Cử nhân Gen Z cay đắng chia sẻ: 'Bằng đại học giờ không bằng... AI'

Theo một khảo sát mới của Indeed phối hợp cùng Harris Poll, gần 50% người tìm việc thuộc thế hệ Gen Z cho rằng bằng đại học của họ đã trở nên lỗi thời, không còn mang lại giá trị trên thị trường lao động trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang xâm chiếm mọi ngóc ngách nơi công sở.

Khi AI “soán ngôi” bằng cấp

Báo cáo cho thấy thế hệ Gen Z — những người sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu 2010, hiện là lực lượng lao động trẻ nhất — đang mất niềm tin nghiêm trọng vào hệ thống giáo dục truyền thống.

Trong khi chỉ khoảng 1/3 millennials (thế hệ trước đó) và chưa đến 20% boomers (thế hệ sinh sau Thế chiến) có cùng quan điểm, thì Gen Z đang phải trực tiếp đối mặt với làn sóng thay đổi.

Ảnh minh họa: SOPA Images/LightRocket/Getty Images.

Ảnh minh họa: SOPA Images/LightRocket/Getty Images.

AI không chỉ thay đổi cách làm việc, mà còn tác động đến việc ai được tuyển dụng, mức lương ra sao, thậm chí cả nội dung công việc hàng ngày. Nhiều vị trí tuyển dụng hiện tại đã bỏ yêu cầu bằng đại học 4 năm, thay vào đó là các kỹ năng thực chiến như sử dụng công cụ AI, viết prompt hay hiểu cơ bản về máy học.

“Mỗi công việc được đăng trên nền tảng Indeed hiện nay đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi AI và những thay đổi mà nó mang lại,” bà Linsey Fagan, Cố vấn Chiến lược Nhân tài Cấp cao của Indeed, nhận định trong thư gửi CIO Dive.

Nhà tuyển dụng không còn “săn bằng”, mà "săn" người giỏi công nghệ

Thay vì nhìn vào bảng điểm, nhà tuyển dụng đang ưu tiên những ứng viên có thể thích nghi với công nghệ và chủ động học hỏi công cụ mới. Những kỹ năng từng được xem là “niche” (chuyên biệt) như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên hay kỹ năng viết prompt giờ đây đã trở thành điều kiện cần trong nhiều lĩnh vực.

“Muốn AI phát huy hiệu quả, mọi nhân viên trong tổ chức đều cần hiểu cơ bản về cách nó hoạt động và được ứng dụng như thế nào trong công việc,” bà Fagan nói thêm.

Theo bà, lãnh đạo các doanh nghiệp cần đánh giá lại đội ngũ, lắng nghe nhu cầu cá nhân, và hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ năng một cách toàn diện, thay vì chỉ tuyển người “biết việc”, cần phải giúp người “muốn học” có cơ hội được thử và trưởng thành cùng công nghệ.

Ảnh minh họa: Getty Images/iStockphoto.

Ảnh minh họa: Getty Images/iStockphoto.

Học lại để không bị bỏ lại

Một số doanh nghiệp đã triển khai chương trình đào tạo nội bộ, trong khi các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft và Google cũng đẩy mạnh cung cấp khóa học AI công khai miễn phí, từ trình độ cơ bản đến nâng cao.

Nền tảng học trực tuyến O’Reilly báo cáo rằng, trong năm qua, số lượng người học các khóa về machine learning, prompt engineering và AI ứng dụng tăng gấp 4 lần, cho thấy nhu cầu học lại để “bắt kịp” công nghệ đang bùng nổ mạnh mẽ.

“Để thực sự khai phá tiềm năng AI, tổ chức cần đầu tư vào con người, không chỉ đào tạo lý thuyết, mà còn tạo cơ hội thử nghiệm, va chạm và học hỏi trong môi trường hỗ trợ,” Fagan khẳng định.

Đối với nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, việc mang trên vai khoản nợ sinh viên hàng chục ngàn đô la, chỉ để phát hiện ra rằng thị trường việc làm hiện tại đang đánh giá cao một khóa bootcamp lập trình 6 tháng hơn cả bằng cử nhân, là một đòn giáng mạnh vào hệ giá trị truyền thống.

“Chúng tôi học đại học, nhưng rồi phải đi học lại… AI để được tuyển,” một sinh viên Gen Z chia sẻ trên mạng xã hội.

Trong mắt thế hệ trẻ, tấm bằng đại học giờ không còn là tấm vé vàng, mà chỉ là một món hàng bị định giá lại trong cuộc đua công nghệ không có hồi kết.

Ngọc Bảo (Theo NYPost)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/cu-nhan-gen-z-cay-dang-chia-se-bang-dai-hoc-gio-khong-bang-ai-14666.html
Zalo