CSGDĐH nỗ lực thu hút SV ngành khoa học cơ bản nhưng cần thêm hỗ trợ từ Nhà nước
Để thu hút sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, nhiều trường đại học đã triển khai các chính sách hỗ trợ đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo.
Những năm gần đây, tình hình tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,... tại các trường đại học gặp không ít khó khăn. Mặc dù đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của khoa học và công nghệ, nhưng lượng thí sinh đăng ký theo học các ngành này ngày càng thấp dù điểm chuẩn giảm.
Nguyên nhân nhiều trường gặp khó khăn khi tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết kết quả tuyển sinh trong 3 năm gần đây từ năm 2021 đến năm 2023 thì các ngành khoa học cơ bản của trường đều không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản của trường chỉ đạt 20,8%; năm 2022 chỉ đạt 19%; năm 2023 chỉ đạt 32%.
“Số lượng sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản thấp không đơn giản chỉ là việc nhà trường không hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh mà tình trạng này có thể kéo theo hệ lụy lãng phí lớn về đội ngũ, cơ sở vật chất,… nếu nhà trường không kịp thời có những giải pháp phù hợp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng nhận định.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm sút số lượng sinh viên đăng ký, theo học các ngành khoa học cơ bản là do chính sách chung, lương và thu nhập của các vị trí việc làm ngành khoa học cơ bản thấp so với những lĩnh vực khác. Mặc dù cơ quan, doanh nghiệp rất “khát” nhân lực những ngành này, nhưng sinh viên vẫn có xu hướng chọn các ngành có thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, sinh viên học các ngành khoa học cơ bản ít được hưởng các chế độ ưu đãi như một số ngành khác (ngoài những chế độ chung của Nhà nước). Bên cạnh đó, công tác truyền thông hiện nay chưa làm xã hội hiểu về vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học cơ bản và nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực khoa học cơ bản.
“Các cơ sở đào tạo ngành khoa học cơ bản rất khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí để đầu tư cho đào tạo. Đào tạo khoa học cơ bản cần một nguồn lực không chỉ về cơ sở vật chất mà cả đội ngũ giảng viên có trình độ cao,... Chính vì vậy, hiện nay một số cơ sở đào tạo phải mở thêm các ngành đào tạo khác để tồn tại, còn sự đầu tư cho đào tạo khoa học cơ bản bị hạn chế rất nhiều”, thầy Đăng chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết năm 2024, nhà trường tuyển 3.350 chỉ tiêu các ngành khoa học cơ bản. Trong 3 năm gần đây, tỉ lệ trúng tuyển nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh đạt trên 80%. Thầy Huy cho rằng một trong những lý do khiến ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh là cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này còn thấp.
“Thực tế ngành khoa học cơ bản thường có ít cơ hội việc làm hơn so với các ngành công nghệ, kinh doanh hoặc y tế. Mức lương khởi điểm và tiềm năng thu nhập cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ và kinh tế số đã thu hút sự quan tâm lớn từ các bạn trẻ, khiến người học lựa chọn các ngành này thay vì khoa học cơ bản.
Ngoài ra, các ngành khoa học cơ bản thường đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức vững chắc về toán học, lý thuyết và vận dụng thí nghiệm. Điều này có thể khiến nhiều sinh viên cảm thấy quá khó khăn hoặc áp lực”, thầy Huy nhấn mạnh.
Còn tại Trường Đại học Giao thông vận tải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Long, Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản cho biết năm 2024, nhà trường chỉ tuyển sinh duy nhất 1 ngành thuộc nhóm ngành khoa học cơ bản là Toán ứng dụng với 80 chỉ tiêu.
Lý giải nguyên nhân về việc nhà trường chỉ đào tạo 1 ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Long chia sẻ: “Nhà trường không tập trung đào tạo quá nhiều ngành khoa học cơ bản vì có khá ít sinh viên theo học. Trong những năm đầu tuyển sinh ngành khoa học cơ bản, điểm tuyển sinh đầu vào thấp nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn chỉ đạt dưới 50%.
Hiện nay, nhu cầu xã hội cho ngành khoa học cơ bản vẫn có nhưng nhiều em lại chưa đủ năng lực để theo học ngành này. Điều này dẫn đến việc sinh viên chỉ đăng ký ngành học vì điểm thấp, sau đó học văn bằng 2 và làm trái ngành”.
Ngoài ra, Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng nếu muốn mở rộng đào tạo ngành khoa học cơ bản thì phải đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm đầu vào của các ngành này phải cao thì chất lượng đầu ra mới đáp ứng được công việc.
