COP29: gần 200 nước nhất trí quy tắc của thị trường carbon toàn cầu

Sau gần 10 năm bế tắc, gần 200 nước đã nhất trí các quy tắc đối với một thị trường carbon toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 29 của Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan.

Theo đó, sẽ có hai thị trường tín chỉ carbon vận hành riêng rẽ, với một hệ thống giao dịch do Liên hợp quốc (LHQ) điều hành và một hệ thống giao dịch song phương, cho phép nước giàu và doanh nghiệp mua tín chỉ carbon từ nước đang phát triển để bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính.

Tại hội nghị COP29 ở Baku, Azerbaijan, gần 200 nước đã nhất trí các quy tắc giao dịch carbon toàn cầu thông qua các thỏa thuận song phương và nền tảng thị trường do LHQ điều hành. Ảnh: Report.az

Tại hội nghị COP29 ở Baku, Azerbaijan, gần 200 nước đã nhất trí các quy tắc giao dịch carbon toàn cầu thông qua các thỏa thuận song phương và nền tảng thị trường do LHQ điều hành. Ảnh: Report.az

Nhất trí bộ tiêu chuẩn tín chỉ carbon giao dịch trên nền tảng thị trường của LHQ

Vào ngày khai mạc hội nghị COP29 (hôm 11-11), các nhà đàm phán từ gần 200 nước sớm đạt được đột phá khi nhất trí bộ tiêu chuẩn sản xuất tín chỉ carbon giao dịch trên một nền tảng thị trường do LHQ quản lý và dự kiến ra mắt vào năm tới.

Trong đó, hai tiêu chuẩn quan trọng liên quan đến các yêu cầu về phương pháp để phát triển và đánh giá các tín chỉ carbon đủ điều kiện tham gia nền tảng thị trường carbon của LHQ; và các yêu cầu đối với các dự án loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển, chẳng hạn như cách tính toán và giám sát lượng khí thải đã loại bỏ.

Các tiêu chuẩn mới nhằm thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu đối với các dự án tín chỉ carbon và hỗ trợ chuyển hướng dòng chảy tài chính khí hậu đến các nước đang phát triển.

Bên cạnh các chính phủ, giới doanh nghiệp cũng có thể giao dịch tín dụng trên thị trường carbon của LHQ. Thị trường mới này sẽ hấp dẫn hơn để doanh nghiệp giao dịch so với các thị trường carbon tự nguyện (VCM) hiện nay.

Các VCM vẫn còn rời rạc và có quy mô tương đối nhỏ. Theo nền tảng dữ liệu môi trường Ecosystem Marketplace, 723 triệu đô la Mỹ giá trị tín chỉ carbon được giao dịch trên các VCM diễn ra vào năm 2023, giảm 56 % so với năm trước đó. Mối quan ngại về tính toàn vẹn của tín chỉ carbon và rủi ro về danh tiếng liên quan đến sự thiếu minh bạch của các VCM khiến một số doanh nghiệp ngần ngại tham gia giao dịch

Thế nhưng, kết quả trên chỉ là một phần của Điều 6 trong Thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Điều 6 đặt ra hai phương án giao dịch tín chỉ carbon, gồm giao dịch thông qua thỏa thuận song phương giữa các nước và giao dịch thông qua một nền tảng thị trường được điều hành bởi LHQ, cho phép các chính phủ và doanh nghiệp mua tín chỉ carbon đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Kể từ khi Thỏa thuận Paris ký kết vào năm 2015, các nhà đàm phán tranh cãi không dứt về các quy tắc và tiêu chuẩn cần thiết để thiết lập thị trường carbon toàn cầu nhằm đảm sự minh bạch và độ tin cậy.

Trong những ngày làm việc tiếp theo tại COP29, đại biểu của các nước dành phần lớn thời gian để đàm phán các quy tắc cho một hệ thống giao dịch tín chỉ carbon trực tiếp trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa các nước.

