Dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam
Việc HĐND giám sát, chất vấn chánh án và viện trưởng cấp tỉnh, khu vực là cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp.
Lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và quyết định thay đổi mô hình, chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp
Sáng 14-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Cần giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND
Trước khi các đại biểu (ĐB) thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 6-5. Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
Tại dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, quyền chất vấn của ĐB HĐND với chánh án TAND, viện trưởng VKSND được đề xuất bãi bỏ. Đây là nội dung được nhiều ĐB phát biểu thảo luận trước nghị trường và bày tỏ quan điểm không đồng tình.
Ban soạn thảo đã giải trình lý do bỏ quyền chất vấn nêu trên. Theo đó, sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sẽ không tổ chức TAND và VKSND huyện mà thay thế bằng các tòa án và viện kiểm sát khu vực. Các cơ quan này không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Phát biểu thảo luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh không đồng tình với lý do này. Theo bà, trong đợt cải cách cơ cấu sắp tới, VKSND và TAND cấp huyện sẽ bị xóa bỏ nhưng hai cơ quan này vẫn được giữ ở cấp tỉnh. Do đó, việc này khó thuyết phục các ĐB HĐND và cử tri.
Vị ĐB đoàn Đà Nẵng cho rằng dù TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, các cơ quan này vẫn truy tố và xét xử công dân thuộc những địa phương cụ thể - nơi các ĐB HĐND đại diện. "Không lẽ VKSND và TAND khu vực là những cơ quan ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của HĐND?" - ĐB Thúy nói và bày tỏ lo ngại nếu người dân bị oan sai, họ sẽ biết nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu không có quyền chất vấn, ĐB HĐND khó có thể yêu cầu chánh án, viện trưởng ra trước kỳ họp để trả lời từng vấn đề, đối thoại công khai với ĐB, cử tri. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị giữ quyền chất vấn của ĐB HĐND đối với chánh án và viện trưởng.
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) đồng tình giữ quyền chất vấn của HĐND đối với TAND và VKSND, như quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhận định dù bỏ quyền chất vấn có thể mang lại một số lợi ích nhưng đây là công cụ giám sát quan trọng, bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp. Ông nhấn mạnh chất vấn không can thiệp vào xét xử hay truy tố, mà tập trung vào quản lý và tuân thủ pháp luật. Do đó, việc HĐND giám sát, chất vấn chánh án và viện trưởng cấp tỉnh, khu vực là cần thiết, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp.
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, ĐB Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) thống nhất hoàn toàn việc sửa đổi khoản 2 điều 9 khi quy định: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Đồng thời, ĐB cũng tán thành việc sửa đổi quyền đề nghị lập pháp của các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương tại khoản 1 điều 84, theo đó sáng kiến lập pháp này tập trung ở MTTQ Việt Nam chứ không còn ở các chủ thể là các tổ chức chính trị - xã hội như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013Ảnh: MINH CHIẾN
Hạn chế "cầm tay chỉ việc"
Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ĐB Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) đề nghị cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Điều 11 dự thảo luật quy định theo hướng các vấn đề liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở trở lên thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, còn từ 2 tỉnh trở lên do trung ương giải quyết. Tuy nhiên, ông cho rằng quy định này gây phức tạp, tốn thời gian và nguồn lực. Ông lo ngại quy định này khiến chính quyền cấp xã, cấp tỉnh đùn đẩy trách nhiệm lên trên, không phát huy tính chủ động, đi ngược mục tiêu xây dựng chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân. Vì vậy, vị ĐB đề xuất theo phương châm "địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm".
Cũng liên quan đến các quy định về phân cấp, phân quyền, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP HCM) cho biết dự thảo luật còn thiếu quy định về trường hợp chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND, như quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Do đó, cần bổ sung quy định này để bảo đảm tính đầy đủ. Về chính sách đặc thù, đặc biệt của địa phương, dự thảo luật quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt chưa được quy định trong pháp luật, sau khi báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Đồng thời, dự thảo cũng quy định HĐND cấp tỉnh được quyết định chính sách trọng dụng nhân tài, chính sách thu hút, khuyến khích. ĐB đề nghị cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hai loại chính sách này để thống nhất trong việc áp dụng.
