COP29 thống nhất thỏa thuận tín dụng Carbon toàn cầu
Các quốc gia đã đạt được thỏa thuận tại hội nghị COP29 vào thứ Bảy (23/11) tạo ra một thị trường toàn cầu cho việc mua bán tín dụng carbon. Thỏa thuận này giúp huy động hàng tỷ đô la đầu tư vào các dự án giảm khí thải nhà kính, giúp chống lại biến đổi khí hậu.
Tín dụng carbon được tạo ra từ các dự án như trồng rừng hoặc xây dựng trang trại gió ở các nước chưa phát triển. Mỗi tín dụng tương đương với việc giảm hoặc hấp thụ một tấn khí thải. Các quốc gia và công ty có thể mua tín dụng này để đạt mục tiêu cắt giảm khí thải của mình.
Sau khi thống nhất sẽ cho ra mắt một hệ thống giao dịch tập trung của Liên Hợp Quốc vào năm sau, hội nghị đã tiếp tục thảo luận về một hệ thống giao dịch riêng, nơi các quốc gia có thể mua bán tín dụng trực tiếp với nhau.
Các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh cách thiết kế hệ thống theo dõi tín dụng, mức độ thông tin mà các quốc gia cần công khai và cách xử lý khi các dự án không đạt kết quả mong đợi.
EU muốn có sự giám sát chặt chẽ hơn từ Liên Hợp Quốc và yêu cầu minh bạch nhiều hơn trong các giao dịch. Trong khi đó, Mỹ lại muốn có quyền tự chủ lớn hơn trong các thỏa thuận riêng.
Thỏa thuận cuối cùng là sự thỏa hiệp. EU đề xuất dịch vụ đăng ký miễn phí cho các nước không đủ khả năng thiết lập hệ thống riêng. Mỹ thì đảm bảo rằng chỉ ghi nhận giao dịch trên hệ thống này.
Pedro Barata, một chuyên gia theo dõi đàm phán từ tổ chức Quỹ Bảo vệ Môi trường, nhận xét rằng EU đã "nhượng bộ rất nhiều để làm vừa lòng Mỹ".
"Dù có người nói hệ thống này chưa thực sự hiệu quả, nó vẫn là một nền tảng giao dịch quốc tế hữu ích."
Những giao dịch tín dụng carbon giữa các quốc gia đã bắt đầu từ tháng 1/2024, khi Thụy Sĩ mua tín dụng từ Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng giao dịch hiện tại vẫn còn hạn chế.
Việc có một bộ quy tắc rõ ràng, vừa đảm bảo minh bạch vừa không gây khó khăn cho các nước tham gia, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giao dịch phát triển mạnh hơn.
Theo Hiệp hội Giao dịch Phát thải Quốc tế (IETA), nếu được triển khai tốt, thị trường tín dụng carbon do Liên Hợp Quốc hỗ trợ có thể đạt giá trị 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và giúp giảm thêm 5 tỷ tấn khí thải hàng năm.