Tạo hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy
Sáu Nghị quyết được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua lần này đều là những nghị quyết quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh năm 2025 và những năm tiếp theo.
Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có chính sách hỗ trợ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn độ tuổi công tác dưới một nhiệm kỳ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn. Đó là một trong sáu Nghị quyết quan trọng liên quan đến việc tổ chức, sắp xếp bộ máy vừa được HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua tại Kỳ họp thứ 29 diễn ra ngày 19.2.
Nâng mức hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh tập trung thảo luận nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn độ tuổi công tác dưới một nhiệm kỳ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Đức Tiến cho biết, tháng 8.2024, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn độ tuổi công tác dưới 1 nhiệm kỳ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024-2029. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng (thay thế Nghị định 26/2015). Cùng thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định số 178 ngày 31.12.2024 có nội dung vượt trội so với Nghị định số 177. Do đó, để tiếp tục khuyến khích, động viên cán bộ lãnh đạo, quản lý còn độ tuổi công tác dưới 1 nhiệm kỳ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu, việc HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 20 theo hướng nâng mức hỗ trợ cho mỗi đối tượng thụ hưởng chính sách từ ngân sách tỉnh lên thêm 20%.

Kỳ họp thứ 29 của HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua 6 Nghị quyết quan trọng liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Ông Hà Đức Tiến cho rằng, điều này là cần thiết, đúng thẩm quyền, giảm bớt sự chênh lệch trong thực hiện chính sách đối với cán bộ trong cùng thời điểm. Đối tượng áp dụng là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy cấp xã. Theo giải trình của UBND tỉnh Quảng Nam, dự toán kinh phí thực hiện nghị quyết hơn 23,24 tỷ đồng (cao hơn so với Nghị quyết 20 HĐND tỉnh 1,51 tỷ đồng), chia làm hai nhóm gồm: nhóm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là 57 người, kinh phí gần 18 tỷ đồng; Nhóm Bí thư, Phó bí thư cấp ủy cấp xã là 40 người, dự toán kinh phí gần 5,3 tỷ đồng.
Cụ thể hóa chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 18, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối bên trong, cơ cấu hợp lý, khắc phục tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, sắp xếp lại theo hướng tập trung ở một số ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm có năng lực tự chủ và quản lý điều hành tốt. Qua hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh đã tinh giản 6.393 biên chế trong toàn hệ thống chính trị (đạt tỷ lệ tinh giản 15% biên chế công chức và 20% biên chế viên chức).
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 18, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét quyết định thành lập 6 cơ quan, sáp nhập 1 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của tỉnh đảm bảo “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Từ 19 cơ quan chuyên môn trực thuộc, sau khi thành lập, sáp nhập, tổ chức lại UBND tỉnh còn 13 đơn vị (tương đương giảm tỷ lệ 31,6% so với yêu cầu giảm 15-20% của Trung ương). Việc trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết là cơ sở pháp lý để UBND tỉnh tổ chức lại các cơ quan chuyên môn theo chủ trương, quy định về tinh gọn bộ máy.

Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng phát biểu tại Kỳ họp
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng, Kỳ họp lần này đã kịp thời giải quyết những nội dung, công việc mang tính cấp thiết, quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Với 6 Nghị quyết quan trọng được thông qua, đề nghị UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các nghị quyết này; báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo đúng tiến độ và thời gian quy định. Đồng thời, tiếp tục bám sát quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục theo dõi, tham mưu chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh để triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, chế độ trong sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện tốt công tác tư tưởng, đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị vừa tiến hành thành lập, sắp xếp; chỉ đạo rà soát, giải quyết tốt các nội dung liên quan nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp được liên tục, thông suốt, thuận lợi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
“Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt tối thiểu 10%. Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, quyết tâm tạo ra các đột phá và sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 ngay từ đầu năm mới, trong đó đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu của Chính phủ”, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.