Covid-19 đã 'giống cúm mùa', có cần đếm ca bệnh, ổ dịch?
Các chuyên gia nhận định khả năng Covid-19 bùng phát mạnh trở lại là rất thấp. Việc cách ly chủ yếu chỉ áp dụng tại cơ sở y tế để bảo vệ người có bệnh lý nền.

Bệnh nhân đến khám di chứng hậu Covid-19 tại TP.HCM năm 2022. Ảnh: Duy Hiệu.
Trong bối cảnh một số địa phương ghi nhận sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trở lại, nhiều người dân bắt đầu lo lắng về khả năng dịch bùng phát như giai đoạn trước.
Một số nơi còn tiến hành thống kê số ca và khoanh vùng các ổ dịch nhỏ, khiến không ít người hoang mang.
Đếm ca bệnh có còn ý nghĩa?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc đếm các ca bệnh và khoanh vùng ổ dịch có thể là không phù hợp hiện nay.
Việc đánh giá tình hình dịch nên sử dụng các phương pháp có tính chất hệ thống (gọi là giám sát dịch tễ). Việc đếm các ca bệnh Covid-19 được xét nghiệm dương tính sẽ phụ thuộc vào việc người dân mắc bệnh có đi khám hay không, khi đi khám nhân viên y tế quan tâm và thực hiện xét nghiệm hay không.
"Đó là lý do tại sao ở Việt Nam từ đầu năm đến nay chúng ta chỉ có 148 ca Covid-19 nhưng tại Singapore (quốc gia có dân số thấp hơn Việt Nam nhiều lần chỉ trong một tuần của đầu tháng 5 đã có hơn 14.000 trường hợp - gấp 100 lần). Vì việc phát hiện ca bệnh không có tính hệ thống nên việc đánh giá có dịch hay không, có ổ dịch tại khu vực nào đó hay không là ít ý nghĩa", PGS Dũng nói.
Theo vị chuyên gia, việc quan trọng hơn là ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc kháng virus để có thể điều trị hiệu quả và kịp thời cho người bị Covid-19 có nguy cơ diễn tiến nặng.
Bên cạnh đó, người dân không nên quá lo lắng về Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Phần lớn người dân đã được tiêm vaccine đầy đủ hoặc từng mắc bệnh một vài lần, nhờ đó hình thành nền tảng miễn dịch nhất định. Với những người khỏe mạnh, dưới 60 tuổi, nếu mắc Covid-19 thì triệu chứng thường nhẹ và diễn tiến nhanh.
Những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền vẫn có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, nhưng tỷ lệ không qua khỏi hiện nay đã giảm đáng kể so với giai đoạn đầu của đại dịch - khi toàn thế giới chưa có miễn dịch và virus còn quá mới.
Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 cũng đã tiến hóa theo hướng giảm độc lực. Dù có khả năng lây lan nhanh hơn, đặc điểm này lại góp phần giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng ở những người đã tiêm vaccine hoặc mắc bệnh trước đó.

Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội. Ảnh: Thụy Trang.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, lại cho rằng việc một số địa phương bắt đầu thống kê số ca mắc mới hoặc ổ dịch nhỏ là cần thiết để theo dõi sát diễn biến tình hình.
“Virus luôn có khả năng biến đổi. Chúng ta chưa thể chắc chắn liệu biến chủng mới sẽ nhẹ hơn hay nguy hiểm hơn, nên ngành y tế vẫn phải giám sát chặt chẽ”, ông nói.
Cảnh giác, nhưng đừng hoang mang
Trước thông tin dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Thái Lan và một số địa phương ở Việt Nam, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay chủng virus đang lưu hành là Omicron XEC - biến thể được đánh giá là lành tính, độc lực thấp. Thái Lan cũng không áp dụng biện pháp cách ly hay phong tỏa nào.
Về các trường hợp không qua khỏi do Covid-19, ông nhấn mạnh cần xem xét kỹ yếu tố nguy cơ như tuổi cao, bệnh nền.
"Không nên chỉ nhìn vào số ca không qua khỏi rồi vội vàng lo lắng, bởi người có sức khỏe yếu thì mắc bất kỳ bệnh gì cũng có thể không qua khỏi, không chỉ riêng Covid-19", ông nói.

Người cao tuổi trên địa bàn TP Thủ Đức tiêm vaccine phòng Covid-19 hồi tháng 7/2021. Ảnh: Duy Hiệu.
Bác sĩ Khanh nhận định khả năng Covid-19 bùng phát mạnh trở lại là rất thấp. Bệnh đã được xếp vào nhóm truyền nhiễm B, tương đương cúm mùa và phần lớn người dân đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm cho rằng sự gia tăng số ca mắc gần đây là hiện tượng có thể dự đoán được - nhất là vào mùa hè, khi virus đường hô hấp gia tăng và hoạt động du lịch, tụ tập đông người diễn ra sôi động. Tuy vậy, ông khẳng định khả năng hình thành một đợt dịch lớn là không cao.
“Với người khỏe mạnh, dưới 60 tuổi, đã tiêm vaccine đầy đủ thì nếu mắc Covid-19, triệu chứng thường nhẹ như cúm mùa. Đối tượng cần đặc biệt lưu ý là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch”, bác sĩ Khiêm khuyến cáo.
Hiện nay, cách ly chủ yếu chỉ áp dụng tại cơ sở y tế để bảo vệ người có bệnh lý nền, không còn đại trà như trước. "Chúng tôi đã bố trí khu riêng để chăm sóc bệnh nhân Covid-19, nhưng điều kiện cách ly không còn khắt khe như trước", ông nói.
Các chuyên gia đều cho rằng người dân không nên hoang mang, nhưng cũng không nên chủ quan. Việc duy trì các biện pháp cơ bản như đeo khẩu trang ở nơi đông người, rửa tay, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng.