Cử tri tiếp tục kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Theo Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri TP.HCM gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cụ thể cử tri TP.HCM đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ ngày 1-1-2025 đến hết ngày 31-12-2025 để kích thích tiêu dùng, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Cử tri kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Trước đó, cử tri các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nghệ An cũng gửi kiến nghị này đến Bộ Tài chính sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tương tự trả lời cho cử tri các địa phương trước đây, Bộ Tài chính cho biết, báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng, nhóm hộ có thu nhập cao nhất bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay 11 triệu đồng/tháng là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người.

Với mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay, mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... chưa phải nộp thuế TNCN.

 Với tiền lương 17 triệu đồng, có một người phụ thuộc thì chưa nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: TÚ UYÊN

Với tiền lương 17 triệu đồng, có một người phụ thuộc thì chưa nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: TÚ UYÊN

Luật thuế TNCN quy định "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020). Do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Hiện nay thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đang rà soát, đánh giá tổng thể Luật thuế TNCN trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh... để báo cáo Chính phủ, UBTVQH, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Dự kiến đăng ký chương trình xây dựng Luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10-2025, thông qua tháng 5-2026.

Về kiến nghị giảm 2% thuế VAT, theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ đã tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ DN, người dân...

Các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và đang được thực hiện cho đến hết năm 2024 với quy mô hỗ trợ khoảng 191 ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%, từ ngày 1-1-2024 đến 31-12-2024. Dự kiến số tiền thuế được giảm khoảng 49 ngàn tỉ đồng.

Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN, thuế thu TNCN, tiền thuê đất trong năm 2024 theo Nghị định 64/2024 /NĐ-CP. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 84 ngàn tỉ đồng…

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội để nghiên cứu báo cáo các cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/cu-tri-tiep-tuc-kien-nghi-dieu-chinh-muc-giam-tru-gia-canh-post817962.html
Zalo