Công nghiệp tăng tốc, bứt phá

Với sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng, vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, 4 tháng năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn tăng 13,36%, cao hơn mức tăng 9,13% cùng kỳ năm 2024. Đây là nền tảng để Vĩnh Phúc vươn mình, bứt phá trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong kỷ nguyên mới.

Năm 2025, Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, lạm phát kéo dài, chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị leo thang, tình hình trong nước, trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát chỉ đạo của Trung ương, đồng thời linh hoạt điều hành các chương trình, kế hoạch trọng tâm của địa phương.

Trong đó, tập trung vào hai nhóm giải pháp chính là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chuyển nhận thức và hành động từ “quản lý doanh nghiệp” sang “hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp”.

Để tăng cường vai trò lãnh đạo của tỉnh, các cấp chính quyền địa phương và phát huy hơn nữa hơn nữa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp (KCN) theo hướng bền vững và đổi mới mô hình phát triển, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1739 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển khu công nghiệp, Chương trình hành động số 07 về “Phát triển bền vững khu công nghiệp Vĩnh Phúc”.

Công ty TNHH công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) linh hoạt thích ứng trong kinh doanh, tăng cường liên kết với các đối tác hàng đầu ngành công nghiệp chế tạo đảm bảo các kế hoạch tăng trưởng. Ảnh: Đức Chung

Công ty TNHH công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) linh hoạt thích ứng trong kinh doanh, tăng cường liên kết với các đối tác hàng đầu ngành công nghiệp chế tạo đảm bảo các kế hoạch tăng trưởng. Ảnh: Đức Chung

Nhờ đó, 4 tháng đầu năm 2025, các KCN trên địa bàn thu hút được 17 dự án mới, trong đó có 10 dự án FDI mới, 16 lượt dự án FDI điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt 162,22 triệu USD và 7 dự án DDI mới, 3 dự án DDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt hơn 1.287 tỷ đồng.

Số lượng dự án mới và mở rộng sản xuất tăng cao đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hỗ trợ cho ngành sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy..., góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Cụ thể, quý I/2025, doanh thu các dự án FDI trong khu công nghiệp đạt gần 3.299 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt gần 2.839 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.104 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Doanh thu các dự án DDI trong KCN đạt gần 3.985 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; nộp ngân sách 237 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ.

Những con số trên đã khẳng định rõ hơn khi sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực dù chịu tác động từ chính sách thương mại quốc tế.

4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 13,36%, cao hơn mức tăng 9,13% cùng kỳ năm 2024. Đáng mừng, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực như ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất da và các sản phẩm liên quan... tăng mạnh nhờ sự linh hoạt, đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp và nhiều dự án mới đi vào hoạt động, các đơn hàng xuất khẩu được duy trì và cải tiến công nghệ.

Hiện, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 23.251 tỷ đồng.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đến năm 2030, tỉnh được quy hoạch, phát triển mới 24 KCN; đến năm 2050 là 29 KCN. Trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Phát huy lợi thế trên, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, tỉnh tiếp tục ưu tiên thu hút các dự án đầu tư theo hướng hiện đại, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, có mức vốn đầu tư và giá trị gia tăng lớn.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thông qua việc hướng dẫn, giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp.

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan, đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai phần hạ tầng khu công nghiệp còn lại, đồng thời giải quyết các vấn đề vướng mắc còn tồn tại đối với từng khu công nghiệp nhằm tạo quỹ đất công nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phục vụ cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các cơ chế, chính sách, quy hoạch KCN, danh mục nghành nghề lĩnh vực thu hút đầu tư.

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128283//cong-nghiep-tang-toc-but-pha
Zalo