“Hiện nay, một số sinh viên có nhận thức không đúng đắn về ngành khoa học cơ bản. Chỉ khi không đủ điểm vào các ngành học “hot” như công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng,... thì mới đăng ký các ngành khoa học cơ bản.
Tuy nhiên, ngành Toán ứng dụng có kiến thức rất đa dạng và cần kiến thức chuyên môn của từng lĩnh vực. Và thực tế, hiện nay chất lượng đào tạo của nhiều trường cũng chưa thực sự tốt. Tại Việt Nam, dữ liệu để sinh viên thực hành không được chia sẻ nhiều, đặc biệt là dữ liệu về doanh nghiệp có tính bảo mật cao. Sinh viên phải thực tập và thử việc tại các doanh nghiệp ít nhất 1 - 2 năm mới nắm được quy trình và kiến thức. Vì vậy xảy ra tình trạng các em "học một đằng, làm một nẻo", đồng thời điểm đầu vào thấp, sinh viên không đủ tâm huyết nỗ lực, dẫn đến các em không theo được nghề”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Long nhận định.
Thu hút sinh viên bằng các chính sách học bổng và miễn phí ký túc xá
Hiện nay, để thu hút sinh viên đăng ký theo học ngành khoa học cơ bản, các trường đại học cũng đưa ra nhiều các chính sách, ưu đãi học bổng hỗ trợ người học.
Ngoài việc thực hiện các chế độ chung theo quy định của Nhà nước, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết nhà trường đã chủ động hỗ trợ sinh viên học các ngành khoa học cơ bản theo “cách riêng”. Điển hình như kết nối với các đối tác quốc tế để có các học bổng học tập, thực tập ngắn hạn, dài hạn cho sinh viên; Kết nối với các viện nghiên cứu trong nước để cấp học bổng cho các sinh viên ngành Toán tham dự các trường hè, các khóa giảng dạy của các chuyên gia và thực tập nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên còn dành một phần kinh phí của nhà trường để cấp học bổng cho các sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản. Trong đó, học bổng loại 1 sẽ miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí 3.600.000 đồng/tháng, miễn phí ở ký túc xá sinh viên. Học bổng loại 2 miễn 100% học phí và miễn phí ở ký túc xá cho sinh viên.
Bên cạnh đó, nhà trường còn có các học bổng chung dành cho tân sinh viên như: Học bổng 88 triệu đồng cho sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa đầu vào; thủ khoa cho mỗi ngành đào tạo 27 triệu đồng.
Cần thêm chính sách thiết thực như Nghị định 116/2020/NĐ-CP
Tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cho hay, ngoài hỗ trợ tài chính, nhà trường cũng cung cấp thêm các chương trình hỗ trợ học tập như: tư vấn nghề nghiệp và hướng dẫn nghiên cứu khoa học để giúp sinh viên cảm thấy tự tin và có định hướng rõ ràng hơn trong việc học và phát triển sự nghiệp.
Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng các ngành khoa học cơ bản cũng nên được hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực tương tự như Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
“Sự thành công của Nghị định 116 trong việc thu hút người học vào các ngành sư phạm là minh chứng rõ ràng cho thấy khi có những chính sách hỗ trợ cụ thể ngành nghề sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với người học.
Nếu có những chính sách hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt hoặc thậm chí là cam kết việc làm sau khi tốt nghiệp, điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn cho thí sinh lựa chọn các ngành khoa học cơ bản. Chính sách hỗ trợ này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên mà còn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các ngành này đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các chính sách hỗ trợ này cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng xã hội đang đánh giá cao và coi trọng những đóng góp của các ngành khoa học cơ bản. Điều này sẽ giúp thay đổi cách nhìn của cộng đồng, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và giá trị của các ngành khoa học cơ bản trong mắt thí sinh và phụ huynh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho rằng cần phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để xã hội, phụ huynh và học sinh phổ thông hiểu được vai trò quan trọng cũng như nhu cầu của đất nước về nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, các chủ trương của Đảng và Nhà nước cần cụ thể hóa thành các chế độ thu hút, đãi ngộ đối với sinh viên theo học các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản. Song song với việc Nhà nước đầu tư để nâng cao năng lực đào tạo các ngành khoa học cơ bản cho các cơ sở giáo dục đại học, cũng nên có cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội trong nước và quốc tế (chủ yếu là nhân lực, vật lực, tài chính…) tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.