Dự đoán việc triển khai tên lửa của Mỹ và Nga tại châu Á và hệ quả

Nếu Mỹ rồi Nga triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Á - Thái Bình Dương như họ vừa tuyên bố thì động lực an ninh khu vực có thể được tái định hình. Sự căng thẳng Nga-Mỹ có thể dẫn đến một khu vực châu Á - Thái Bình Dương phân cực và quân sự hóa hơn, với tác động đáng kể đến ổn định toàn cầu.

Trước khi can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu để đối phó với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc).

Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon vô thời hạn ở miền Bắc Philippines (để lại Philippines sau đợt tập trận chung Balikatan hồi tháng 4/2024). Hệ thống này tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và cung cấp khả năng răn đe chiến lược đáng kể nhờ khả năng phóng tên lửa Tomahawk và SM-6.

Kế hoạch chung Mỹ - Nhật Bản đề xuất triển khai một trung đoàn thủy quân lục chiến ven biển được trang bị hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) trên quần đảo Nansei của Nhật Bản.

Các căn cứ này mang lại lợi thế chiến lược gần Đài Loan (Trung Quốc) và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, Mỹ mở rộng đào tạo và tích hợp. Mỹ tiến hành các cuộc tập trận lớn với nhiều đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để cải thiện khả năng hoạt động và củng cố liên minh.

Mỹ sẽ thành lập các căn cứ quân sự tạm thời tại Nhật Bản và Philippines trong trường hợp có tình huống bất ngờ xảy ra với Đài Loan (Trung Quốc), Kyodo News đưa tin ngày 25/11.

Hệ thống HIMARS tại khu vực huấn luyện quân sự của Mỹ ở tỉnh Okinawa (Ảnh chụp vào tháng 2/2020). Ảnh: Kyodo

Hệ thống HIMARS tại khu vực huấn luyện quân sự của Mỹ ở tỉnh Okinawa (Ảnh chụp vào tháng 2/2020). Ảnh: Kyodo

Phản ứng tiềm tàng của Nga

Để đáp trả động thái của Mỹ, Nga có thể cân nhắc triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Á, nhắm tới các địa điểm chiến lược để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của Nga và thách thức ảnh hưởng ngày càng lớn của Mỹ.

Tại Đông Bắc Á, Nga có thể tập trung vào các căn cứ sẵn có tại Viễn Đông, như Vladivostok hoặc Sakhalin, tăng cường hệ thống tên lửa tại đây. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt vũ khí, khí tài hiện đại của Nga vào tầm bắn của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi đó, Triều Tiên có mối quan hệ nhiều mặt, trong đó có an ninh-quốc phòng, ngày càng gần gũi với Nga, và mối quan hệ sóng gió với cả Hàn Quốc và Mỹ. Vì vậy, việc Nga triển khai tên lửa ở Triều Tiên là khả thi về mặt lý thuyết.

Một số nước khác có quan hệ tốt với Nga, có vị trí gần các căn cứ và đồng minh quan trọng của Mỹ cũng có thể trở thành nơi triển khai tên lửa tiềm năng. Nhưng lợi ích quốc gia của các nước này cùng nhiều rào cản chính trị và hậu cần sẽ hạn chế khả năng này.

Với mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Nga và Trung Quốc, việc triển khai tên lửa phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc (ví dụ gần các khu vực tranh chấp) không thể bị loại trừ.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ. Ảnh: Defense Security Asia.

Hệ thống tên lửa tầm trung Typhon của Mỹ. Ảnh: Defense Security Asia.

Hệ quả và tác động

Nếu việc triển khai tên lửa diễn ra như Mỹ và Nga tuyên bố, có thể dễ dàng nhìn thấy hệ quả là gia tăng căng thẳng khu vực, hồi sinh chạy đua vũ trang, dịch chuyển liên minh và phân cực, lo ngại về ổn định chiến lược, tác động kinh tế và ngoại giao.

Việc Mỹ triển khai tên lửa ở Philippines và Nhật Bản có khả năng làm gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung. Trung Quốc coi những động thái này là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của mình, đặc biệt là liên quan đến đảo Đài Loan.

Sự hiện diện tên lửa của Nga tại châu Á sẽ tạo thêm một chiều hướng phức tạp, thêm vào mối quan hệ ba bên giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Việc triển khai tên lửa của cả Mỹ và Nga có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, khiến các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... phải tăng cường năng lực phòng thủ.

Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách tăng cường sản xuất tên lửa và có các động thái quân sự quyết đoán hơn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Các động thái của Mỹ sẽ củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, hành động của Nga có thể khiến các quốc gia không liên kết trong khu vực hoặc gần gũi hơn với Mỹ, hoặc giữ thái độ trung lập để tránh bị lôi kéo vào xung đột.

Tại nghĩa trang Mỹ Manila ở Philippines ngày 21/10/2024, quân nhân Mỹ đặt hoa tưởng niệm binh sĩ Mỹ tử trận trong Thế chiến 2. Ảnh: AP.

Tại nghĩa trang Mỹ Manila ở Philippines ngày 21/10/2024, quân nhân Mỹ đặt hoa tưởng niệm binh sĩ Mỹ tử trận trong Thế chiến 2. Ảnh: AP.

Việc thiếu vắng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) tạo ra một khoảng trống pháp lý, cho phép cả hai bên tự do triển khai tên lửa phóng từ mặt đất. Điều này có thể làm bất ổn khu vực và gia tăng nguy cơ xung đột ngoài ý muốn.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-doan-viec-trien-khai-ten-lua-cua-my-va-nga-tai-chau-a-va-he-qua-post1695225.tpo
Zalo