Cộng đồng Phật giáo thế giới ra Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh
Tuyên bố Vesak Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành kim chỉ nam đạo đức, khuôn khổ chiến lược và lời kêu gọi khẩn thiết hướng đến thế giới công bằng hơn, hòa bình hơn và bền vững hơn. Tuyên bố đề cao trách nhiệm chung vì sự phát triển con người, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết xây dựng nền kinh tế công bằng, dựa trên nhu cầu thực tiễn, được xây dựng theo nguyên lý Phật giáo về tri túc, phân phối tài sản có đạo đức và trách nhiệm…

Các Chư Tăng thế giới tham dự Vesak 2025.
Ngày 8/5/2025, tại phiên bế mạc Vesak Liên hợp quốc 2025, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ, đọc toàn văn Tuyên bố chung Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, bản tiếng Anh do Hòa thượng TS.Tampalawela Dhammaratana, Phó Chủ tịch Liên minh Phật giáo quốc tế (ICDV), công bố.
Tuyên bố được đồng ký bởi Hòa thượng GS.TS. Brahmapundit, Chủ tịch Liên minh Phật giáo quốc tế (ICDV), Chủ tịch Hiệp hội các Đại học Phật giáo quốc tế (IABU) và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giao hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
Theo đó, toàn thể những đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, đại diện cho các truyền thống Phật giáo, các nhà lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo; các học giả, nhà nghiên cứu, và các đại biểu của các tổ chức vì hòa bình đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tập trung tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng đóng góp ý kiến, cùng thống nhất sách lược hành động.
“Chúng tôi cùng nhau chúc mừng Nhân dân Việt Nam khi chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước Việt Nam, đặc biệt là chứng kiến những thành tựu to lớn trên mọi mặt đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… của Việt Nam, trong đó nổi bật là Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới”, Tuyên bố khẳng định.
Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam cho thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng, và tự do tại Việt Nam. Chúng tôi thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.
Sau khi cùng nhau thảo luận trong tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa hợp tại các phiên hội thảo, các đại biểu tham dự đã nhất trí thông qua và công bố Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người, bao gồm 7 điều.
Điều 1, Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm. Cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới cam kết thúc đẩy sự đoàn kết, bao dung vì nhân phẩm con người; lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hồi đáp của Phật giáo trước những thách thức toàn cầu, và những vấn đề cấp bách hiện nay về bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và chia rẽ chính trị đang làm suy yếu hòa bình và hợp tác.

Thượng tọa Thích Đức Thiện: "Chúng tôi chủ trương lồng ghép sự thực hành quán niệm Phật giáo vào các chương trình hòa giải, ngoại giaovà tái thiết sau xung đột".
“Chúng tôi khẳng định rằng nhân phẩm gắn liền với hòa bình, công lý, bất bạo động và bình đẳng, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tôn trọng những nguyên tắc này phù hợp với Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Chúng tôi chủ trương tích hợp các giá trị đạo đức Phật giáo vào quá trình hoạch định chính sách và quản trị, bảo đảm rằng từ bi, trí tuệ và đạo đức Phật giáo trong lãnh đạo định hướng các quyết sách ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế”, Tuyên bố nêu rõ.
Điều 2, Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới. Cộng đồng Phật giáo thế giới khẳng định rằng bình an nội tâm là điều kiện nền tảng tiên quyết để đạt được hòa bình thế giới, đòi hỏi sự cam kết phổ quát đối với chánh niệm, giới hạnh và trí tuệ nhằm xây dựng sự hài hòa bền vững trong mỗi cá nhân và toàn xã hội.
“Chúng tôi chủ trương lồng ghép sự thực hành quán niệm Phật giáo vào các chương trình hòa giải, ngoại giao và tái thiết sau xung đột, nhằm phát huy khả năng phục hồi cảm xúc, giao tiếp bất bạo động và chữa lành tập thể. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các tổ chức toàn cầu áp dụng chương trình đào tạo chánh niệm và đạo đức lãnh đạo theo tinh thần Phật giáo, nhằm giúp quản trị cảm xúc sâu sắc hơn, đạo đức minh triết hơn và kỹ năng quản trị từ bi hơn. Chúng tôi ủng hộ việc thành lập các Trung tâm Phật giáo vì Hòa bình, chuyên đào tạo các nhà lãnh đạo cộng đồng về quản trị theo tinh thần Phật giáo, đạo đức và các phương pháp giải quyết xung đột theo triết lý Phật giáo”.
Trích Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh
Điều 3, Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải. Cộng đồng Phật giáo thế giới kêu gọi khuyến khích áp dụng các nguyên lý Phật giáo về từ bi, hành xả và chánh ngữ được lồng ghép vào việc giải quyết xung đột, nhằm thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và ngoại giao đạo đức. Phật giáo đang vận động cho việc triển khai các sáng kiến chữa lành dựa trên liệu pháp tâm lý Phật giáo, kết hợp thực hành thiền định và các phương pháp can thiệp dựa trên chánh niệm nhằm hỗ trợ các cộng đồng hậu xung đột vượt qua sang chấn tâm lý, mất mát và sự chia rẽ xã hội.
Điều 4, Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người. Phật giáo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết xây dựng nền kinh tế công bằng, dựa trên nhu cầu thực tiễn, được xây dựng theo nguyên lý Phật giáo về tri túc, phân phối tài sản có đạo đức và trách nhiệm luân lý trong việc đặt nhân phẩm con người lên trên lợi nhuận thuần túy.
“Chúng tôi kêu gọi các chính phủ thực hiện các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và phát triển bền vững dựa trên đạo đức sinh thái Phật giáo, đảm bảo rằng các chính sách kinh tế tái tạo luôn phù hợp với sự cân bằng sinh thái, công bằng giữa các thế hệ và ổn định xã hội lâu dài. Chúng tôi khuyến khích hình thái doanh nghiệp xã hội do Phật giáo dẫn dắt, thúc đẩy thực hành lao động có đạo đức, mô hình thương mại công bằng và nền kinh tế từ bi, nhằm nâng cao quyền lợi của các cộng đồng yếu thế và tăng cường an ninh con người”, Tuyên bố nêu rõ.
Điều 5, Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững. Cộng đồng Phật giáo thế giới thúc giục các cơ sở giáo dục áp dụng mô hình học tập dựa trên lòng từ bi, nhấn mạnh lý luận đạo đức, giao tiếp bất bạo động và phương pháp giảng dạy quán chiếu như những công cụ thiết yếu để xây dựng xã hội hài hòa và đạo đức hơn. Đồng thời, tôi kêu gọi áp dụng các can thiệp dựa trên chánh niệm vào hệ thống giáo dục, nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, những tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức và áp lực gia tăng từ xã hội hiện đại và công nghệ.
Điều 6, Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu. Cộng đồng Phật giáo thế giới khẳng định rằng các giá trị Phật giáo về bất bạo động và trách nhiệm tập thể nên định hình chính sách khí hậu và chiến lược ứng phó thảm họa, đảm bảo rằng việc bảo tồn hệ sinh thái vẫn là trụ cột nền tảng của quản trị toàn cầu.
Điều 7, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vui mừng thông báo về việc phê chuẩn và ủng hộ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 21 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2026.
Chúng tôi trân trọng kính mời chư vị lãnh đạo Phật giáo, học giả và những người yêu chuộng hòa bình cùng tham dự sự kiện trọng đại này tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.