Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị: 'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững
Huyện Kon Plông (Kon Tum) đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các HTX tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Mô hình này không chỉ thu hút đông đảo nông dân tham gia mà còn thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập đáng kể, hình thành nên những vùng sản xuất hiệu quả kinh tế cao.
Những vùng sản xuất cho hiệu quả cao
Điển hình như HTX Chè sạch Đông Trường Sơn tại xã Hiếu, được thành lập từ năm 2020. Đến nay, HTX đã quy tụ 19 thành viên và liên kết với 46 hộ dân, mở rộng diện tích trồng chè lên đến hơn 60 ha. HTX hoạt động theo một quy trình khép kín, từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo giá trị gia tăng cho cây chè.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo HTX đã đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch, an toàn và chất lượng cao. HTX tích cực hướng dẫn các thành viên và hộ dân liên kết canh tác theo hướng bền vững, thông qua các buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác hữu cơ, sử dụng biện pháp sinh học để kiểm soát sâu bệnh, nói không với thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Đồng thời, HTX cũng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quy trình trồng và chăm sóc cây chè.
Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật, HTX còn hỗ trợ thành viên và người dân liên kết về cải tạo đất, cung cấp phân bón, cây giống, vật tư nông nghiệp và cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định hơn. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động tại xã Hiếu.

HTX Đông Trường Sơn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.
Các giống chè chủ lực mà HTX đang liên kết trồng như PH8, ô long kim tuyến, hương bắc sơn, shan tuyết đều là những giống có năng suất và chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Kon Plông, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Với giá chè tươi loại 1 (tôm 1 lá) hiện tại là 20.000 đồng/kg và loại 1 (tôm 2 lá) là 15.000 đồng/kg, trung bình mỗi héc ta chè 6-7 năm tuổi có thể mang về khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Đặc biệt, nhiều hộ dân trong xã trước trồng mì nhưng hiệu quả kinh tế không cao, từ năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của HTX Chè sạch Đông Trường Sơn đã chuyển đổi sang trồng chè. Sau 3 năm chăm sóc, vườn chè của các hộ gia đình bắt đầu cho thu hoạch. So với trồng mì, các hộ dân này nhận thấy trồng chè hiệu quả hơn hẳn. Cây chè có thể thu hoạch trong nhiều năm, và càng về sau sản lượng càng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Không chỉ có mô hình trồng chè sạch, Kon Plông còn phát triển nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả khác, tiêu biểu như mô hình trồng cà phê xứ lạnh của HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest tại xã Măng Cành.
Trước đây, người dân trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, năng suất không cao. Từ khi tham gia HTX, nhiều hộ gia đình được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nhờ đó vườn cà phê đã đạt sản lượng hơn 3 tấn/ha, mang về nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/ha. Thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, hiện nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích cà phê xứ lạnh.
HTX cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest đang liên kết với 14 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng diện tích khoảng 25 ha cà phê. Các hộ dân này được HTX hỗ trợ toàn diện từ cải tạo đất, cung cấp cây giống, phân bón, vật tư, hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo
Còn tại HTX Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen (thị trấn Măng Đen) không chỉ sản xuất rau hoa chất lượng cao theo hướng hữu cơ mà còn kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Các sản phẩm của HTX đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nông sản của HTX đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại TP.HCM như I-Mart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…, Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau củ các loại với giá dao động khoảng 80 ngàn đồng/kg.
Đến nay, HTX Rau hoa và Du lịch Thanh niên Măng Đen đang sở hữu hệ sinh thái sản xuất sản phẩm hữu cơ với 6 mô hình trồng rau củ quả và thảo dược theo tiêu chuẩn hữu cơ tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum nên không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương mà còn giúp người dân ở nhiều tỉnh, thành khác hưởng lợi từ mô hình sản xuất rau hữu cơ kết hợp du lịch.

Măng Đen có nhiều điểu kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế từ trồng rau hữu cơ.
Theo đánh giá của huyện, Kon Plông có 35 HTX và 40 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với tổng số khoảng 900 thành viên. Hàng chục mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người sản xuất đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn.
Ngoài 3 HTX kể trên, huyện còn có nhiều HTX khác đang hoạt động trong các lĩnh vực như trồng lúa, cây ăn quả, dược liệu, chế biến nông sản, và du lịch cộng đồng, góp phần đa dạng hóa kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương. Những mô hình này đã góp phần không nhỏ vào quá trình giảm nghèo của huyện.
Vào thời điểm cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông còn 3.353 hộ (chiếm tỷ lệ 44,4% dân số toàn huyện). Đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo của huyện giảm còn 2.744 hộ (chiếm tỷ lệ 36%). Cuối năm 2023, số hộ nghèo của huyện giảm còn 1.731 hộ (chiếm tỷ lệ 22,38%). Và đến cuối năm 2024, số lượng hộ nghèo giảm xuống còn 942 hộ (chiếm tỷ lệ 11,73%).
Đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7%
Nhận thấy rõ vai trò của mô hình HTX trong công tác giảm nghèo, huyện Kon Plông cũng chú trọng đến việc hỗ trợ các HTX tiếp cận vốn, đất đai và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đặc biệt, dưới sự tư vấn, định hướng của Liên minh HTX Việt Nam kết hợp với chính quyền địa phương huyện, việc tập huấn, tư vấn thành lập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại đã được chú trọng..
Một số HTX ở Kon Plông đã được hưởng lợi từ các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của cả Trung ương và tỉnh.
Tiêu biểu như HTX nông nghiệp Tuyết Sơn được tạo điều kiện vay vốn để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh. HTX Ánh Dương được hỗ trợ vốn để xây dựng trụ sở. Ngoài r,a còn một số HTX được thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh, như: HTX nông lâm nghiệp, thương mại và dịch vụ Ngọc Tem, HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông; HTX Lan rừng Măng Đen, HTX Rau hoa và du lịch thanh niên Măng Đen...
Đặc biệt, từ chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ mua máy chiết xuất cao sâm và thảo dược cho HTX nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông và mua máy sấy chuối cho HTX Ánh Dương…
Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ dân tích cực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, từng bước đẩy lùi đói nghèo.
Đây cũng là nền tảng vững chắc để huyện hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 7% vào cuối năm 2025.