Duy trì, nâng cao kết quả giáo dục sau nghỉ Tết Nguyên đán
Chiều 20/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Giám đốc các sở GD&ĐT về quản lý các hoạt động giáo dục nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp tuyến tại điểm cầu Bộ GD&ĐT và 63 điểm cầu các sở GD&ĐT. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT và đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trong học kỳ I năm học 2024-2025; phương hướng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2024-2025; công tác quản lý các hoạt động giáo dục vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025.
Nỗ lực nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT
Chia sẻ về tình hình triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trong học kỳ I năm học 2024-2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: các sở GD&ĐT đã kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh/thành phố ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định để hướng dẫn cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 và tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Các kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học được ban hành kịp thời, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tham mưu việc bố trí mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh; chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học, bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn. Chỉ đạo cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện và triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Các nhà trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường được nâng cao; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường…
Việc lựa chọn, cung ứng SGK đầy đủ, kịp thời. Ngành Giáo dục đã thực hiện thành công thí điểm học bạ số cấp tiểu học và thí điểm dạy học kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học; ban hành hướng dẫn triển khai học bạ số cho trung học và giáo dục thường xuyên từ 2025.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, ông Nguyễn Xuân Thành nhận định, việc này đã từng bước hoàn thiện và đạt kết quả; đã thể hiện sự kiểm đếm, huy động đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị trường học các môn học.
Qua theo dõi, kiểm tra tại các địa phương cho thấy, việc phân công giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với các môn học mới, từng bước đã khắc phục được khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công, phù hợp với điều kiện thực tế giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lí và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Công văn số 5636/BGD&ĐT-GDTrH.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số đơn vị vẫn có hạn chế, như: chưa mang tính đặc thù, chưa thiết thực, chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; chưa huy động hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Việc phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên vẫn còn có nơi giao cho giáo viên chưa đủ tự tin dạy toàn bộ môn Khoa học tự nhiên. Vẫn còn hiện tượng soạn kế hoạch bài dạy vẫn còn hình thức chưa thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT…
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã được cải thiện nhưng chưa được giải quyết triệt để; nhiều địa phương, nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu giáo viên, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn nhiều so với định mức của Bộ GD&ĐT. Thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT chưa được trang bị đầy đủ ở các lớp theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Còn một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương về Bộ GD&ĐT chậm so với quy định; chất lượng tài liệu còn hạn chế. Nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành được tài liệu giáo dục địa phương vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành…
Việc xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra tại các cơ sở giáo dục còn vướng mắc, khó khăn; chất lượng đề kiểm tra cần tiếp tục cải thiện.
Nhanh chóng ổn định dạy-học sau nghỉ Tết Nguyên đán
Tại hội nghị, các sở GD&ĐT cũng báo cáo về tình hình triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên trong học kỳ I năm học 2024-2025; phương hướng thực hiện nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2024-2025; triển khai một số Thông tư mới được ban hành như Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT...
Chia sẻ của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Thủ đô đã tăng thêm 2 trường THPT chuyên và 39 trường học; khắc phục được tình trạng phụ huynh phải xếp hàng đăng ký nhập học; hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương với lớp 5, 9, 12 và từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình GDPT 2018; quy định chặt chẽ việc học sinh sử dụng điện thoại ở trường, lớp học…
Hà Nội cũng đã tham mưu thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; chuẩn bị chu đáo cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT; đã xây dựng phương án tuyển sinh đầu cấp với tiêu chí xét tuyển vào lớp 6, đặc biệt các trường chất lượng cao bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch…
Trao đổi về tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cảm ơn Bộ GD&ĐT đã có công văn kịp thời hướng dẫn xét tuyển đối với lớp 6, qua đó giúp thành phố thuận lợi trong hướng dẫn học sinh, phụ huynh, nhất là những trường có số lượng tham gia xét tuyển lớn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu đồng thời đánh giá cao Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Với Thông tư này, nhiều dự án, công trình trường học đã được đầu tư, sửa chữa, nâng tầng. “Mong rằng sĩ số học sinh/lớp sẽ đảm bảo quy định của Bộ GD&ĐT, thậm chí thấp hơn”, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Huế cũng có ý kiến đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT đã tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản, giải quyết điểm nghẽn cho địa phương. Ngành Giáo dục TP.Huế đã triển khai các Thông tư, quy định này thông qua đẩy mạnh truyền thông.
