Nên mua tivi OLED, QLED hay Crystal UHD?
OLED, QLED hay Crystal UHD – đâu là lựa chọn lý tưởng cho gia đình bạn? Bài viết này sẽ so sánh 3 công nghệ tivi phổ biến để giúp bạn dễ dàng quyết định.

Khi chọn mua tivi (TV) mới, người dùng thường có xu hướng lựa chọn loại TV có chất lượng hình ảnh bắt mắt, màu sắc rực rỡ, độ tương phản và độ sáng cao. Sau đó mới lựa chọn kích thước, giá thành và tính năng.
Chất lượng hình ảnh luôn là yếu tố đầu tiên khi lựa chọn TV. Theo khảo sát năm 2023 của Statista, 65% người dùng tại Mỹ và châu Âu xếp "chất lượng hình ảnh" là tiêu chí số 1 khi mua TV, cao hơn cả giá cả (52%) và kích thước (48%). Đặc biệt, với phân khúc TV cao cấp (từ 55 inch trở lên), tỷ lệ này lên đến 72%.
Còn theo thống kê của Consumer Reports, các tiêu chí về độ phân giải màn hình (4K/8K), HDR, và độ chính xác màu được đánh giá cao hơn kích thước màn hình ở nhóm người dùng từ 25 đến 45 tuổi.
Sở dĩ các tiêu chí như "tính năng" không phải là sự lựa chọn hàng đầu, bởi hầu hết tivi thông minh hiện nay như Samsung với hệ điều hành Tizen, LG với WebOS hoặc Sony, TCL với Android, thì đều đã cài đặt sẵn các ứng dụng phổ biến như YouTube, FPT Play, Galaxy Play, VieON, TV360... hoặc cho phép cài đặt bổ sung các ứng dụng giải trí từ kho ứng dụng - thỏa mãn nhu cầu xem truyền hình và giải trí của người dùng.
Vì thế, cuộc chạy đua của các hãng sản xuất TV thường tập trung vào công nghệ màn hình. Một số công nghệ màn hình phổ biến hiện nay là OLED, QLED, Crystal UHD. Dưới đây là những ưu, nhược điểm của các công nghệ màn hình nói trên.
Video tư vấn lựa chọn mua tivi OLED, QLED và Crystal UHD
TV QLED
Theo anh Mạnh Hải, chuyên gia tư vấn của siêu thị điện máy Media Mart, TV QLED sử dụng công nghệ chấm lượng tử (quantum dot). Những chấm lượng tử này phủ trên hệ thống đèn nền LED. Khi nhận ánh sáng từ đèn, những chấm này sẽ tạo ra các màu sắc khác nhau cho từng điểm ảnh.
Đối với các TV đời mới của Samsung, các chấm lượng tử được rải đều trên một tấm phim, ánh sáng từ đèn LED đi qua tấm phim và sau đó cần qua hai lớp lọc màu nữa thì hình ảnh mới được hiển thị lên màn hình.
Ưu điểm của TV QLED là độ sáng cao (có thể lên đến 2.000 nit), màu sắc rực rỡ và độ bền cao. Nhược điểm là màu đen không sâu và góc nhìn hẹp hơn OLED.

Samsung là hãng tiên phong phát triển công nghệ màn hình QLED và đã chính thức ra mắt thương hiệu TV QLED vào năm 2017. Cho đến nay, hãng đã liên tiếp cải tiến công nghệ này để tăng cường chất lượng màu sắc và độ sáng. LG cũng tung ra các dòng TV QLED mà hãng này gọi tên là QNED.
Những dòng QLED đắt tiền nhất có hiệu suất tốt hơn nhiều so với những dòng rẻ hơn. Nguyên nhân là do những cải tiến lớn nhất về chất lượng hình ảnh của các bộ QLED không liên quan nhiều đến chấm lượng tử. Thay vào đó, chúng là kết quả của đèn nền mini-LED , khả năng làm mờ cục bộ toàn mảng tốt hơn , điểm sáng rực rỡ và góc nhìn tốt hơn, giúp chúng vượt trội hơn so với các mẫu TV không có những tính năng bổ sung đó.
TV OLED
Theo anh Hải, TV OLED sử dụng tấm nền đi-ốt phát quang hữu cơ, mỗi điểm ảnh sẽ tự động phát sáng khi có dòng điện chạy qua mà không cần hệ thống đèn nền LED như màn hình QLED.
Ưu điểm của TV OLED là màu đen sâu, độ tương phản cao; Góc nhìn rộng (gần 180°); Thời gian phản hồi nhanh, phù hợp cho chơi game và xem phim. Do không sử dụng hệ thống đèn nền LED nên thiết kế của TV OLED mỏng, nhẹ hơn TV QLED.

