở địa phương đã tình nguyện xin thôi công tác khi vẫn còn tuổi. Họ chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tinh gọn, hiệu quả hơn.
Ở Thanh Hóa, bà Bùi Thị Mười, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cán bộ đầu tiên của tỉnh này tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi, dù bà còn gần 2 năm công tác mới đến tuổi nghỉ hưu. Ở Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn 3 năm. Ở Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh là người đầu tiên tình nguyện viết đơn nghỉ hưu trước tuổi để địa phương thuận lợi trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, dù còn 3 năm công tác. Ở Đồng Tháp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp bộ máy.
Ở tỉnh Lào Cai, nhiều cán bộ, công chức của tỉnh và của các địa phương xin nghỉ trước tuổi hoặc xuống vị trí thấp hơn. Các lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, đã ghi nhận hơn 10 trường hợp có đơn đề nghị nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó có ông Đỗ Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai.
Tỉnh Quảng Trị ghi nhận 233 trường hợp đăng ký nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 178 của Chính phủ. Trong đó, 11 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và huyện thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý xin nghỉ. Nhiều người đứng đầu các sở, ban ngành ở tỉnh này đã nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Ở cấp trung ương, nhiều cán bộ thuộc Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tự nguyện xin nghỉ hưu sớm. Trong đó có tên các vụ trưởng: Nguyễn Văn Thảnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ban Dân vận Trung ương); Phùng Thị Mai Hiên, Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Ban Dân vận Trung ương); Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước (Ban Dân vận Trung ương); Đỗ Thịnh, Trưởng cơ quan Ban Dân vận Trung ương tại Đà Nẵng); Đỗ Thị Thu Hiên - Phó Tổng Biên tập Thường trực, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ban Tuyên giáo Trung ương). Và các phó vụ trưởng như: Vũ Thị Thu Hương (Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Ban Tuyên giáo Trung ương); Mai Yến Nga (Phó Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương); Nguyễn Văn Bắc (Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Ban Tuyên giáo Trung ương); Hoàng Anh Đức (Phó Chánh văn phòng – Ban Tuyên giáo Trung ương); Nguyễn Thanh An (Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại – Ban Tuyên giáo Trung ương).
Trong phát biểu, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp, cống hiến và tinh thần trách nhiệm của những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Theo ông, đây là một nghĩa cử rất cao đẹp trong việc thực hiện Nghị quyết 18 - "cuộc cách mạng" về sắp xếp, tổ chức bộ máy. Nhiều người đã chấp nhận hy sinh vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước. “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần tự nguyện, tự giác, tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung và chúng tôi tôn vinh và ghi nhận cống hiến của các đồng chí”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi có sự “hy sinh”. Cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy sẽ có một bộ phận người phải hy sinh về quyền lợi, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sẽ bị mất việc làm, thậm chí có những người chức vụ không còn giữ như cũ.
Bởi vậy, TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, việc sắp xếp đụng chạm đến các vị trí lãnh đạo thì trước hết các vị lãnh đạo phải nêu gương. “Vai trò nêu gương là hết sức quan trọng và cán bộ có nêu gương như vậy thì cấp dưới, xã hội người ta mới nhìn vào, tạo thành sự thúc đẩy cuộc cách mạng này”, ông Đinh Duy Hòa nói.
“Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Cũng giống như trong một đội ngũ, mỗi thành viên cần phải hy sinh một chút vì sự tiến bộ và thành công chung của tập thể. Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn”.
(Ông Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)