Cú sốc bị quỵt lương, dính lừa đảo khi đi làm thêm của tân sinh viên

Kỳ vọng tìm được công việc làm thêm ổn định để có thu nhập, thế nhưng nhiều tân sinh viên lại phải đối mặt với loạt rủi ro như quỵt lương, lừa đảo...

 Tân sinh viên cần tiền, chưa hoàn thiện kỹ năng xã hội sẽ rất dễ rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu. Ảnh minh họa: Connect times.

Tân sinh viên cần tiền, chưa hoàn thiện kỹ năng xã hội sẽ rất dễ rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu. Ảnh minh họa: Connect times.

“Khi mình thông báo nghỉ làm và hỏi anh quản lý rồi chủ quán về việc trả tiền lương, họ chỉ bảo mình về đi, sau đó thì thách thức, nhất định không trả. Cuối cùng, mình đành ngậm ngùi chịu mất tiền", Ngọc Hiếu chia sẻ.

Hiếu là sinh viên năm nhất tại Cần Thơ. Chân ướt chân ráo từ quê (tỉnh Sóc Trăng) lên thành phố, vừa ổn định chỗ ở, nam sinh đã nhanh chóng tìm kiếm công việc làm thêm để phụ giúp phần nào cho gia đình.

Bất lực vì không đòi được tiền

Thông qua dòng tin tuyển dụng xem được trên mạng xã hội, Hiếu vào làm việc tại một quán cà phê kết hợp bida.

Công việc của Hiếu là sắp bàn, xếp bi, lương thử việc 14.000 đồng/giờ. Mừng rỡ vì tìm được việc làm sớm, Hiếu không để ý đến các vấn đề như hợp đồng, thời gian thử việc, mức lương tối thiểu... Chủ quán cũng không đề cập, chỉ nói cứ đến làm việc rồi tính sau.

Tuy nhiên, vào làm được mấy ngày, Hiếu bắt đầu cảm thấy “quá tải” vì phải làm cả công việc của bộ phận khác. Theo thỏa thuận ban đầu, nam sinh chỉ làm tối đa 6 giờ/ngày. Song có những ngày, quản lý lấy lý do thiếu người, ép Hiếu tăng ca.

“Có hôm, mình phải làm tới 14 giờ/ngày. Sau 5 ngày, không chịu nổi và không đảm bảo được việc học, mình quyết định xin nghỉ", Hiếu nói.

 Gia sư, làm thêm ở quán cà phê là những công việc được sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Pexels.

Gia sư, làm thêm ở quán cà phê là những công việc được sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Pexels.

Thế nhưng, đến hiện tại, đã một tháng trôi qua, nam sinh vẫn chưa nhận được tiền mồ hôi công sức của mình với lý do nghỉ ngang nên chủ quán không trả tiền. Hiếu cho biết cậu làm 5 ngày với 54 giờ, tổng cộng 756.000 đồng. Sau này, nam sinh mới biết mức này thấp hơn so với quy định mức lương tối thiểu vùng II 21.200 đồng/giờ

Đến tận quán rồi liên lạc qua điện thoại, Hiếu vẫn không đòi được. Bất lực, nam sinh trình báo công an, song vẫn chưa được giải quyết.

“Số tiền đó mình đủ để đóng tiền trọ một tháng. Ấm ức, hoang mang nhưng mình cũng không biết làm thế nào vì yếu thế", Hiếu chán nản kể về hành trình đòi tiền lương của bản thân.

Trong khi đó, Phương Anh (sinh viên năm nhất tại Hà Nội) lại bị gia đình phụ huynh quỵt tiền gia sư. Nữ sinh kể thông qua người quen, cô nhận lớp gia sư với học phí 200.000 đồng/1,5 giờ dạy học.

Thời gian đầu, việc dạy học của nữ sinh vẫn khá suôn sẻ vì học sinh tiếp thu bài tốt, lại ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đến khi “chốt” tháng học phí đầu tiền, gia đình học sinh lại “cò quay”, không trả tiền cho Phương Anh.

“Một tháng đó mình dạy 8 buổi, tức là học phí chỉ 1,6 triệu đồng nhưng gia đình học sinh vẫn không trả tiền cho mình. Mình nhắn tin cho phụ huynh thì họ không trả lời, nhắc học sinh thì học sinh nói không biết gì hết. Bất lực, mình nghỉ dạy luôn, tới giờ vẫn chưa đòi được tiền”, Phương Anh kể.

Không bị quỵt lương như Ngọc Hiếu và Phương Anh nhưng Trần Liên (24 tuổi, Hà Nội) cũng từng suýt bị lừa tiền. Liên nhớ lại hè năm hai đại học, khi đang tìm việc làm thêm mới, cô mừng rỡ khi thấy thông báo tuyển dụng nhân viên bán hàng của một công ty ngay gần nhà. Lướt qua yêu cầu, Liên thấy đúng “việc nhẹ nhàng, lương cao”.

Cô nhanh chóng vượt qua vòng phỏng vấn và đến phần học việc. Thế nhưng, mọi thứ không như mong đợi. Ngày đến học việc, Liên thấy rất đông người đứng chờ ở ngoài, đa phần là sinh viên.

