Công nhân TP.HCM đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh
Công nhân TP.HCM mong sớm có nhà ở xã hội nhằm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống lâu dài và gắn bó với TP, đồng thời đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh vì chi phí sống đắt đỏ.
Đó là những đề xuất tại chương trình “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ đảng viên công nhân - cán bộ công đoàn tiêu biểu" hôm nay 18/2.
Đơn giản hóa thủ tục mua nhà ở xã hội
Theo ông Giáp Đức Hiếu - Chủ tịch công đoàn cơ sở Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 5, các dự án nhà ở xã hội đang được triển khai nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của công nhân, người thu nhập thấp.

Ông Củ Phát Nghiệp nêu ý kiến mong muốn sớm có nhà ở xã hội và thủ tục đơn giản hóa dễ tiếp cận (Ảnh Kim Dung)
Với mức giá thấp hơn nhà ở thương mại cùng chính sách vay ưu đãi lãi suất 4-5%, đây là cơ hội giúp người lao động sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, thông tin về các dự án này chưa được phổ biến rộng rãi, khiến công nhân khó tiếp cận. Do vậy cần có cơ chế minh bạch và dễ dàng hơn để người lao động nắm rõ thông tin dự án, vốn vay, điều kiện mua nhà.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Châu Giang - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Long Hải (quận Phú Nhuận) cho hay, Luật Nhà ở 2023 mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, giúp công nhân dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên trên thực tế, thủ tục vẫn còn khá phức tạp.
Người lao động phải chứng minh nhiều điều kiện như: chưa sở hữu nhà, chưa từng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, diện tích nhà ở hiện tại dưới mức tối thiểu theo quy định... Vì vậy, nên đơn giản hóa quy trình, thủ tục để công nhân dễ dàng tiếp cận chính sách này.
Chia sẻ góc nhìn từ thực tế đời sống công nhân nhập cư, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho rằng, người lao động ở ngoài tỉnh vào TP.HCM làm việc phải thuê trọ, nếu cùng gia đình vào thì chịu áp lực lớn về chi phí cuộc sống. Còn nếu chỉ vợ hoặc chồng vào thì sẽ không bám trụ lâu ở thành phố.

Công nhân mong muốn được ổn định nhà ở, an cư lạc nghiệp (Ảnh minh họa)
Nếu có chính sách nhà ở xã hội phù hợp, họ sẽ đưa cả gia đình vào thành phố sinh sống, làm việc lâu dài: “Công nhân rất mong làm sao TP có nhà ở xã hội sớm nhất, để công nhân, đoàn viên gắn bó lâu dài bền vững. Họ sẽ đưa gia đình, vợ con vào đây lập nghiệp, an cư sinh sống. Mua được nhà ở xã hội rồi thì họ làm việc vài chục năm, đầu tư giáo dục cho con cái, hưởng thụ các chính sách tốt nhất ở TP.HCM”, ông Củ Phát Nghiệp nói.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh
Ông Trần Anh Kiệt - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Kanade Via Việt Nam đề xuất, TP.HCM nên có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.
Theo ông Kiệt, thành phố cần xem xét giảm thuế và gia hạn nợ thuế để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cần được cải tiến nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch công đoàn Công ty may Song Ngọc đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh
Ngoài ra, ông Kiệt đề nghị thành phố tăng cường tổ chức các ngày hội kết nối giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ để tạo ra chuỗi giá trị, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Các chính sách hỗ trợ cần thực hiện một cách minh bạch, hiệu quả để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Còn theo ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH May Song Ngọc (quận Bình Tân), trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội.
Do đó, công đoàn cơ sở cần đổi mới hoạt động, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để giám sát việc thực hiện trách nhiệm xã hội, tránh tranh chấp lao động phát sinh.
Bên cạnh đó, ông Sơn nhận định: nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, đặc biệt trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đang gặp khó khăn trong tuyển dụng. Nguyên nhân là do các tỉnh đã phát triển khu công nghiệp, khiến lao động có xu hướng làm việc gần nhà thay vì lên thành phố.

Ông Nguyễn Phước Lộc tặng quà đầu năm mới cho các chủ tịch công đoàn tiêu biểu
Để hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động, ông Sơn đề xuất TP.HCM có chính sách điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, phù hợp với mức chi phí sinh hoạt cao tại thành phố.
“Lương vùng 1 của mình đã cao hơn các vùng khác rồi, mà cứ đánh đồng thuế thu nhập cá nhân như nơi khác thì cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí cho người lao động. Thu nhập của họ có thể có được 12 triệu đồng, thậm chí có những người 17-18 triệu cũng có nhưng phải nuôi 2 đứa con học hành, rồi tiền thuê nhà cửa thì thực sự mức thu nhập đó ở TP.HCM rất thấp”, ông Sơn đề xuất.
Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, TP đóng vai trò quan trọng, là đầu tàu kinh tế của cả nước, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lớn vào năm 2045.
Do vậy, Liên đoàn Lao động TP.HCM cần nghiên cứu, đề xuất chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động công đoàn phù hợp với đặc điểm thực tiễn phát triển sản xuất của từng ngành, lĩnh vực, đơn vị, doanh nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, đặc biệt là các đối tượng dễ bị rủi ro.