Công nhận di sản tư liệu thế giới với bản đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Huế

Những bản đúc nổi trên bảo vật quốc gia Cửu đỉnh ở Thế Tổ Miếu (Cố đô Huế) vừa được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (viết tắt là MOWCAP), thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), công nhận di sản tư liệu thế giới.

Cụ thể, ngày 8/5, Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thông qua hồ sơ “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” (Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế).

Sự kiện được tổ chức tại Thủ đô Ulanbaatar của Mông Cổ, với sự góp mặt của các đại biểu đến từ 23 quốc gia thành viên.

 Cửu đỉnh được trưng bày trong sân Thế Tổ Miếu. Ảnh: Võ Thạnh

Cửu đỉnh được trưng bày trong sân Thế Tổ Miếu. Ảnh: Võ Thạnh

Theo chương trình nghị sự, ngoài việc rà soát công tác và xây dựng kế hoạch của Chương trình MOWCAP trong thời gian tới, Hội nghị đã xem xét 20 hồ sơ của 10 quốc gia, gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Philippine, Malaysia, Bangladesh, Uzbekistan, Mông Cổ.

Việt Nam trình 1 hồ sơ “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” và được thông qua vào đầu giờ chiều ngày 8/5. Nhờ đó, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và Thừa Thiên Huế có di sản thế giới thứ 6.

 Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế chính thức trở thành Di sản tư liệu từ ngày 8.5.2024 - Ảnh: Báo Văn hóa

Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế chính thức trở thành Di sản tư liệu từ ngày 8.5.2024 - Ảnh: Báo Văn hóa

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng.

Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu UNESCO sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương. Cục trưởng cũng chia sẻ đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ VHTTDL kiến nghị di sản tư liệu trở thành một chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

 Cao đỉnh - một trong chín đỉnh đồng đặt ở khuôn viên Thế Miếu, Đại Nội Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Cao đỉnh - một trong chín đỉnh đồng đặt ở khuôn viên Thế Miếu, Đại Nội Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng lớn được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835, với hơn 20.000 kg đồng, chì, kẽm và hoàn thành năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời đến nay.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có hình dáng giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Mỗi chiếc đỉnh cao 2,3-2,5 m, thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 đến hơn 4.300 kg. Trên thân đỉnh có các dòng ghi chú bằng chữ Hán về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh, kèm hình tượng chạm nổi núi sông, văn vật nước Đại Nam thế kỷ 19.

 Hình ảnh rồng được chạm khắc trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Hình ảnh rồng được chạm khắc trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Đồng thời, trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia.

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp.

 Du khách quốc tế tham quan tìm hiểu về Cửu đỉnh ở khu di sản Hoàng cung Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Du khách quốc tế tham quan tìm hiểu về Cửu đỉnh ở khu di sản Hoàng cung Huế - Ảnh: Báo Văn hóa

Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, sau gần 200 năm dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn vẹn nguyên. Bảo vật hiếm hoi còn lại, tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á Đông.

Trước đó, từ năm 2012, Cửu đỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Vân Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-nhan-di-san-tu-lieu-the-gioi-voi-ban-duc-noi-tren-cuu-dinh-o-hue-post294655.html
Zalo