Công nghệ in 3D 'hồi sinh' xương gãy cho người đàn ông 95 kg

Gãy xương chậu là một chấn thương nghiêm trọng, đặc biệt ở người béo phì, khi cấu trúc giải phẫu phức tạp gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 Ê-kíp phẫu thuật uốn nẹp vị trí gãy xương cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Ê-kíp phẫu thuật uốn nẹp vị trí gãy xương cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Anh N.M.T. (33 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định với chẩn đoán gãy trật khớp háng bên phải sau va chạm với xe tải.

Điều gây khó khăn là người bệnh cao 1m69 nhưng nặng tới 95 kg, có BMI = 33,26, thuộc nhóm béo phì. Thời điểm nhập viện, anh T. đau đớn dữ dội, chân phải biến dạng.

Ê-kíp bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình gồm bác sĩ chuyên khoa II Lâm Đạo Giang, ThS.BS Phan Tiến Bảo Anh, ThS.BS Phạm Quốc Quan Sang và sự hỗ trợ của PGS.TS Đỗ Phước Hùng đã nắn trật và thực hiện thủ thuật để bất động khớp háng.

Sau đó, người bệnh được chụp CT scan để khảo sát khung chậu, từ đó xây dựng kế hoạch phẫu thuật hỗ trợ bởi công nghệ in 3D. Kết quả phẫu thuật thành công, người bệnh giảm đáng kể lượng máu mất, giảm đau sau mổ và xuất viện sớm. Hiện, bệnh nhân phục hồi tốt và dần quay lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

 Công nghệ in 3D mô phỏng hình dạng vị trí gãy xương của bệnh nhân béo phì. Ảnh: BVCC.

Công nghệ in 3D mô phỏng hình dạng vị trí gãy xương của bệnh nhân béo phì. Ảnh: BVCC.

Theo PGS.TS Đỗ Phước Hùng, thách thức trong điều trị chấn thương chỉnh hình ở người bệnh béo phì là nguy cơ gặp biến chứng cao và thời gian nằm viện kéo dài, bất kể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật hay không.

Về cơ bản, người béo phì sẽ có lớp mỡ dày, khi phẫu thuật sẽ gây khó khăn để nhìn rõ khu vực cần mổ, cản trở nắn xương, khiến cuộc phẫu thuật kéo dài, dẫn đến gia tăng nguy cơ nhiễm trùng và mất máu kèm theo. Ngoài ra, họ có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng do bất động lâu như viêm phổi, loét tì đè và quá trình tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau phẫu thuật cần nhiều thời gian hơn.

"Bệnh lý béo phì làm gia tăng gấp 2,1 lần nguy cơ mất lượng máu trên 750 ml, 2,6 lần nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và gấp 5 lần nguy cơ mắc phải nhiễm trùng vết thương trên bệnh nhân có kèm gãy xương chậu, ổ cối", bác sĩ Hùng nói.

Tuy nhiên, nhờ công nghệ in 3D, các bác sĩ có thể tạo ra mô hình xương gãy trước phẫu thuật, giúp việc uốn nẹp trong không gian rộng rãi trở nên dễ dàng hơn. Với mô hình in 3D, các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí nẹp vít cần thiết, rút ngắn thời gian uốn nẹp và đảm bảo phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn. Công nghệ này có thể giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Đặc biệt, với những bệnh nhân béo phì gãy xương phức tạp, kỹ thuật in 3D hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn, cho phép người bệnh xuất viện sớm, có thể tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng ngay sau phẫu thuật.

Ngoài ra, ứng dụng in 3D trong điều trị giúp người bệnh tiết kiệm chi phí và thời gian. Công nghệ này mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm y tế mới, giúp chữa trị những bệnh lý phức tạp mà trước đây bác sĩ không thể tiếp cận.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-nghe-in-3d-hoi-sinh-xuong-gay-cho-nguoi-dan-ong-95-kg-post1532158.html
Zalo