Bộ GD&ĐT 'siết' dạy thêm, học thêm: Giáo viên tìm cách lách luật dạy ở nhà?
Không ít giáo viên tâm tư, thậm chí lo lắng sẽ giảm nguồn thu nhập đáng kể khi Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều nội dung 'siết' dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường. Có ý kiến lo ngại, khi có cầu, ắt sẽ có cung và giáo viên sẽ tìm cách lách luật để tiếp tục dạy thêm trái quy quy định.
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đó là: “Cấm” dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học ở trường…
Không ít giáo viên tâm tư, lo lắng có thể từ ngày 14/2, khi thông tư có hiệu lực sẽ bị giảm nguồn thu nhập đáng kể.
Lo sút giảm thu nhập
Một giáo viên trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trước đây, ngoài thời gian học ở trường, ban phụ huynh lớp “có lời nhờ” cô hướng dẫn thêm cho học sinh sau giờ học.
Cô giáo sắp xếp 2 buổi gồm Toán, Tiếng Việt/tuần với sự tham gia của khoảng 40 học sinh. Phụ huynh đề nghị hỗ trợ 1 buổi học là 150.000 đồng/học sinh tuy nhiên số tiền đó cô trích mua quà chiều cho học sinh, tiền thuê phòng học. Số còn lại, mỗi tháng cô cũng có thêm khoảng 20 triệu đồng, góp phần trang trải cuộc sống.
Còn cô H.N, một giáo viên trường công lập ở Hà Nội cũng chia sẻ tâm tư, sự lo lắng của mình khi chỉ còn thời gian ngắn nữa quy định sẽ áp dụng vào thực tế. Cô N. cho biết, sau gần chục năm đứng lớp, tổng số tiền lương, tiền trông trưa, dạy buổi chiều cô nhận được là 11,4 triệu đồng/ tháng. Hai vợ chồng còn ở nhà thuê mỗi tháng 6 triệu, và còn rất nhiều khoản cần chi như: ăn uống, điện nước, tiền học của hai con.
“Mình rất buồn vì đâu đó có tình trạng giáo viên ép, trù dập học sinh chỉ vì các em không đi học thêm để xã hội có định kiến. Với mình, học sinh có học thêm hay không vẫn vô cùng vui vẻ và yêu quý các con”, cô H.N, giáo viên một trường tiểu học công lập tại Hà Nội.
“Từ trước đến nay, sau giờ học ở trường mình lao đi dạy thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mình rất buồn vì đâu đó có tình trạng giáo viên ép, trù dập học sinh chỉ vì các em không đi học thêm để xã hội có định kiến. Với mình, học sinh có học thêm hay không vẫn vô cùng vui vẻ và yêu quý các con”, cô H.N nói.
Cũng theo cô giáo này, điều cô băn khoăn là dạy thêm ở bậc tiểu học bị cấm hoàn toàn thì dù giáo viên có ra trung tâm cũng không có người học. “Mình thực sự lo lắng, không còn dạy thêm sẽ không đủ sống nên đang tính sẽ bán hàng online để kiếm thêm thu nhập”, cô tâm sự.
Có cầu ắt có cung
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, ở bậc THCS, trường học đã dạy 2 buổi/ ngày lâu nay tuyệt đối không dạy thêm.
Duy chỉ có học sinh lớp 9 chuẩn bị cho kỳ thi vượt cấp hằng năm nhà trường vẫn tổ chức lớp ôn tập, bồi dưỡng thêm và mức thu được quy định theo quy định của Quyết định 22 của thành phố Hà Nội mỗi tiết từ 6.000 đồng – 26.000 đồng (tùy vào số lượng học sinh/lớp). Trong đó, lớp từ 20-30 học sinh nhà trường sẽ thu 9.000 đồng/tiết/học sinh. Tuy nhiên, với quy định mới, nhà trường vẫn sẽ phân loại học sinh để bồi dưỡng cho các em nhưng không được thu tiền nữa. Thầy cô giáo sẽ có buồn, có tâm tư nhưng sẽ vẫn phải chấp hành quy định.
"Hơn ai hết phụ huynh phải là người thông thái. Nếu cảm thấy con không cần học thêm thì không cần cho con đi học. Nhiều học sinh không hứng thú với học tập, vào lớp học với tinh thần uể oải, không làm bài tập thì dù bố mẹ có ép học nhiều lớp cũng không đem lại ý nghĩa", bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Cũng theo bà Hồng, trong điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như hiện nay, thầy cô khó có cơ hội, lí do để ép buộc học sinh đi học thêm. Bởi lẽ, đề kiểm tra cuối kỳ, cuối năm do nhà trường ra và được rọc phách, chấm chéo.
Đặc biệt, môn Ngữ văn ngữ liệu hoàn toàn mới, không có trong sách giáo khoa, càng không có cơ sở để ép buộc hay gà bài cho học sinh khi đi học thêm.
“Đương nhiên, đâu đó, vẫn có thể xảy ra tình trạng này nhưng tôi cho rằng, đó là con số rất nhỏ, con sâu làm rầu nồi canh”, bà Hồng nói.
Hiệu trưởng một trường THCS khác tại Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT “siết” quy định về dạy thêm, học thêm là “chặn cửa” mở lớp dạy thêm ở ngoài của các thầy cô giáo. Khi thực tế, học sinh, phụ huynh vẫn có nhu cầu, thầy cô cũng sẽ tìm cách lách luật để dạy.
Ví dụ, quy định giáo viên trường công không được tổ chức dạy thêm ở ngoài đối với học sinh của mình có thu tiền thì nay người ta sẽ dạy dưới hình thức bồi dưỡng miễn phí. Cuối năm, cuối tháng phụ huynh sẽ tự hiểu và tính toán để đưa quà “cảm ơn”. Bởi với mức lương hiện nay, giáo viên không dạy thêm sẽ “khó sống”. Trong khi dạy thêm qua các trung tâm, giáo viên phải cắt phí 40% công sức lao động.
Cô giáo này nêu quan điểm, đồng ý với việc giáo viên bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu kém, học sinh giỏi nhưng những em học ở mức trung bình 5- 6 điểm muốn cố gắng lên 7-8 tại sao lại không đi học thêm? Những em khá muốn lên giỏi cũng cần thiết phải học thêm.
Chưa kể, thực tế chương trình đặt ra yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học nhưng nhiều phụ huynh đặt mục tiêu, kỳ vọng lớn hơn vào con cái.
Kết quả chấm kiểm tra môn Ngữ văn của một lớp có hơn 50% học sinh đạt điểm 7-9,5 và gần 50% em đạt lớp học đạt mức 4-6. Đây là một kết quả phản ánh đúng bản chất, năng lực học tập của học sinh tuy nhiên phụ huynh không thỏa mãn, thậm chí có người tìm đến cả hiệu trưởng để “chất vấn” về việc tại sao học một đàng thi một nẻo mà chính họ không hiểu chương trình mới Ngữ văn không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề như trước đây. Không chấp nhận điểm 5-6, phụ huynh chỉ thích con đạt điểm 9, điểm 10.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, một số giáo viên băn khoăn trường hợp tổ chức dạy thêm 5-7 em ở nhà có đăng ký kinh doanh hay không? Với nội dung này, ông Thành trả lời: "Thông tư đã quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Cơ sở dạy thêm phải công khai danh sách giáo viên, mức thu, địa điểm, hình thức, thời lượng… trước khi tuyển sinh.
Thông tư cũng đã quy định kỹ trách nhiệm của từng đơn vị từ UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đến nhà trường, UBND phường, xã trên địa bàn kiểm tra, giám sát thực hiện.