Công ty yêu cầu mỗi người mới phải đóng 20.000 đồng để làm thẻ ra vào và mua sách giới thiệu công ty. Sau đó, người hướng dẫn bắt đầu tung hô “ông nọ, bà kia”, làm việc tại công ty kiếm được bao nhiêu tiền để làm mờ mắt nhân viên mới.

Để tăng uy tín, một người tự xưng là giám đốc khu vực tách nhân viên học việc thành từng nhóm để tư vấn cá nhân, bắt đầu mồi chài đóng tiền đầu tư kinh doanh.

Phương thức công ty này sử dụng là yêu cầu nhân viên mới đóng một khoản tiền (tối thiểu là 2 triệu đồng), sau đó lập cho nhân viên một website bán hàng. Họ sẽ được nhập hàng từ công ty với giá 700.000-800.000 đồng (tiền nhập hàng trừ luôn vào số tiền đóng ban đầu), sau đó tùy ý bán ra, giá bán có thể lên đến 3 triệu đồng.

“Với những ai chỉ mong muốn làm nhân viên bán hàng hoặc nhân viên văn phòng, công ty này bắt đầu thái độ. Với những người nhẹ dạ cả tin, đóng tiền kinh doanh, họ tỏ ra niềm nở và ủng hộ”, Liên kể.

May mắn, Liên vẫn tỉnh táo và nhận ra đây là công ty lừa đảo. Để được ra về, cô ậm ừ nói sẽ đóng, nhưng hẹn ngày hôm sau với lý do không đem theo tiền. Phía công ty liên tục nhắn tin và gọi điện giục, chỉ đến khi Liên chặn số, mọi chuyện mới dừng lại.

Sau này, Liên tìm hiểu thêm thì biết nhiều người đóng tiền vào nhưng cả tháng không bán được gì, không có lương, cũng không được hoàn tiền.

Tránh rủi ro khi làm thêm như thế nào?

Bàn về tình trạng sinh viên gặp vấn đề khi đi làm thêm, TS Mai Đức Toàn, chuyên gia giáo dục tại TP.HCM, nói rằng sinh viên rất dễ trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo việc làm vì nhiều lý do.

Thứ nhất là các bạn mới bước qua tuổi trưởng thành, kỹ năng xã hội mới bắt đầu hoàn thiện nên đôi khi các bạn chưa thể nhận biết và ứng phó với những hành vi lừa đảo. Những bạn ở địa phương khác, mới chân ướt chân ráo lên thành phố lại càng dễ bị lừa.

 Chuyên gia giáo dục chỉ ra một số mẹo để sinh viên tránh thiệt thòi khi làm thêm. Ảnh minh họa: Pexels.

Chuyên gia giáo dục chỉ ra một số mẹo để sinh viên tránh thiệt thòi khi làm thêm. Ảnh minh họa: Pexels.

Thứ hai là các sinh viên thường rất cần tiền, do đó dễ rơi vào cái bẫy của người xấu. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng chiêu trò “thu nhập hấp dẫn” để lôi kéo nạn nhân, sinh viên cần tiền sẽ có nguy cơ bị cuốn vào, kéo theo đó là mất tiền hoặc làm việc mà không được trả lương.

“Nếu ai đó đăng tin tuyển dụng với mức thu nhập cao gấp 3-4 lần so với bình thường, các bạn sinh viên nên cẩn thận vì khả năng cao đó là lừa đảo”, TS Toàn nhấn mạnh.

Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang, TS Toàn khuyên sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm nhất, nên liên hệ với phòng công tác sinh viên hoặc phòng hỗ trợ việc làm của các trường đại học để tìm việc. Lý do là các trường đã có sự sàng lọc cần thiết để mang lại cơ hội việc làm đảm bảo và an toàn hơn cho sinh viên.

Ngoài ra, sinh viên cần kiểm tra kỹ liệu công ty, cửa hàng, đơn vị nơi làm việc có thực sự tồn tại và đảm bảo uy tín hay không. Trước khi nhận việc, các bạn cũng nên yêu cầu các giấy tờ cần thiết như hợp đồng lao động có chữ ký rõ ràng.

Nếu bên tuyển dụng yêu cầu nộp giấy tờ, TS Toàn lưu ý sinh viên không được cung cấp bản gốc hoặc ảnh chụp, chỉ nên cung cấp bản photo để tránh bị đánh cắp thông tin.

“Nếu bị lừa đảo hoặc bị quỵt lương, các bạn sinh viên cần chuẩn bị những bằng chứng cần thiết để trình báo lên cơ quan chức năng và nhà trường để được hỗ trợ. Do đó, hợp đồng lao động là thứ rất quan trọng, các bạn cần phải có khi đi làm ở bất cứ đâu”, TS Toàn nhấn mạnh.

Một điều nữa là sinh viên phải cẩn thận với các nội dung làm thêm online trên mạng. TS Toàn nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn luôn nhiều hơn lừa đảo trực tiếp vì trực tuyến có thể ẩn danh và biến mất trong “chớp mắt”. Do đó, trước khi ứng tuyển, sinh viên cần tìm hiểu kỹ và tránh cọc tiền khi chưa có đảm bảo.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cu-soc-bi-quyt-luong-dinh-lua-dao-khi-di-lam-them-cua-tan-sinh-vien-post1504854.html
Zalo