Các chi tiết cần được giải quyết bao gồm cách thức xây dựng hệ thống đăng ký theo dõi tín chỉ carbon, cũng như lượng thông tin mà các nước nên chia sẻ về các thỏa thuận giao dịch song phương và những gì sẽ xảy ra khi các dự án khử carbon thành công.

Nằm trong số những tiếng nói mạnh mẽ nhất, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi LHQ giám sát chặt chẽ hơn và minh bạch hơn đối với thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon giữa các nước. Trong khi đó, Mỹ đề xuất trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với thỏa thuận như vậy.

Chủ tịch COP29, Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan, Mukhtar Babayev đã công bố một dự thảo với đề xuất cho phép một số nước phát hành tín chỉ carbon thông qua một hệ thống sổ đăng ký riêng, mà không cần có sự phê duyệt của LHQ.

Thỏa thuận cuối cùng, đạt được vào hôm 23-11, là một sự thỏa hiệp sau khi EU đảm bảo dịch vụ đăng ký cho các nước không đủ khả năng thiết lập sổ cái riêng để phát hành và theo dõi tín chỉ carbon. Trong khi đó, Mỹ đảm bảo được rằng, những giao dịch được ghi lại trên hệ thống đăng ký như vậy không đủ điều kiện để nhận được sự chứng thực của LHQ đối với tín chỉ carbon.

Theo Pedro Barata, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận thị trường carbon của tổ chức phi chính phủ Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF), với việc đồng ý rằng, sổ đăng ký sẽ không xác định chất lượng tín chỉ carbon hoặc xác nhận uy tín của đơn vị phát hành, EU đã nhượng bộ Mỹ quá xa.

“Những đây vẫn là một hệ thống thương mại tín chỉ carbon quốc tế khả thi, ngay cả khi một số người sẽ nói hệ thống này không có sức mạnh”, Barata nói.

Theo thỏa thuận về giao dịch song phương giữa các nước đạt được tại COP29, nước giàu có thể mua tín chỉ carbon từ các dự án khử carbon ở nước đang phát triển như trồng rừng, sản xuất năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu khí hậu. Ảnh: c-zeromarkets.com

Theo thỏa thuận về giao dịch song phương giữa các nước đạt được tại COP29, nước giàu có thể mua tín chỉ carbon từ các dự án khử carbon ở nước đang phát triển như trồng rừng, sản xuất năng lượng tái tạo để đạt được mục tiêu khí hậu. Ảnh: c-zeromarkets.com

Thỏa thuận giao dịch song phương còn nhiều lỗ hổng

Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các dự án như trồng cây hoặc xây dựng các trang trại điện gió, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Nhà phát triển dự án nhận được một tín chỉ carbon cho mỗi tấn khí thải nhà kính mà dự án giúp giảm hoặc hút ra khỏi khí quyển.

Theo thỏa thuận đạt được tại COP29, các nước giàu và doanh nghiệp có thể mua tín chỉ đó để bù đắp cho khí thải nhà kính của họ và đạt mục tiêu về khí hậu. Điều này có nghĩa là những tín chỉ carbon được mua này sẽ được tính vào chương trình hành động khí hậu quốc gi, hay còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự định (NDC) theo Thỏa thuận Paris.

Những người ủng hộ ca ngợi thỏa thuận giao dịch carbon song phương sẽ giúp huy động hàng tỉ đô la cho các dự án khử carbon mới, giúp kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu

Trong khi củng cố thị trường tín dụng chỉ toàn cầu là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán tại Baku, các giao dịch dịch song phương đã sớm được ký kết hồi đầu năm 2024 khi Thụy Sĩ mua tín chỉ carbon từ Thái Lan, Ghana và hàng chục nước khác cũng đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, số lượng của những giao dịch đó vẫn còn hạn chế. Việc đạt được sự cân bằng phù hợp trong một bộ quy tắc rõ ràng để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các nước sẽ thúc đẩy các giao dịch tín chỉ carbon.

