Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường: Chia sẻ mất mát, nhân hi vọng
Sáng 30/9, tại Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức lễ phát động chương trình Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường.
Từ đề nghị của Bộ GD&ĐT, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong phối hợp cùng Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức lễ phát động Chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”.
Chương trình nhằm kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh trên cả nước chung tay hỗ trợ học sinh, trẻ em mồ côi sau bão số 3; đồng thời hỗ trợ các trường học hư hại sau bão có thêm phần kinh phí khắc phục cơ sở vật chất, tái thiết trường lớp.
Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội T.Ư cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội; Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy; đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu hàng chục trường học các cấp của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của 1.500 học sinh đến từ 3 trường học gồm: Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân Hà Nội.
Về phía Ban tổ chức có Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức.
Sau lễ chào cờ, các đại biểu, các thầy cô, các em học sinh có mặt tại sân Trường THCS Cầu Giấy dành 1 phút tưởng niệm hơn 300 nạn nhân thiệt mạng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão YAGI) vừa qua.
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ “Niềm vui của em” - tên bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng do em Nguyễn Hà Anh cùng nhóm múa của Trường THCS Cầu Giấy biểu diễn, đã nói lên tất cả niềm hy vọng của những người làm công tác giáo dục, của các cấp bộ Đoàn, của các bậc phụ huynh cũng như những người làm báo chúng tôi mỗi khi các con bước vào năm học mới.
Bước vào năm học 2024 - 2025, trong khi hàng trăm, hàng ngàn bản làng chưa kịp rộn vang tiếng hát, những trang vở viết chưa hết trang đầu, thì bão số 3 ập về. Đến hôm nay, sau 21 ngày cơn bão mạnh nhất trong 30 năm đổ bộ vào đất liền Việt Nam, có hàng chục các bạn học sinh ở nhiều bản làng trên miền núi phía Bắc nước ta đã khép lại những giấc mơ đẹp; hàng trăm em dang dở những nụ cười và hàng ngàn em không thể đong đầy niềm vui.
"Ngay lúc này đây, khi các con chuẩn bị bước vào tuần học mới, thì vẫn còn rất nhiều bạn cùng trang lứa với các con vẫn chưa thể quay lại trường", Nhà báo Phùng Công Sưởng xúc động nói.
Nhà báo Phùng Công Sưởng nhắc lại một trong năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng: “Yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào”. Những ngày này, bằng rất nhiều hành động thiết thực với Đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các con đã chứng minh cho những nhà làm giáo dục, thầy cô, phụ huynh và những người làm báo chúng tôi thấy được tấm lòng trong sáng và thiện lương của các con. Đó là những đồng tiền gom góp từ tiền ăn sáng; là những quyển sách, cuốn vở chưa kịp dán nhãn; là những bộ đồng phục chưa mặc một lần… được các con nâng niu gửi đến bạn bè mình ở vùng bão lũ".
"Rồi bão số 3 cũng qua. Cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn. Nhưng, có thể nói rằng, hai tiếng “Tổ quốc” và nghĩa “Đồng bào” đã thân thương, nay lại càng thân thương hơn. Đã sâu nặng, nay lại càng sâu nặng hơn. Và chính hành động của các con sau bão số 3 đã góp phần lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp đó", nhà báo Phùng Công Sưởng nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, được sự ủng hộ của Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, hôm nay, tại Trường THCS Cầu Giấy giàu truyền thống, báo Tiền Phong phát động chương trình: “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, nhằm tiếp tục nhân lên tinh thần “tương thân tương ái”, hướng tới đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, với chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, trong một ngày không xa, những tiếng cười của các em học sinh sẽ lại đong đầy những bản làng vừa trải qua thời khắc không thể nào quên", Nhà báo Phùng Công Sưởng khẳng định.
Con ước bố trở về đoàn tụ với gia đình
Điểm nhấn đặc biệt của buổi lễ hôm nay đó là sự xuất hiện của thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ngôi trường vừa mất đi 13 đứa trẻ sau bão lũ. Hiện còn 7 em bị thương điều trị ở các bệnh viện. Và ngay chiều qua, khi được chương trình mời về Hà Nội, thầy lập tức đến Bệnh viện Việt Đức để thăm một học sinh bị thương nặng đang điều trị tại đó.
Khi được chia sẻ về mình, em Hoàng Anh Quân, học sinh lớp 8, Trường Tiểu học - THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, vẫn còn bàng hoàng, ngơ ngác giây phút chia lìa. Em nấc nghẹn cho biết em chỉ kịp nhắc: bố ơi chạy đi, Quân quay lại đã thấy nhà và bố đều không còn.
21 ngày qua rồi mà vẫn chưa tìm thấy bố của Quân. Nếu có một điều ước, em ước bố trở về đoàn tụ với gia đình. “Bố sẽ trở về theo em qua từng giấc mơ. Mong các cơ quan chức năng sớm đưa được bố em trở về với gia đình”, MC Mỹ Lan xúc động chia sẻ với Quân.
Quân cũng không ngần ngại chia sẻ mong ước sau này được trở thành một nhà giáo. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mẹ và mong mỏi của bố lúc sinh thời.
Dưới sân trường, những tiếng nấc nghẹn cố nén lại của các em học sinh, các thầy cô giáo cùng các đại biểu. Bởi trong trái tim non nớt của Quân, em mới chỉ cảm nhận được nỗi nhớ nhung khi không thấy bố trở về. Em chưa thấy được khoảng trống mênh mông kể từ khi không còn bố cho đến hết cuộc đời.
