COP29: Các nước nghèo được tài trợ 300 tỷ USD mỗi năm cho mục tiêu khí hậu

Các quốc gia tham gia hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Baku (COP29), Azerbaijan, đã đạt được thỏa thuận vào thứ Bảy về mục tiêu tài chính toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một nhà hoạt động trong một cuộc biểu tình yêu cầu tăng cao tài chính khí hậu tại COP29. Ảnh: AP

Một nhà hoạt động trong một cuộc biểu tình yêu cầu tăng cao tài chính khí hậu tại COP29. Ảnh: AP

Theo thỏa thuận, kế hoạch tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đến năm 2035 được đặt ở mức 300 tỷ USD (287 tỷ euro) mỗi năm.

Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đủ.

"Thật tiếc khi tôi phải nói rằng tài liệu này không gì khác hơn là một ảo ảnh," bà Chandni Raina, đại diện phái đoàn Ấn Độ, phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, chỉ vài phút sau khi thỏa thuận được công bố.

"(Thỏa thuận này) theo quan điểm của chúng tôi sẽ không thể đáp ứng được quy mô của thách thức mà tất cả chúng ta đang đối mặt."

Simon Stiell, người đứng đầu chương trình khí hậu của Liên Hợp Quốc, lại hoan nghênh thỏa thuận và gọi văn bản này là một “chính sách bảo hiểm cho nhân loại.”

"Thật sự rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận," ông nói.

"Thỏa thuận này sẽ cho phép năng lượng sạch tiếp tục phát triển và bảo vệ hàng tỷ sinh mạng. Nó sẽ giúp tất cả các quốc gia chia sẻ những lợi ích to lớn của hành động can đảm vì khí hậu: nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh hơn, năng lượng rẻ hơn và sạch hơn cho tất cả mọi người."

"Nhưng cũng giống như bất kỳ chính sách bảo hiểm nào, nó chỉ hoạt động nếu các khoản phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn."

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm, Joe Biden, gọi đây là một “thỏa thuận lịch sử” nhưng cũng nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

"Mặc dù vẫn còn rất nhiều việc để đạt được các mục tiêu khí hậu của chúng ta nhưng kết quả hôm nay đã đưa chúng ta tiến một bước quan trọng," ông Biden cho biết trong một tuyên bố.

Vào tối thứ Bảy, các quốc gia cũng đồng ý về các quy tắc cho một thị trường toàn cầu mua bán tín chỉ carbon mà theo những người ủng hộ là có thể huy động thêm hàng tỷ USD vào các dự án chống hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.

Mục tiêu mới này nhằm thay thế cam kết trước đây của các quốc gia phát triển là cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo nhất để tài trợ chống biến đổi khí hậu vào năm 2020. Cam kết này đã đạt được muộn hơn hai năm, vào năm 2022 và sẽ hết hạn vào năm 2025.

Hội nghị dự kiến kết thúc vào thứ Sáu, nhưng vẫn tiếp tục khi các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia không thể thống nhất về kế hoạch tài trợ chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới.

Các cuộc đàm phán tại COP29 đã phơi bày sự khác biệt giữa chính phủ các nước giàu, bị giới hạn bởi ngân sách quốc gia eo hẹp, và các quốc gia đang phát triển, chịu tổn thất nặng nề bởi chi phí leo thang do biến đổi khí hậu như bão, lũ lụt hay hạn hán.

Các quốc gia đang tìm kiếm thêm nguồn tài trợ để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 về giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2°C và lý tưởng là 1,5°C vào cuối thế kỷ.

Các nhà khí hậu học hiện cho rằng thế giới có khả năng vượt qua ngưỡng 1,5°C, nếu vượt qua, những biến đổi khí hậu thảm khốc hơn nữa có thể xảy ra, vào đầu những năm 2030 hoặc thậm chí sớm hơn.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cop29-cac-nuoc-ngheo-duoc-tai-tro-300-ty-usd-moi-nam-cho-muc-tieu-khi-hau-721160.html
Zalo