Cho biết xã hội rất yên tâm về các phương án tổ chức các kỳ thi năm 2025 theo chương trình mới, ông Nguyễn Tân cũng chia sẻ tín hiệu tích cực từ kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay. Riêng TP.Huế, tỷ lệ đoạt giải được duy trì tốt với 84/108 học sinh dự thi đoạt giải, tỷ lệ gần 80%.
Liên quan đến công tác quản lý các hoạt động giáo dục vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho biết, ngành GD-ĐT TP.Huế đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn về nghỉ Tết. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường chỉ đạo bảo đảm an toàn trường học, an toàn giao thông… Các chế độ khen thưởng cho học sinh có thành tích trong Hội khỏe Phù Đồng, thi học sinh giỏi quốc gia… cũng được thực hiện trước Tết.
Về nội dung này, đại diện Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết: Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động giáo dục trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trong đó, tập trung vào việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học; an toàn giao thông; tuyên truyền về an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; tổ chức các hoạt động vui xuân lành mạnh, tiết kiệm cho học sinh và giáo viên.
Cùng với đó, quan tâm, hỗ trợ, tổ chức chu đáo việc đón Tết đối với học sinh, học viên hoàn cảnh khó khăn. Các trường có học sinh nội trú chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách để tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho học sinh về nghỉ Tết, có giải pháp hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh hoàn cảnh khó khăn...
Quản lý các hoạt động giáo dục vào dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT quán triệt tinh thần và tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc đảm bảo an toàn trước, trong và sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân năm 2025. Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không tham gia các tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2025. Hướng dẫn, giáo dục học sinh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nhà trường thực hiện tốt việc phối hợp với cha mẹ học sinh để có kế hoạch kiểm tra, giám sát và có các biện pháp ngăn chặn học sinh truy cập các thông tin, trò chơi độc hại, bạo lực trên mạng internet, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tệ nạn uống rượu bia, sử dụng thuốc lá,… Tổ chức chu đáo việc thăm hỏi, trợ giúp đối với các cán bộ, giáo viên, gia đình thuộc diện chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá: Học kỳ 1 vừa qua, khối mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực, hiệu quả. Trong đó, các sở GD&ĐT đã tích cực thực hiện theo khung kế hoạch thời gian năm học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy học… Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, cơn bão số 4, nhưng các địa phương với sự giúp đỡ của toàn ngành, toàn xã hội đã nhanh chóng ổn định việc dạy học.
Nhà trường đã tập trung vào công tác chuẩn bị đánh giá một chu trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên theo chương trình mới. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT vừa qua kết quả cơ bản ổn định, nhiều môn học có chỉ số tốt hơn phần nào phản ánh chất lượng dạy học theo Chương trình GDPT 2018…
Không chỉ quan tâm, thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, ngành Giáo dục địa phương còn chăm lo toàn diện đến đội ngũ nhà giáo, học sinh với phương châm không để bất cứ học sinh, giáo viên nào vì điều kiện kinh tế mà không có Tết.
Sau nghỉ Tết Nguyên đán, Thứ trưởng yêu cầu cần quan tâm việc duy trì sĩ số, nắm được tình hình học sinh quay trở lại trường, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập; lưu ý việc tổ chức dạy học, sức khỏe cả thầy và trò khi thời tiết rét đậm, rét hại…
Trong học kỳ 2, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục phát huy tinh thần của học kỳ 1; không chủ quan với những kết quả đạt được để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học.
Tại hội nghị, Thứ trưởng và đại diện các cục, vụ thuộc Bộ đưa ra một số vấn đề cần lưu ý; trao đổi, giải đáp ý kiến của địa phương đưa ra, đặc biệt liên quan đến một số văn bản Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành.