Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới

Ngày 19/2, Ban soạn thảo, Tổ giúp việc soạn thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về 'Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới' đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì phiên họp. Cùng dự có ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, hiện nay, công tác xây dựng pháp luật đang được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hết sức quan tâm, thể hiện ở nhiều văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới cách tiếp cận, tư duy xây dựng và thi hành pháp luậtnhư Thông báo số 108-TB/VPTW ngày 18/11/2024 về kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp; Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/01/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật…

Trong đó có nhiều nội dung thể hiện tư duy đổi mới như: bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; phá vỡ điểm nghẽn về thể chế để đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong kỷ nguyên mới; thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật…

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc phiên họp.

Tại phiên họp này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đề nghị Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý lưu ý yêu cầu từ thực tiễn, quy nạp thành nội dung trong Chỉ thị, đồng thời tham mưu những công việc tiếp theo cần thực hiện sau khi Chỉ thị này được ban hành để kịp thời tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo ra “đột phá của đột phá”.

Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cho biết việc xây dựng Chỉ thị hướng tới việc đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có “hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”, “thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội” đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tại phiên họp.

Ông Nguyễn Văn Cương, Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý báo cáo tại phiên họp.

Theo Viện trưởng Nguyễn Văn Cương, cần tập trung đổi mới cả ba chiều cạnh: đổi mới mới tư duy, nhất là tư duy xây dựng pháp luật; đổi mới các quy định chi phối công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đổi mới cách triển khai công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bao gồm việc đổi mới cách bố trí, phân bổ nguồn nhân lực và nguồn tài chính cùng việc ứng dụng công nghệ số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn công tác xây dựng và thi hành pháp luật và yêu cầu phát triển đất nước mang tính bứt phá trong kỷ nguyên mới, Dự thảo thể hiện 04 giải pháp mang tính đột phá và phần tổ chức thực hiện. Cụ thể là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; Có giải pháp đột phá bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

 Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp lần thứ nhất, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về hình thức, nội dung và kết cấu của Chỉ thị. Đồng thời cho ý kiến đóng góp cụ thể để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thiên Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doi-moi-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc-trong-ky-nguyen-moi-post540243.html
Zalo