Nhược điểm của TV OLED là giá cao, có thể bị hiện tượng bóng mờ (lưu ảnh) nếu hiển thị nội dung tĩnh quá lâu. Độ sáng thường thấp hơn QLED, phù hợp đặt trong những phòng có độ sáng kém.
LG là hãng sản xuất nổi tiếng với các dòng TV OLED. Cho đến năm 2022, LG là công ty duy nhất sản xuất tấm nền OLED, sau đó Samsung cũng tham gia cuộc chơi. Cho đến nay, TV của các hãng khác đều sử dụng tấm nền OLED do LG hoặc Samsung sản xuất.
TV Crystal UHD
Đây là công nghệ màn hình do Samsung phát triển, sử dụng tấm nền LCD với bộ xử lý Crystal 4K, giúp nâng cấp nội dung lên gần chuẩn 4K và tối ưu hóa màu sắc.
Ưu điểm của Crystal UHD là giá thành hợp lý, thiết kế mỏng nhẹ và tích hợp các công nghệ như HDR10+, PurColor, mang lại hình ảnh sắc nét và màu sắc chân thực.

Nhược điểm là chất lượng hình ảnh không bằng QLED và OLED, đặc biệt về độ tương phản và độ sâu màu đen.
Ngoài 3 công nghệ TV phổ biến nói trên thì thị trường còn có các loại TV LED/LCD là các mẫu TV giá rẻ, công nghệ cũ. Ngược lại, cũng có những mẫu TV sử dụng công nghệ rất cao cấp là microLED. Đây là công nghệ mà mỗi pixel là một LED siêu nhỏ tự phát sáng (không dùng đèn nền).
MicroLED kết hợp các ưu điểm của QLED và OLED như màu đen sâu, độ sáng cao, không bị hiện tượng lưu ảnh, và có thể sản xuất TV cỡ lớn (trên 100 inch). Giá thành của TV microLED rất cao, từ vài trăm triệu đồng lên tới cả tỷ đồng, chủ yếu dành cho khách hàng cao cấp, doanh nghiệp, rạp chiếu phim.
Nên mua TV nào?

Theo anh Hải, phân khúc TV được khách hàng mua nhiều nhất là khoảng từ 10-20 triệu đồng, với kích thước TV từ 55 inch đến 65 inch. Đây là các mẫu TV công nghệ Crystal UHD hoặc QLED.
Chẳng hạn như mẫu Samsung Crystal UHD 65 inch UA65DU7700 có giá 12.490.000 đồng, hoặc mẫu Samsung UA65BU8000 có giá 12.590.000 đồng.
Dòng QLED của Samsung có giá cao hơn một chút, chẳng hạn như chiếc Samsung 65 inch QA65Q60D có giá 14.990.000 đồng, còn của LG là chiếc 65QNED80TSA ThinQ có giá 18.900.000 đồng.
Phân khúc TV OLED có giá thành cao hơn hẳn. Rẻ nhất là chiếc Sony 65 inch OLED XR-65A80J có giá 26.990.000 đồng. Trong khi đó, chiếc OLED 65B4PSA của LG có giá 35.9000 đồng, còn chiếc QA65S90DA của Samsung có giá 34.990.000 đồng.
Như vậy, nếu chú trọng về chất lượng hình ảnh, muốn có một chiếc TV có màn hình hiển thị đẹp nhất, bạn nên chọn TV OLED. Tuy nhiên đi kèm với nó là giá thành khá cao.
Trong khi đó, TV QLED hoặc Crystal UHD có giá mềm hơn, mẫu mã đa dạng và kiểu dáng bắt mắt, cho phép người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Nếu tài chính của bạn trong phạm vi từ 10-20 triệu đồng, đây chính là sự lựa chọn của bạn.
Một số người dùng có thể thích thương hiệu TV Sony. TV của hãng này thường có giá cao hơn một chút so với TV của Samsung và LG. Ngoài ra trên thị trường còn có TV giá mềm hơn của các hãng như Xiaomi, TCL, Coocaa, Sharp, Coex, Casper... tuy nhiên, chất lượng hình ảnh của các hãng trên không thể so sánh được với TV của Sony, Samsung hoặc LG - vì đây là 3 hãng sản xuất TV có uy tín nhất trên thế giới.
Đối với các mẫu TV dưới 10 triệu đồng, đa phần là TV công nghệ cũ hoặc kích thước nhỏ hơn 55 inch. Nó phù hợp với những khách hàng có tài chính hạn chế, hoặc khách hàng mua về để trang bị trong các phòng khách sạn, nhà nghỉ.