Thổ Nhĩ Kỳ phản đối lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chống Nga
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đang đàm phán với Mỹ về việc miễn trừ lệnh trừng phạt, cho phép họ tiếp tục sử dụng ngân hàng Gazprombank của Nga để thanh toán các giao dịch nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã triển khai những biện pháp hạn chế mới đối với hơn 50 tổ chức tài chính của Nga, bao gồm cả Gazprombank có liên kết với tập đoàn khí đốt khổng lồ cùng tên và 6 công ty con trực thuộc. Các lệnh trừng phạt thực sự đã cắt đứt ngân hàng chủ chốt của Nga về các giao dịch liên quan đến năng lượng khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT.
Đài RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho hay, trừ khi có lệnh miễn trừ đặc biệt, đất nước của ông, vốn đang nhập khẩu gần như toàn bộ khí đốt phục vụ nhu cầu, sẽ không thể trả tiền cho Moscow để mua tài nguyên thiên nhiên. Ông Bayraktar cũng trích dẫn một lệnh miễn trừ trước đó được cấp cho Ankara khi Washington áp trừng phạt Iran vào năm 2012.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ còn vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia châu Âu khác cũng đang mua khí đốt của Nga. Tuần trước, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cáo buộc Washington cố gắng phá hoại an ninh năng lượng ở Trung Âu bằng cách áp hạn chế đối với Gazprombank.
Trong một bài đăng trên Facebook, ông Szijjarto tuyên bố, bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp năng lượng cho Hungary đều "bị coi là hành vi vi phạm chủ quyền của đất nước". Nhà ngoại giao này nhấn mạnh, Budapest lên án mọi vụ tấn công như vậy và cam kết sẽ "chống lại áp lực cũng như theo đuổi các lợi ích quốc gia”. Ông Szijjarto tiết lộ thêm, Hungary đang đàm phán với các quốc gia khác, chẳng hạn như Bulgaria, Serbia, Azerbaijan và Slovakia với hy vọng tìm ra giải pháp đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Trong khi đó, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch xóa bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, nhưng các nước EU vẫn nằm trong số các quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ xứ sở bạch dương lớn nhất thế giới, với khối lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thu mua cao kỷ lục.