Cộng đồng doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế

Sáng ngày 10/2/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, bàn về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo đề dẫn, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các định hướng và giải pháp lớn trong giai đoạn tới.

Đóng góp quan trọng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã xây dựng được một cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt mức cao kỷ lục, với hơn 233.000 doanh nghiệp - con số cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra khu vực và thế giới, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lực lượng doanh nghiệp hiện đóng góp khoảng 60% GDP, chiếm 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật: tăng trưởng GDP 7,09%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới; quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 toàn cầu; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế thương mại lớn nhất thế giới. Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7%... Những kết quả tích cực này có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2024 đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách đột phá. Điển hình như việc sửa đổi 4 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu và 9 luật trong lĩnh vực tài chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh” cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng đã thành lập các Ban chỉ đạo, tổ công tác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tiếp tục chính sách giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và kích thích tiêu dùng... Toàn bộ 111 quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và ngành đã được xây dựng, phê duyệt. Đây là cơ sở rất quan trọng giúp doanh nghiệp xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp… Những chính sách này thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giúp cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp vẫn có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn thấp. Tư duy kinh doanh vẫn mang tính ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược. Dù đã có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như mong đợi. Đặc biệt, vẫn thiếu các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao và có tính dẫn dắt. Ngoài ra, một số ngành vẫn gặp khó khăn, sức mua thị trường phục hồi chậm, các dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm do vướng mắc pháp lý. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển doanh nghiệp.

Gợi mở các giải pháp

Bước vào năm 2025 - năm có ý nghĩa quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để tiến tới tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu này, khu vực kinh tế tư nhân cần tăng trưởng khoảng 11%/năm. Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Mục tiêu, yêu cầu phát triển đặt ra trong thời gian tới cần sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở một số định hướng và giải pháp như sau:

Thứ nhất, thống nhất cao nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Ngay trong năm 2025, phải thực sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, BOT, BT, giao thông, năng lượng tái tạo… Trước mắt, tập trung cho các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương lớn để giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp, nền kinh tế ngay trong năm 2025. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả.

Thứ ba, khơi thông mọi nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; xây dựng và triển khai ngay các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực, quốc tế để hình thành các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do; đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân, chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 57-NQ/TW, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn để dẫn dắt chuỗi giá trị trong nước và mở rộng tham gia thị trường quốc tế; phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; có chính sách đủ mạnh để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; thu hút FDI có chọn lọc, gắn kết với việc phát triển doanh nghiệp trong nước.

Thứ sáu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất những mặt hàng trong nước có thế mạnh, có khả năng duy trì và chiếm lĩnh dần thị trường trong nước; tập trung triển khai thực chất cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, kích hoạt các xu hướng tiêu dùng bền vững, tiêu dùng những mặt hàng mang giá trị nội địa cao.

Với cộng đồng doanh nghiệp, cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.

Các doanh nghiệp lớn cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, chủ động nhận nhiệm vụ giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế; phát huy vai trò “doanh nghiệp dẫn đầu”, chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, cần phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Tăng cường tham gia đối thoại, kịp thời theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hiệp hội, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp thành viên, nhất là trong các vụ kiện thương mại, phá giá; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh.

Lê Đỗ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cong-dong-doanh-nghiep-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-160330.html
Zalo