Tồn kho bất động sản của hai doanh nghiệp Novaland và Vinhomes
Kể từ đầu năm đến nay, giá bất động sản liên tục tăng cao, tuy nhiên lượng hàng tồn kho của nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn lại cũng ngày càng phình to. Thậm chí, một số doanh nghiệp có hàng tồn kho chiếm trên 50% tổng tài sản. Tại sao lại có nghịch lý như vậy và cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này?
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong Quý III/2024, cả nước có lượng tồn kho bất động sản vào khoảng 25.937 sản phẩm, tăng 52% so với quý trước. Trong đó, riêng lượng tồn kho nhà ở riêng lẻ, đất nền trong Quý III tăng 150,6% so với Quý II. Đáng chú ý, dẫn đầu trong danh sách doanh nghiệp bất động sản có giá trị hàng tồn kho lớn nhất phải kể đến Novaland và Vinhomes.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý III/2024 của CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL), doanh nghiệp có 145.428 tỷ đồng hàng tồn kho; tỷ lệ hàng tồn kho lên đến 62,68% trong khối lượng tài sản của doanh nghiệp này.
Về kết quả kinh doanh Quý III/2024, mặc dù doanh thu và lợi nhuận gộp đều tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng thực tế, nếu không có khoản doanh thu tài chính gần 3.900 tỷ đồng, Novaland sẽ lỗ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Novaland vẫn lỗ ròng hơn 4.100 tỷ đồng.
Dù đứng thứ hai về hàng tồn kho, với lượng hàng tồn kho hơn 58.034 tỷ đồng, tuy nhiên, khối lượng này chỉ chiếm khoảng 11% tổng tài sản của CTCP Vinhomes (Mã chứng khoán: VHM).
Trong Quý III/2024, Vinhomes đạt doanh thu hợp nhất hơn 33.323 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt gần 70.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, chủ đầu tư này lãi sau thuế khoảng 20.600 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân cho việc giá bất động sản ngày càng tăng cao nhưng tồn kho của các chủ đầu tư vẫn tăng, các chuyên gia cho rằng tồn tại nhiều điểm bất hợp lý.