COP 16 với nỗ lực giải quyết những nhiệm vụ dang dở
Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP16) tại Colombia vừa qua phải khép lại trong tiếc nuối, dù đạt một số tiến triển. Được nối lại vào hôm nay (25/2) tại thủ đô Rome của Italia, các cuộc đàm phán tiếp tục giải quyết những nhiệm vụ còn dang dở trong nỗ lực ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu.

Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước LHQ về Đa dạng sinh học (COP16) được tổ chức tại thành phố Cali, Colombia ngày 21/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Được thông qua năm 2022, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF) đặt ra 23 mục tiêu cấp bách cần đạt được vào năm 2030, trong đó có việc khôi phục, bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất và biển của hành tinh, đồng thời ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động, thực vật.
Diễn ra tại thành phố Cali của Colombia hồi cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2024, COP16 là lần đầu các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD) họp mặt nhằm thúc đẩy tiến độ đạt được các mục tiêu của GBF.
Tại COP16, một loạt quyết định quan trọng được thông qua, nổi bật là các cam kết về quyền và sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học.
Cùng với đó, Quỹ Cali được thành lập nhằm chia sẻ công bằng những lợi ích thu được từ hệ thống Thông tin trình tự kỹ thuật số (DSI) - dữ liệu tài nguyên di truyền của các loài động vật, thực vật và vi khuẩn. Một thông điệp quan trọng nữa mà COP16 gửi đi là việc bảo vệ đa dạng sinh học không tách biệt với những nỗ lực ứng phó thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu.
Tại COP16, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết kể cả khi hội nghị đã kéo dài hơn kế hoạch, cho thấy các bên tham dự vẫn còn nhiều bất đồng. Một trong những trọng tâm của COP16 là “mở khóa tài chính” để tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, nỗ lực huy động nguồn lực lại bị cản bước bởi những quan điểm khác biệt giữa các thành viên CBD. Các nước đang phát triển cho rằng, khoản tài chính được cam kết cho Quỹ Khung đa dạng sinh học toàn cầu hay Quỹ Đa dạng sinh học Côn Minh là chưa đủ, trong khi còn rào cản trong việc tiếp cận và giải ngân.
Chia sẻ lo ngại về vấn đề này, Chủ tịch COP16, Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad đã đề xuất thành lập một quỹ mới, song lại bị bác bỏ. Các nước phát triển lập luận rằng, việc tạo ra quỹ mới chỉ khiến nỗ lực huy động tài chính thêm phân mảnh.
Những bất đồng nêu trên là vấn đề chính cần được giải quyết tại vòng đàm phán bổ sung ở Rome, với mục tiêu đạt được đồng thuận về chiến lược đến năm 2030 bảo đảm huy động được 200 tỷ USD/năm. Đây được xem là khoản đầu tư tối thiểu để có thể thay đổi quỹ đạo suy giảm đa dạng sinh học hiện nay.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ hoàn tất một khuôn khổ giám sát GBF cũng được đặt ra. Các cuộc thảo luận tại Rome cũng sẽ xem xét khả năng xây dựng một công cụ tài chính mới nhằm bảo đảm các nỗ lực huy động, giải ngân và cung cấp nguồn lực một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Khôi phục, bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi phải duy trì cân bằng giữa các chính sách về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là thách thức đè nặng lên nhiều quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển. Bối cảnh bất ổn này làm xói mòn thêm lòng tin giữa các bên tham gia CBD.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tình trạng phá rừng hay săn bắt động vật hoang dã quá mức vẫn đang tàn phá hành tinh, đẩy nhiều loài đến bên bờ vực tuyệt chủng. Khi “mẹ thiên nhiên” vẫn không ngừng kêu cứu, phiên họp tại Rome càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ là thu hẹp những bất đồng về tài chính, mà còn định hướng nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới “chung sống hài hòa với thiên nhiên”, như chính chủ đề của COP16.