Thị trường cà phê Việt Nam: Giá trị tăng vọt, sản lượng lao dốc

Sản lượng cà phê giảm sâu, nhưng giá trị xuất khẩu lại lập kỷ lục – thị trường cà phê Việt Nam đang bị đẩy vào thế khó. Trong khi doanh thu vượt mốc lịch sử, áp lực từ biến đổi khí hậu, nguồn cung cạn kiệt và quy định khắt khe từ các thị trường quốc tế đang khiến ngành cà phê đối mặt với những rủi ro chưa từng có.

Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam hiện chưa có nhiều khởi sắc, khi các thương nhân đang chờ đợi nguồn cung mới từ vụ mùa tới. Tại vùng Tây Nguyên – trung tâm sản xuất cà phê của cả nước, giá cà phê hiện vẫn giữ ổn định ở mức 113.300-113.800 đồng/kg, không thay đổi nhiều so với tuần trước.

Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự chờ đợi của thị trường khi phần lớn sản lượng cà phê mới sẽ đến trong những tháng tới. Đáng chú ý, mặc dù nông dân đã bắt đầu thu hoạch một số loại cà phê Arabica, sản lượng vẫn rất nhỏ và chưa đủ để phục vụ thị trường quốc tế.

Giao dịch cà phê tại Việt Nam vẫn trầm lắng.

Giao dịch cà phê tại Việt Nam vẫn trầm lắng.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế giảm nhẹ trong các phiên giao dịch gần đây. Theo báo cáo của Reuters, sản lượng cà phê niên vụ 2024/2025 của Việt Nam có thể giảm từ 5% đến 10% so với niên vụ trước. Điều này đã và đang khiến giá cà phê đầu niên vụ 2024/2025 duy trì ở mức cao, với giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên luôn trên 110 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi so với niên vụ trước.

Giá tăng nhưng thách thức không nhỏ

Mặc dù sản lượng giảm, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong niên vụ 2023/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% về lượng so với niên vụ trước. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đạt tới 5,43 tỷ USD, tăng 33,1%, vượt qua mốc 5 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Đây là kết quả của việc giá xuất khẩu cà phê bình quân tăng mạnh, lên mức 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022/2023 .

Giá xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 9 vừa qua đạt mức cao kỷ lục, trung bình 5.469 USD/tấn, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ, mặc dù nguồn cung giảm, nhu cầu về cà phê Việt Nam vẫn rất lớn trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt, khu vực Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 38% tổng lượng xuất khẩu. Ngoài ra, một số thị trường quan trọng khác như Nhật Bản và Nga cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về giá trị nhập khẩu dù giảm về khối lượng.

Dù giá xuất khẩu cà phê đang ở mức cao, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những yếu tố chính là sự suy giảm sản lượng cà phê do biến đổi khí hậu. Thời tiết khô hạn trong tháng 5 và tháng 6 – thời điểm phát triển nhanh chóng của quả cà phê – đã làm giảm kích thước hạt cà phê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng của niên vụ 2024/2025. Bên cạnh đó, việc nhiều nông dân tại Tây Nguyên chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao hơn như sầu riêng và bơ cũng làm giảm diện tích trồng cà phê.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho rằng thay vì mở rộng diện tích theo phong trào, chạy theo giá cả thị trường, người nông dân cần giữ ổn định diện tích trồng cà phê và tập trung vào thâm canh, nâng cao năng suất bằng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Đối với những vườn cà phê đã già cỗi, việc tái canh cần đặc biệt chú trọng chọn giống có năng suất cao và đã qua kiểm định chất lượng.

Một yếu tố khác cần xem xét là sự thay đổi trong thị trường tiêu thụ cà phê toàn cầu. Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ đạt 166,39 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 4,72%. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và châu Á.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được xu hướng này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Cơ hội và giải pháp

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, thị trường cà phê Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển bền vững trong tương lai. Việc duy trì giá xuất khẩu ở mức cao và tập trung vào các thị trường tiêu thụ tiềm năng là chiến lược mà các doanh nghiệp cà phê cần chú trọng.

Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cà phê sang hướng hữu cơ và thân thiện với môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà các thị trường lớn như EU đang áp dụng.

Về thông tin Liên minh Châu Âu (EU) đang xây dựng quy định chống phá rừng đối với các sản phẩm cà phê, đây là một thách thức lớn đối với ngành cà phê Việt Nam, bởi EU là thị trường xuất khẩu chính. Nếu quy định này có hiệu lực, việc sản xuất cà phê trên các diện tích từng bị phá rừng sẽ không còn đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.

Để chuẩn bị cho điều này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khuyến nghị các địa phương cần tập trung bảo vệ môi trường rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng để trồng cà phê.

Đồng thời, ông Hoan cũng khuyến cáo nông dân nâng cao chất lượng sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước mặt, hạn chế khai thác nước ngầm để bảo vệ tài nguyên nước.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), để có thể đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao chất lượng cà phê, đặc biệt là các giống cà phê có giá trị cao như Arabica.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và việc tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành cà phê Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu cà phê thế giới.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/thi-truong-ca-phe-viet-nam-gia-tri-tang-vot-san-luong-lao-doc-1103105.html
Zalo