Hiệp hội giao dịch phát thải quốc tế (IETA) nhận định, một thị trường carbon do LHQ hậu thuẫn có thể có đạt giá trị 250 tỉ đô la Mỹ/năm vào năm 2030 và giúp giảm 5 tỉ tấn khí thải carbon trong tổng lượng phát thải hàng năm. Trong khi đó, các chuyên gia chỉ trích các quy tắc về thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon song phương giữa các nước còn lỏng lẻo.

“Thật không may, những khiếm khuyết của Điều 6 vẫn chưa được khắc phục. Có vẻ như các nước sẽ sẵn sàng áp dụng các quy tắc không đầy đủ, rồi sẽ giải quyết các hậu quả sau, thay vì ngăn chặn ngay từ đầu”, Isa Mulder, một chuyên gia chính sách tại tổ chức phi chính phủ Carbon Market Watch nói.

Jonathan Crook, một nhà phân tích khác của Carbon Market Watch cho rằng, vấn đề chính là các quy tắc giao dịch song phương được thông qua tại COP29 cung cấp ít trách nhiệm giải trình. Các nước sẽ không bị bắt buộc công bố thông tin kỹ thuật quan trọng về thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon trước khi thực hiện giao dịch thực tế.

Trên thực tế, thỏa thuận giao dịch song phương cho phép các nước tự nhất trí với nhau về những gì được coi là tín chỉ carbon chất lượng cao.

Một số thỏa thuận như vậy đã gây hoài nghi. Thỏa thuận của Thụy Sĩ với Ghana về việc mua tín chỉ carbon được tạo ra từ dự án bếp lò nấu ăn sạch hứa hẹn giảm 3,2 triệu tấn khí thải. Thế nhưng, tổ chức phi lợi nhuận Alliance Sud cho biết, con số ước tính đó cao hơn 79% so với lượng phát thải giảm thực tế.

Theo Kelly Stone, nhà phân tích chính sách cấp cao của tổ chức thiện nguyện ActionAid USA, các thị trường carbon cho phép bù đắp khí thải về cơ bản là cho phép tiếp tục gây ô nhiễm.

“Không có điều gì trong các quy tắc được nhất trí ở COP29 sẽ ngăn cản các thị trường carbon lặp lại lịch sử gây tổn hại cho cộng đồng và không thực hiện được hành động có ý nghĩa về khí hậu”, bà nói.

Amanda Larsson, một người phát ngôn của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cũng bày tỏ lo ngại về việc, thỏa thuận giao dịch carbon song phương sẽ trút bỏ gánh nặng cho những nước gây ô nhiễm lớn trong việc cắt giảm khí thải trong nước.

Theo bà, một thị trường carbon tự nguyện có tính toàn vẹn cao là điều không thực tế, và lịch sử cho thấy, rất nhiều tín chỉ carbon “rác” được giao dịch trên thị trường này.

Theo đánh giá của Cindy Baxter, nhà tư vấn truyền thông của Climate Analytics, thỏa thuận về các quy tắc giao dịch tín chỉ carbon song phương vẫn chưa đủ minh bạch và vẫn nhiều lỗ hổng. Một trong những vẫn đề chưa được giải quyết là bảo đảm các dự án sản xuất tín chỉ carbon tiếp tục giảm phát thải sau khi tín chỉ được bán.

“Ví dụ, bạn trao cho Fiji một số tiền lớn để nước này bảo tồn một số cánh rừng ngập mặn, giúp bù đắp một lượng phát thải carbon nhất định. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu những cạnh rừng ngập mặn đó bị phá hủy do hạn hán hoặc một cơn bão lớn?”, Baxter nói.

Theo Reuters, AFP, Climate Change News

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cop29-gan-200-nuoc-nhat-tri-quy-tac-cua-thi-truong-carbon-toan-cau/
Zalo