Tiếng lóng Gen Z: Thú vị nhưng cần chuẩn mực
Trong cuộc sống hiện đại, ngôn ngữ lóng, đặc biệt phổ biến với Gen Z (1997–2012), đã trở thành một phần không thể thiếu trong giao tiếp hàng ngày. Tuy thú vị và sống động, việc lạm dụng tiếng lóng có thể gây hệ lụy làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
"Từ điển" ngôn ngữ của thế hệ trẻ
Ngồi xuống trò chuyện với các bạn trẻ Gen Z, có lẽ không ít người thuộc các thế hệ trước sẽ “choáng váng” trước loạt từ ngữ lạ lẫm. Những cụm từ như "chầm Zn", "sin lũi", "xu cà na", hay "mãi keo" nhanh chóng trở thành ngôn ngữ giao tiếp thường ngày của những người trẻ.
Bạn Minh Anh, một sinh viên sinh năm 2000 tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Ngôn ngữ lóng giúp chúng mình bắt kịp xu hướng và gần gũi hơn với bạn bè. Ví dụ, từ ‘khum’ thay thế cho ‘không’, nghe vừa dễ thương vừa trẻ trung. Hay như ‘sin lũi’ – phiên bản cách điệu của ‘xin lỗi’ – giúp tạo không khí nhẹ nhàng hơn khi cần thể hiện sự hối lỗi.
Minh Anh kể thêm rằng, trong các nhóm bạn thân, tiếng lóng gần như trở thành “mật mã” để tạo sự gắn kết: “Có những cụm từ mà chỉ có chúng mình mới hiểu ý nghĩa. Ví dụ, 'u là trời' là cách cảm thán hài hước khi ngạc nhiên, tương tự như 'oh my god' trong tiếng Anh. Hay cụm từ 'ét o ét' – phát âm từ SOS, thường được dùng để đùa trong những tình huống trớ trêu hoặc buồn cười. Ngoài ra, từ 'chằm Zn' là cách chơi chữ từ ‘trầm cảm’, nhưng bọn mình dùng để nói vui khi ai đó mệt mỏi hoặc đang buồn chuyện gì đó trong ngày.”
Không chỉ vậy, Minh Anh cho biết Gen Z còn sáng tạo tiếng lóng bằng cách “mượn” từ tiếng Anh. "Gét gô" (phiên âm từ "let’s go") hay "xu cà na" (ám chỉ những tình huống xui xẻo) là minh chứng rõ nét. “Ngôn ngữ lóng của chúng mình không chỉ để nói chuyện mà còn là cách bắt trend, thể hiện sự hài hước và cập nhật xu hướng mạng xã hội. Thế nhưng, cũng có lúc mình cảm thấy hơi khó xử khi vô tình dùng tiếng lóng với người lớn hoặc trong môi trường cần nghiêm túc. Những lúc đó, mình nhận ra bản thân cần điều chỉnh lại cách nói chuyện để phù hợp hơn,” Minh Anh chia sẻ thêm.
Bên cạnh sự thú vị, việc sử dụng tiếng lóng thiếu kiểm soát đôi khi gây ra những tình huống dở khóc dở cười. Hoàng Nam, một nhân viên văn phòng trẻ tại Hà Nội, kể lại câu chuyện của chính mình: “Trong một buổi họp, mình vô tình nói 'Gét gô' khi đề xuất bắt đầu một dự án. Mọi người trong phòng nhìn mình bối rối, còn sếp thì thẳng thắn nhắc nhở rằng cần cẩn trọng hơn trong cách dùng từ khi làm việc. Lúc đó, mình cảm thấy hơi xấu hổ vì nghĩ rằng bản thân đang phá vỡ sự chuyên nghiệp của buổi họp.”
Nam thừa nhận, anh chàng từng có thói quen sử dụng tiếng lóng ở "vô tội vạ" mọi nơi, mọi lúc. Sau sự cố đó, Nam bắt đầu thay đổi: “Mình nhận ra tiếng lóng không phải lúc nào cũng phù hợp. Tiếng lóng nên được dùng đúng nơi, đúng thời điểm để không làm người khác khó chịu hoặc không hiểu mình đang nói gì.”
Cần sử dụng tiếng lóng một cách chuẩn mực
Bà Bùi Thị Minh Huệ, giáo viên dạy văn tại trường THCS Đại Kim, Hà Nội, nhận định: “Tiếng lóng là biểu hiện của sự sáng tạo trong ngôn ngữ, nhưng tiếng lóng cũng là con dao hai lưỡi. Việc sử dụng tiếng lóng không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn là sự thể hiện của văn hóa giao tiếp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng ngữ cảnh, các bạn trẻ có thể làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt". Theo bà, tiếng lóng có thể được sử dụng trong môi trường bạn bè đồng trang lứa hoặc các cuộc trò chuyện mang tính thân mật, suồng sã, nhưng không nên áp dụng trong những hoàn cảnh trang trọng hoặc với những người lớn tuổi.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, tiếng lóng là loại ngôn ngữ mang tính nhóm xã hội, xuất hiện cùng với sự tồn tại của các nhóm trong xã hội. Trước đây, tiếng lóng thường gắn với các băng nhóm bất hảo, nhưng ngày nay, nó phổ biến ở nhiều tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Sinh viên, học sinh hay thậm chí cư dân mạng đều có những loại tiếng lóng riêng, góp phần làm phong phú cách giao tiếp hằng ngày. Ngày nay, tiếng lóng không còn giới hạn trong các nhóm nhỏ, mà mang tính mở và được sử dụng rộng rãi, tạo cảm giác trẻ trung, gần gũi. Ví dụ, những cụm từ như “ăn ngỗng” (điểm kém) hay “trượt vỏ chuối” (gặp thất bại) đã dần trở thành ngôn ngữ quen thuộc.
Dù làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ, tiếng lóng vẫn cần được sử dụng đúng chỗ. Tiếng lóng, giống như ngôn ngữ mạng, là ngôn ngữ phi quy thức, phù hợp trong giao tiếp thân mật hoặc các tình huống vui chơi, giải trí. Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng lóng trong các bối cảnh chính thức như bài kiểm tra, báo chí hay các văn bản hành chính có thể gây mất tính chuẩn mực.
Theo ông, việc dạy ngôn ngữ trong nhà trường hiện nay quá chú trọng lý thuyết mà ít chú ý đến kỹ năng giao tiếp thực tế. Điều này dẫn đến việc giới trẻ sử dụng tiếng lóng một cách tùy tiện, không phù hợp. TS Ngô Thị Minh (Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) bổ sung: "Giáo dục giao tiếp đúng mực là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và truyền thông. Chúng ta cần giúp giới trẻ nhận thức rõ ràng về việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp trong từng bối cảnh."
Trong tiến trình cải cách giáo dục, GS.TS Nguyễn Văn Khang khuyến nghị nên đưa kỹ năng giao tiếp thực tế vào giảng dạy, giúp người trẻ hiểu cách sử dụng tiếng Việt đúng quy chuẩn nhưng vẫn sáng tạo, phù hợp với thời đại.