Củng cố nội lực cho doanh nghiệp Việt trước biến động thương mại toàn cầu

Xu hướng thương mại toàn cầu biến động khó lường, mức độ rủi ro tăng cao đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải củng cố nội lực và khả năng thích nghi cho doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Đây là chia sẻ của chuyên gia và doanh nghiệp tại Chương trình Cafe Doanh nhân chủ đề: Kinh tế Việt Nam 2025 – 2026 trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ - Tác động và giải pháp đối với doanh nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức ngày 10/5.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu bối cảnh: Những thay đổi về chính sách thuế quan của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tác động một cách trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới năm 2025 dự báo tăng trưởng chậm lại còn khoảng 2,8%, giảm 0,5% so với mức 3,3% năm 2024. Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm tốc từ 5% xuống còn 4%; tăng trưởng của Mỹ cũng rất chậm từ 2,8% xuống còn 1,8%.

Việt Nam đang có cuộc cải cách mang tính đột phá về thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức. Ảnh minh họa: TTXVN

Việt Nam đang có cuộc cải cách mang tính đột phá về thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức. Ảnh minh họa: TTXVN

"Xung đột địa chính trị phức tạp; chiến tranh thương mại – công nghệ, phân mảnh và bảo hộ thương mại gia tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. WTO dự báo năm 2025 quy mô thương mại toàn cầu không tăng trưởng, thậm chí có thể âm khoảng 0,2%. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh chuỗi cung ứng và an ninh mạng luôn hiện hữu; biến đổi khí hậu bất thường là những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, thách thức lớn sẽ tạo động lực để kích hoạt các năng lực nội sinh. Các quốc gia có xu hướng giảm lãi suất để kích cầu tiêu dùng; đẩy mạnh đầu tư công cho cơ sở hạ tầng và chuyển đổi xanh, công nghệ số tạo nên nền tảng phát triển mới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có cuộc cải cách mang tính đột phá về thể chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức – bộ máy giúp hoạt động doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn, lành mạnh, bền vững hơn. Các động lực tăng trưởng khác như tiêu dùng nội địa, thu hút đầu tư FDI phục hồi khá đồng đều; đầu tư công được thúc đẩy. Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…được quan tâm đẩy mạnh. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tạo ra cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, đầu tư,…

Doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất; ứng dụng công nghệ, tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, bộ máy. Nắm bắt các xu hướng lớn: chuyển đổi kép"xanh hóa và số hóa", thực hành ESG; đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng cả đầu vào lẫn đầu ra của chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, tập trung tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về xuất xứ hàng hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài nhưng không bỏ quên thị trường nội địa. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ với nhiều nền kinh tế khác để giảm áp lực thặng dư thương mại với Mỹ.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cung-co-noi-luc-cho-doanh-nghiep-viet-truoc-bien-dong-thuong-mai-toan-cau/373108.html
Zalo