Công bố Quy hoạch điện 8 điều chỉnh: Tập trung triển khai đồng bộ, đảm bảo an ninh năng lượng

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về độ tin cậy cung cấp điện và nhóm 3 nước dẫn đầu về chỉ số tiếp cận điện năng; đồng thời phấn đấu 50% công sở và 50% hộ dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu...

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh có ý nghĩa quyết định đối với bảo đảm nguồn cung điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh có ý nghĩa quyết định đối với bảo đảm nguồn cung điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Chiều 28/4 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 điều chỉnh). Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi xanh và yêu cầu cao về triển khai thực tế từ các địa phương và doanh nghiệp.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG ĐIỆN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Tại lễ công bố, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương), cho biết ngày 15/4/2025 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện 8 điều chỉnh. Theo đó, Quy hoạch được xây dựng với mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hiện đại hóa sản xuất và phù hợp xu thế chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Theo Quy hoạch, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân dự kiến khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030 và khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050. Nhu cầu điện thương phẩm năm 2030 ước đạt khoảng 500,4 – 557,8 tỷ kWh, định hướng đến năm 2050 đạt 1.237,7 – 1.375,1 tỷ kWh. Tổng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 dự kiến khoảng 560,4 – 624,6 tỷ kWh; đến năm 2050 đạt 1.360,1 – 1.511,1 tỷ kWh. Công suất cực đại của hệ thống năm 2030 ước khoảng 89.655 – 99.934 MW và đến năm 2050 đạt 205.732 – 228.570 MW.

Về chỉ tiêu kỹ thuật, Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về độ tin cậy cung cấp điện và nhóm 3 nước dẫn đầu về chỉ số tiếp cận điện năng. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2030, 50% công sở và 50% hộ dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Ngay sau khi Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn năng lượng và đơn vị liên quan để triển khai thực hiện quyết định một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh cung ứng điện trong mọi tình huống.

YÊU CẦU CỤ THỂ VỚI ĐỊA PHƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Việc tổ chức triển khai Quy hoạch điện 8 điều chỉnh có ý nghĩa quyết định đối với bảo đảm nguồn cung điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế đất nước".

Đối với các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương rà soát, cập nhật các dự án nguồn và lưới điện được nêu tại Quyết định 768/QĐ-TTg vào Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất. Việc này cần bảo đảm thống nhất với quy mô phân bổ công suất và danh mục ưu tiên đã gửi Bộ Công Thương để làm cơ sở tiếp nhận và triển khai dự án đầu tư.

Lễ công bố Quy hoạch điện 8 điều chỉnh.

Lễ công bố Quy hoạch điện 8 điều chỉnh.

Ngoài ra, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới các nguồn điện dưới 50 MW, chủ yếu là năng lượng tái tạo, kết nối lưới 110 kV – thuộc thẩm quyền quy hoạch cấp tỉnh. Bộ trưởng đề nghị đưa các loại hình này vào phương án phát triển lưới điện địa phương để các dự án có cơ sở pháp lý triển khai. Song song, cần hoàn thành nhanh việc lựa chọn chủ đầu tư, bố trí quỹ đất cho các công trình điện, đồng thời hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm.

Cụ thể, các dự án LNG tại Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Cà Ná cần hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư vào cuối quý 2, đầu quý 3/2025. Các dự án LNG khác gồm Hải Phòng, Công Thanh, Vũng Áng 3, Quảng Trạch 3 và Hiệp Phước 2 phải hoàn tất phê duyệt chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư chậm nhất vào cuối quý 3, đầu quý 4/2025.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tiến độ các dự án cần được xem là yếu tố quyết định đến an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, địa phương cần xử lý dứt điểm các vướng mắc của dự án năng lượng tái tạo theo tinh thần Nghị quyết 233/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời giám sát tiến độ và chủ động đề xuất thay thế dự án chậm bằng phương án khả thi hơn, kể cả với các dự án dự kiến vận hành sau năm 2031.

Bên cạnh việc triển khai cụ thể ở địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tập trung tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, nhất là các cơ chế chính sách liên quan đến tài chính, giá điện và đầu tư. Đồng thời cần xây dựng cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường, bảo đảm tính hấp dẫn và cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển các nguồn điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo và LNG.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác truyền thông, phổ biến nội dung cốt lõi của Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế nhằm tạo đồng thuận trong triển khai. Đồng thời, Bộ sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, bảo đảm minh bạch, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Trong lĩnh vực năng lượng, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc được giao nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm cung ứng điện ổn định và đúng tiến độ.

Theo đó, EVN được yêu cầu tiếp tục rà soát, điều chỉnh khung giá các loại hình điện năng để phù hợp với thị trường, đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống truyền tải đồng bộ, cả liên miền và nội miền, và đẩy nhanh tiến độ đàm phán các dự án điện hạt nhân như Ninh Thuận 1.

Đối với PVN và TKV, Bộ trưởng chỉ đạo cần rà soát và đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn nhiên liệu sơ cấp cho sản xuất điện, đồng thời chủ động triển khai các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các nguồn điện, lưới điện đã được phân công.

Với chức năng được giao, Bộ Công Thương cam kết đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai quy hoạch. Bộ sẽ theo dõi sát tiến độ các dự án, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc và xử lý nghiêm các trường hợp chậm triển khai, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Quy hoạch điện 8 điều chỉnh không chỉ là công cụ định hướng phát triển ngành điện, mà còn là cơ sở để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn. Thành công trong triển khai Quy hoạch phụ thuộc vào sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, cũng như năng lực và trách nhiệm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cong-bo-quy-hoach-dien-8-dieu-chinh-tap-trung-trien-khai-dong-bo-dam-bao-an-ninh-nang-luong.htm
Zalo