Vì sao nông dân vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp?

Bảo hiểm nông nghiệp là 'phao cứu sinh' giúp hạn chế tổn thất cho nông dân, nhưng để trở thành công cụ tài chính giúp nông dân quản lý rủi ro thiên tai thì vẫn còn là chặng đường dài. Hiện nay việc triển khai loại bảo hiểm này vẫn dừng ở mức độ thí điểm.

Tàu và lồng bè nuôi thủy sản của người dân ở Quảng Ninh bị hư hại nặng sau khi bão số 3 (Yagi) đi qua. Nếu có gói bảo hiểm nông nghiệp thì chủ bè có thể được bồi thường để khôi phục lại hoạt động. Ảnh: TTXVN

Tàu và lồng bè nuôi thủy sản của người dân ở Quảng Ninh bị hư hại nặng sau khi bão số 3 (Yagi) đi qua. Nếu có gói bảo hiểm nông nghiệp thì chủ bè có thể được bồi thường để khôi phục lại hoạt động. Ảnh: TTXVN

Đã xong thí điểm nhưng chưa thể triển khai rộng

Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp Quốc (FAO), bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ tài chính giúp nông dân quản lý rủi ro liên quan đến việc canh tác. Những rủi ro này có thể bao gồm thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa đá, cũng như dịch bệnh và sâu bệnh có thể gây hại cho mùa màng hoặc vật nuôi. Bằng cách bảo hiểm mùa màng hoặc vật nuôi, nông dân có thể tự bảo vệ mình khỏi tổn thất tài chính trong trường hợp xảy ra những thảm họa từ thiên nhiên.

Thực tế, Việt Nam đã nhìn thấy điều này và đã cho thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Theo Cục quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011- 2013, bảo hiểm nông nghiệp được triển khai thí điểm đối với cây lúa, vật nuôi là trâu, bò và gia cầm, thủy sản là tôm và cá tra tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong ba năm thí điểm đã có gần 236.400 hộ nông dân, trong đó, có 76,5% hộ nghèo, gần 17% hệ cận nghèo, bảo hiểm vật nước có hơn 60.100 hộ, trong đó, hơn 84% là hộ nghèo, gần 10% là hộ cận nghèo, bảo hiểm thủy sản có gần 7.500 hộ, trong đó, hơn 27% là hộ nghèo, 4% là hộ cận nghèo, gần 69% là hộ thường.

Việt Nam đã thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, kết quả là bên bán bảo hiểm chi nhiều hơn thu. Nguồn: Cục quản lý giám sát bảo hiểm.

Như vậy, nhìn vào kết quả trên, chỉ có bảo hiểm về cây lúa, vật nuôi là mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng xét về tổng thể, bảo hiểm nông nghiệp vẫn chịu lỗ lớn do tổn thất nặng nề của bảo hiểm thủy sản.

Kết quả trên cho thấy, sau khi đánh giá thí điểm, dù được đánh giá là mang lại kết quả tích cực và đã giúp cơ quan quản lý thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng thí điểm xong thì vẫn chưa thể có đà cho phát triển tiếp tục.

Cả doanh nghiệp và nông dân đều chưa mặn mà?

Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo Minh) cho biết, thực ra, đối với thị trường bảo hiểm Việt nam, bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu là công cụ hỗ trợ cho người dân, rất ít hy vọng có lời, thậm chí là chấp nhận thua lỗ để quảng bá thương hiệu bảo hiểm cho doanh nghiệp mình.

“Cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, nhiều công ty bảo hiểm đã và đang bồi thường rất nhiều tiền và để bù đắp số tiền mà các công ty bảo hiểm đã chi trả thì cần nhiều năm nữa mới có thể thu hồi đủ từ các khoản phí bảo hiểm”, ông Ngọc Anh ví dụ minh họa cho câu chuyện bảo hiểm nông nghiệp sẽ rất khó để có lợi nhuận.