Dự thảo luật cũng cho phép UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cấp xã trong "trường hợp cần thiết". ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần quy định rõ các điều kiện và trường hợp cụ thể trong luật và chỉ nên cho phép cấp tỉnh can thiệp vào những quyết định quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quyền lợi người dân. "Ngoài những trường hợp này, chính quyền cấp tỉnh cần hạn chế can thiệp vào hoạt động điều hành của cấp xã. Cầm tay chỉ việc cũng chỉ nên áp dụng ở giai đoạn đầu sáp nhập, thay vào đó tăng cường nguồn lực cho cấp xã để thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu mới" - ông An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đồng tình về quy định chính quyền địa phương 2 cấpẢnh: VĂN DUẨN
Thống nhất khung tiêu chí xác định người có tài
Chiều cùng ngày, QH thảo luận về Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). ĐB Đặng Thị Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhìn nhận quy định của dự thảo đã bám sát chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, liên thông trong công tác cán bộ, tạo cơ chế thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (điều 5) quy định Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, ĐB cho rằng để quá trình thực hiện được thuận tiện, thống nhất đề nghị quy định khung tiêu chí xác định người có tài năng trong luật, tạo điều kiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Theo ĐB Ngọc, thực tế thời gian qua, dù đã có quy định nhưng thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những tỉnh miền núi, vùng cao, điều kiện ngân sách còn hạn chế, do đó các chính sách đưa ra thu hút chưa thực sự có tính chất đột phá, rất khó thu hút được người có tài, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. "Nhiều trường hợp tuyển dụng được người có tài vào làm việc nhưng chỉ giữ được trong thời gian ngắn, không giữ chân được ở lại lâu dài phục vụ cho tỉnh" - bà Ngọc nói.
Còn ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhất trí cao việc nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài. Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, cần nhìn nhận tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù. Không thể phát hiện người tài chỉ bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Theo ĐB Nga, người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương, điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng. "Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng" - ĐB Nga cho hay.
Góp ý về quy định tuyển dụng công chức, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định tư duy không còn biên chế suốt đời là điểm rất mới. Điều này đã nói nhiều lần nhưng chưa thực hiện được. Theo ông Hòa, không thể chấp nhận được việc cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", làm việc cầm chừng mà vẫn được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc. Do đó, tới đây khi tuyển công chức, viên chức phải theo dạng hợp đồng, đánh giá theo KPI để hạn chế việc không đạt chất lượng nhưng "vẫn được làm việc mãi mãi, được nâng lương".
Về vị trí việc làm, ông Hòa ủng hộ quy định theo dự luật và góp ý thêm nên ưu tiên thi tuyển theo vị trí việc làm thay vì xét tuyển bởi xét tuyển thì có thể dẫn tới tình trạng nể nang. Đối với đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, ĐB Hòa tâm đắc với ý kiến Bộ trưởng Bộ Nội vụ đó là sẽ đánh giá dựa trên vị trí việc làm, chỉ số hiệu quả công việc theo KPI, lượng hóa, thay cho đánh giá chung chung, cả nể.
Hôm nay, 15-5, QH nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Đề xuất thêm mã QR trên giấy tờ
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị sau khi tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính, trên giấy tờ mới của người dân, doanh nghiệp, nên ghi cả địa chỉ mới sau sáp nhập và địa chỉ cũ ngay trước khi sáp nhập địa giới hành chính hoặc có thêm mã QR để khi quét vào đó có địa chỉ mới và địa chỉ cũ như Bộ Công an đã làm với căn cước công dân trước đây.
Tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị
Phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được ĐB nêu đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là một dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam, vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước, trên cơ sở chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội xem xét và quyết định thay đổi mô hình, chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. "Một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện, mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Tổng Bí thư Tô Lâm và của QH, Chính phủ, để đất nước đủ điều kiện vững bước vào kỷ nguyên mới" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Theo Bộ trưởng, phiên thảo luận này cũng coi như "một dấu ấn mang tính lịch sử", có tính đột phá từ tư duy quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo và phục vụ; từ phân công hành chính sang phân cấp, phân quyền, trao quyền một cách rất rõ ràng, thực chất. "Từ bộ máy hành chính của chính quyền địa phương cồng kềnh, tầng nấc sang hệ thống hành chính địa phương tinh gọn, với một mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn" - bà Phạm Thị Thanh Trà nói.