Cùng thắng lớn năm 2022, Sabeco hay Habeco chi tiền quảng cáo hiệu quả hơn?

Nhờ sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ sau 2 năm bị 'ngáng chân' bởi Covid-19, Sabeco và Habeco cùng ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội. Đáng chú ý, để cạnh tranh thị phần, 2 'ông lớn' ngành bia đều mạnh tay chi tiền cho quảng cáo, khuyến mại.

Habeco sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội nổi tiếng.

Habeco sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội nổi tiếng.

Trong quý cuối cùng của năm 2022, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) đạt doanh thu hơn 10.029 tỷ đồng, tăng mạnh so với ba quý đầu năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ chi phí giá vốn, SAB ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 2.814 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 28%, cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 ở mức 27,7%.

Doanh thu tài chính tăng 24% lên 324 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính cao gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí bán hàng cũng tăng mạnh 70%, chủ yếu do chi phí quảng cáo tiếp thị khuyến mãi cho quý bán hàng trước Tết, chiếm 1.612 tỷ đồng. Kết quả, công ty lãi sau thuế 1.076 tỷ đồng trong quý quý 4, giảm 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Sabeco đạt 35.235 tỷ đồng, tăng gần 33% so với năm 2021. Con số này tương đương bình quân hơn 96,5 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.500 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của hãng bia Sài Gòn từ trước đến nay.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SAB là 34.465 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Công ty có tới gần 23.500 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn. Trong khi đó, vay nợ chỉ hơn 1.000 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu hơn 24.590 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm hơn phân nửa, đạt gần 15.565 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã BHN) ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá trong quý 4/2022 với 2.468 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với quý 4/2021. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 624 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 25,2%.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của Habeco trong quý 4/2022 đạt 51,6 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là gần 56 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với quý 4/2021.

Lũy kế cả năm 2022, Habeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.398 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 527 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 63% so với năm 2021.

Tổng tài sản của Habeco tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 7.256 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,3% so với đầu năm, chủ yếu do khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và hàng tồn kho tăng. Cụ thể, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng hơn 21%, lên 2.964 tỷ đồng (chiếm gần 41% tổng tài sản), chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc trên 3 tháng đến 12 tháng. Hàng tồn kho của công ty cũng tăng 30% lên 723 tỷ đồng (chiếm 10% tổng tài sản).

Đối với nguồn vốn, nợ phải trả giảm 14%, xuống còn 1.927 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng nguồn vốn), chủ yếu do phải trả ngắn hạn khác, và khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm gần 150 tỷ đồng xuống còn 96 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đã tăng thêm 10,2% lên 5.329 tỷ đồng, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021.

Mạnh tay chi cho quảng cáo

Bia là một thị trường “màu mỡ” tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Vietnam-Briefing (chuyên trang của Dezan Shira & Associates - hãng tư vấn đầu tư nước ngoài tại châu Á), mức tiêu thụ bia của Việt Nam tính đến năm 2022 chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, ở mức 3,8 triệu lít bia hàng năm. Điều này khiến Việt Nam dẫn đầu trong khu vực ASEAN về tiêu thụ bia.

“Màu mỡ” là vậy nhưng sự cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt. Trên thị trường bia Việt Nam hiện có 4 hãng lớn thống trị: Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco với trên 90% thị phần. Các hãng này đều không tiếc tiền chi cho quảng cáo, khuyến mại để tranh giành thị phần.

Từ năm 2015 đến nay, chưa năm nào Sabeco chi dưới nghìn tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mại. Chi phí này liên tục tăng kể từ năm 2018, đặc biệt trong 2 năm gần nhất tăng vọt lên gần 2.200 tỷ (năm 2021) và vượt 3.000 tỷ (năm 2022). Số tiền Sabeco chi cho quảng cáo mỗi năm thậm chí còn lớn hơn doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Habeco cũng chi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho các quảng cáo, khuyến mại. Sau thời kỳ Covid tiết giảm, năm 2022, các chiến dịch gia tăng nhận diện thương hiệu của Habeco rầm rộ trở lại với chi phí tăng vọt lên gần 650 tỷ đồng (tăng 66% so với 2021), tuy nhiên vẫn chưa bằng mức trước dịch (2019).

Xét về hiệu quả, một đồng chi phí quảng cáo bỏ ra, Habeco thu về gần 13 đồng doanh thu, mức thấp thứ 2 trong gần một thập kỷ qua. Còn đối với Sabeco, một đồng quảng cáo chi ra chỉ mang về cho doanh nghiệp này 11,4 đồng doanh thu trong năm 2022, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều này cho thấy cuộc đua “đốt tiền” quảng cáo, tiếp thị nhằm gia tăng nhận diện thương hiệu trong ngành bia đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cung-thang-lon-nam-2022-sabeco-hay-habeco-chi-tien-quang-cao-hieu-qua-hon-post17461.html
Zalo