Theo ông Ngọc Anh, thực tế, khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp, các công ty bảo hiểm, bên cạnh việc mất khá nhiều thời gian để thuyết phục bà con nông dân và nhiều cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của nông dân. Chính những khó khăn này nên dù có những công ty bảo hiểm đưa ra các gói bảo hiểm nông nghiệp nhưng thực tế khó có thể được triển khai trên diện rộng.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Ngọc Anh cho biết, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn nêu trên là người dân chưa có thói quen, nhận thức và cả kiến thức về bảo hiểm. Họ mong muốn được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua bảo hiểm và muốn được bồi thường đầy đủ trong mọi trường hợp có sự cố tổn thất xảy ra (bảo vệ cho mọi rủi ro).

Còn trong thực tế, để bảo đảm an toàn và tùy theo khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam phải thu xếp tái bảo hiểm với các nhà bảo hiểm quốc tế. Khi tái bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải tuân thủ theo các nguyên lý và thông lệ bảo hiểm quốc tế, trong đó có áp dụng các điểm loại trừ và các mức khấu trừ cơ bản.

Vì vậy, nhiều trường hợp xảy ra sự cố tổn thất, khách hàng có thể không được bồi thường hoặc chỉ được bồi thường một phần nhất định theo điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, có không ít trường hợp người nông dân tham gia bảo hiểm hiểu lầm rằng, đã mua bảo hiểm thì phải được đền bù toàn bộ thiệt hại.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn về trồng trọt, chăn nuôi ở một số nơi có thể chưa được người dân tuân thủ đầy đủ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến phía doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải từ chối hoặc phải áp dụng mức phí bảo hiểm cao hơn mức bình quân và điều này dẫn đến việc người nông dân không muốn tham gia bảo hiểm.

“Nhìn vào kết quả của lần thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thì gói bảo hiểm cho cây lúa, vật nuôi, doanh nghiệp bảo hiểm đang có lời, tuy nhiên, khoản lời này không đủ bù đắp cho thua lỗ quá lớn ở gói bảo hiểm thủy sản. Ở một nước thường xuyên có thiên tai như Việt Nam thì không thể nhìn vào kết quả ngắn hạn mà nhìn vào tương lai xa hơn thì chưa thể nói là có lời được” ông Ngọc Anh nói với KTSG Online.

Bảo hiểm nông nghiệp có tiềm năng tạo ra nhiều lợi ích cho những người nông dân nghèo quy mô nhỏ và các tác nhân khác dễ bị tổn thương trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Một chương trình bảo hiểm nông nghiệp có thể cung cấp cho các hộ gia đình nông dân thu nhập thấp một lớp bảo vệ thiết yếu và kịp thời chống lại các mối nguy hiểm tự nhiên như thiên tai và dịch bệnh, theo nghiên cứu Bảo vệ sinh kế – Liên kết bảo hiểm nông nghiệp và bảo vệ xã hội của FAO.

Hiện An Giang là một trong những tỉnh có những bước đi liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp. Tỉnh này đã có quyết định số 1396/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 - 2025.

Tuy nhiên, khi đánh giá bảo hiểm nông nghiệp, phía An Giang cũng cho rằng, nhận thức của người dân về bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến bảo hiểm nông nghiệp.

Về phía mình, ông Ngọc Anh cũng đồng tình với nhận định này khi cho rằng, không ít trường hợp người dân chưa nhiệt tình khi mua các gói bảo hiểm, họ cũng có tâm lý chờ được hỗ trợ thì mới mua và cho rặng nếu có bị thiệt hại do bão, lũ thì Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ sau đó.

Theo ông Ngọc Anh, động lực thúc đẩy các doanh nghiệp như Bảo Việt, Bảo Minh, ABIC, … tham gia vào thị trường bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu đến từ yếu tố quản bá thương hiệu và trách nhiệm cộng đồng hơn là mục tiêu lợi nhuận thuần túy.

Thực tế hiện nay cho thấy cần có thêm chính sách điều chỉnh từ phía nhà nước lẫn doanh nghiệp để khuyến khích người nông dân tham gia một cách thực chất. Chỉ như vậy thì bảo hiểm nông nghiệp mới phát triển được thành thị trường đúng nghĩa thay vì chỉ ở mức độ thí điểm hay trách nhiệm xã hội như trong các năm vừa qua.

Ngọc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-nong-dan-van-chua-man-ma-voi-bao-hiem-nong-nghiep/
Zalo