Thắp lên những hi vọng từ tinh thần thiện nguyện
Trong khuôn khổ lễ phát động, Ban tổ chức đã ngay lập tức nhận được nhiều sự ủng hộ, bao gồm: 14.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cá nhân cho học sinh vùng cao trị giá 300 triệu đồng; Quỹ Tâm Tài Việt trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ cho 5 trường học để mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh Lào Cai; các phòng GD&ĐT, các trường học ủng hộ số tiền hơn 1,1 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, Ban Tổ chức sẽ dành số tiền quyên góp được trong chương trình “Cùng Tiền Phong nâng bước em đến trường” cộng với số tiền gần 2 tỉ đồng còn lại của chương trình “Chung tay khắc phục hậu quả bão Yagi” (cũng do báo Tiền Phong phát động từ ngày 11/9) để lập sổ tiết kiệm cho học sinh mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ tặng 14.000 thẻ bảo hiểm tai nạn cho học sinh các tỉnh miền núi, tặng trang thiết bị cho các trường học bị ảnh hưởng sau bão lũ để tái thiết trường lớp.
Đáp từ tấm lòng của các nhà hảo tâm, Nhà báo Phùng Công Sưởng xúc động nói: "Hôm nay, giữa tiết trời thu Hà Nội, toàn thành phố đang hướng về kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024). Học sinh trên cả nước đã bước vào năm học mới được 3 tuần. Nhưng một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, chúng ta có mặt tại Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội để cùng hướng về đồng bào, học sinh, thầy cô giáo miền núi phía Bắc vừa trải qua những tổn thất đau thương do cơn bão số 3 (bão YAGI)".
Trong Toán học, các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đều cho ra một đáp số rõ ràng, chính xác. Trong cuộc sống, tấm lòng của một học sinh, một thầy cô, một nhà trường, một phòng giáo dục hay một cá nhân, một tổ chức, một doanh nghiệp sẽ cộng hưởng để cho ra những đáp số vô cùng. Đó là tương lai, là hi vọng của một học sinh, một gia đình, một ngôi trường.
Những mất mát về người do thiên tai hay bất kì lí do nào khác đều không có gì có thể bù đắp.
"Ngày hôm nay, chúng ta cùng cộng niềm vui, nhân hi vọng, trừ nỗi buồn, chia mất mát để mỗi em học sinh có cơ hội “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, nhà báo Phùng Công Sưởng nhắn nhủ.
Đồng thời, thay mặt Ban Tổ chức, ông gửi lời cảm ơn đến T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT; gửi lời tri ân tấm lòng của các nhà hảo tâm, các em học sinh, các thầy cô giáo, các phòng giáo dục trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Ban Tổ chức cũng bày tỏ sự biết ơn, trân trọng các thầy cô giáo, các em học sinh Trường THCS Cầu Giấy, Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, phòng GD&ĐT Cầu Giấy đã đồng hành cùng Ban tổ chức để thực hiện chương trình này.
Ban Tổ chức cam kết sử dụng đúng mục tiêu và công khai Quỹ Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường.
Tại chương trình, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đã tặng thẻ bảo hiểm, tiền mặt bao gồm:
- Công ty TNHH một thành viên PACIFIC CROSS Việt Nam trao tặng 3.000 suất bảo hiểm tai nạn cá nhân cho học sinh vùng cao. Dịp này, qua báo Tiền Phong, các doanh nghiệp cũng như cán bộ công nhân viên báo tặng gần 14.000 suất bảo hiểm tai nạn cá nhân trị giá gần 300 triệu đồng để trao tặng cho học sinh các trường miền núi.
- Công ty Xổ số điện toán Việt Nam, Phó Giám đốc Quỹ Tâm Tài Việt trao số tiền 500 triệu đồng ủng hộ cho 5 trường học để mua sắm trang thiết bị dạy học tại tỉnh Lào Cai.
- Ngành GD&ĐT quận Cầu Giấy đại diện cho ngành giáo dục của quận trao tặng số tiền 122 triệu đồng.
- Ngành GD&ĐT quận Hà Đông ủng hộ 100 triệu đồng.
- Ngành GD&ĐT quận Ba Đình ủng hộ số tiền 70 triệu đồng.
- Trường THCS Cầu Giấy đại diện cho thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nhà trường ủng hộ số tiền 100 triệu đồng; tặng trực tiếp cho thầy trò Trường Tiểu học – Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai số tiền 20 triệu đồng để góp phần mua sắm thiết bị bán trú.
- Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm ủng hộ số tiền 135,5 triệu đồng.
- Trường THCS – THPT Nguyễn Siêu ủng hộ số tiền 125, 457 triệu đồng.
- Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy trao tặng số tiền ủng hộ 100 triệu đồng.
- Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ số tiền 100 triệu đồng.
- Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) trao tặng số tiền ủng hộ số tiền 72 triệu đồng
- Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm trao tặng số tiền ủng hộ 50 triệu đồng
- Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, ủng hộ số tiền 45 triệu đồng.
- Hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ trao tặng số tiền ủng hộ là 30 triệu đồng.
- Trường tiểu học Quan Hoa, quận Cầu giấy ủng hộ số tiền 30 triệu đồng.
Và qua tài khoản chương trình Cùng Tiền phong nâng bước em tới trường, một cá nhân cũng đã ủng hộ số tiền 100 triệu đồng.