Củng cố quan hệ chiến lược Việt - Nga qua hợp tác y tế công nghệ cao

Hợp tác công nghệ cao trong y tế, đưa vắc-xin mRNA điều trị ung thư của Nga về Việt Nam đã mở ra kỳ vọng mới cho những người không may mắn đang mắc phải căn bệnh ung thư.

Tối ngày 10/5 (giờ Việt Nam), tại Thủ đô Matxcơva, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm, Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) và Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc sinh học tiên tiến.

Hai bên ký kết hợp tác trong lĩnh vực vắc-xin.

Hai bên ký kết hợp tác trong lĩnh vực vắc-xin.

Sự kiện đánh một dấu mốc quan trọng trong tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia chủ động trong sản xuất các loại vắc-xin công nghệ cao, đặc biệt là vắc-xin điều trị ung thư sử dụng công nghệ mRNA.

Lễ ký kết là một phần trong chương trình chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 8 đến 11/5, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga.

Văn kiện được trao đổi giữa ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng giám đốc RDIF và ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNVC.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên sẽ thiết lập nền tảng hợp tác toàn diện trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung vào nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm vắc-xin và thuốc sinh học tiên tiến, đặc biệt là vắc-xin mRNA điều trị ung thư - lĩnh vực mà Nga đang dẫn đầu với nhiều nghiên cứu đột phá.

VNVC kỳ vọng sẽ sớm đưa các sản phẩm vắc-xin mRNA điều trị ung thư từ Nga về Việt Nam, không chỉ ở dạng nhập khẩu, mà còn tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, mô hình sản xuất “chu trình toàn diện, khép kín hoàn toàn” sẽ được triển khai tại Nhà máy Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm VNVC tại Long An, từng bước hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng về phát triển khoa họcc, công nghệ và đổi mới sáng tạo, được nêu rõ trong Nghị quyết 57-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành cuối năm 2024.

Không dừng lại ở RDIF, VNVC còn đồng thời ký kết hợp tác chiến lược với hai tổ chức y học hàng đầu của Nga: Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, đơn vị phát triển vắc-xin Sputnik V, và Tập đoàn dược phẩm Binnopharm, nhà sản xuất thuốc sinh học quy mô lớn tại Nga.

Vắc-xin mRNA điều trị ung thư là một trong những thành tựu đột phá của ngành y học Nga, mở ra kỳ vọng mới cho bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới.

Công nghệ này hoạt động theo cơ chế mã hóa protein đặc hiệu của tế bào ung thư, từ đó kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt chính xác các tế bào ác tính mà không gây hại đến mô lành.

Đây là công nghệ tiên tiến tương đương với các loại vắc-xin mRNA của Pfizer và Moderna, và đang được phát triển bởi ba viện nghiên cứu danh tiếng của Nga: Trung tâm Gamaleya, Viện Ung thư P.Hertsen và Trung tâm Blokhina.

Đặc biệt, công nghệ sản xuất loại vắc-xin này yêu cầu mức bảo quản khắt khe ở nhiệt độ cực thấp (âm 80 độ C) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu di truyền và thiết kế vắc-xin cá nhân hóa chỉ trong vòng một tuần. Thử nghiệm tiền lâm sàng hoàn tất tháng 9/2024 cho thấy hiệu quả vượt trội: nhiều khối u giảm kích thước hoặc biến mất hoàn toàn, kể cả ở các ca di căn nặng.

Việc đưa vắc-xin mRNA điều trị ung thư vào thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam là bước đi có ý nghĩa lớn, vừa giúp người bệnh được tiếp cận sớm với liệu pháp điều trị hiện đại, vừa đẩy nhanh quá trình cấp phép và thương mại hóa sản phẩm trong nước.

Theo ông Ngô Chí Dũng, hợp tác này còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế quốc tế trong lĩnh vực công nghệ y sinh, đồng thời góp phần giảm chi phí điều trị ung thư và nâng cao chất lượng sống cho hàng trăm nghìn bệnh nhân mỗi năm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cung-co-quan-he-chien-luoc-viet---nga-qua-hop-tac-y-te-cong-nghe-cao-d282107.html
Zalo