Công bố 10 sự kiện chứng khoán năm 2024

Ngày 28-12, Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức công bố 10 sự kiện, vấn đề chứng khoán nổi bật năm 2024.

1. Thông tư 68/2024/TT-BTC gỡ nút thắt quan trọng, giúp TTCK Việt Nam tiến gần đến mục tiêu nâng hạng

Ngày 18-9, Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 thông tư đã chính thức được Bộ Tài chính ban hành. Cùng với việc quy định lộ trình cụ thể áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh, điểm mới khác biệt của Thông tư 68 chính là việc cho phép NĐT tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần đủ 100% tiền (non-freefunding).

Thông tư 68 nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của các thành viên thị trường, nhất là các tổ chức quốc tế và tổ chức xếp hạng thị trường khi chính thức tháo gỡ nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi thứ cấp của

Có hiệu lực từ 2-11, đến nay việc áp dụng non-freefunding tại các CTCK cơ bản được đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu và tăng sự hài lòng cho các NĐT tổ chức nước ngoài. Điều này tạo kỳ vọng khả quan cho việc nâng hạng TTCK vào năm 2025, như mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

2. TTCK chịu tác động từ nhiều yếu tố ngoại biên

Năm 2024, TTCK Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng gần 12% trên VN Index nhưng phần lớn đà tăng diễn ra trong quý I. Cả 3 quý còn lại thị trường gần như chỉ dao động với nhiều lần không vượt qua được ngưỡng 1.300 điểm.

Diễn biến thị trường kém tích cực tương phản với mức tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng rất ấn tượng với GDP quý III tăng 7,4%, lũy kế 9 tháng tăng 6,82%, cả năm ước tăng 7%. Diễn biến VN Index cũng không song hành với tăng trưởng hiệu quả của doanh nghiệp, khi lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường quý III tăng 18,8% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 14% cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đến từ các tác động bên ngoài, trong đó đà tăng giá của đồng USD khiến tỷ giá trong nước tăng mạnh và Ngân hàng nhà nước phải nhiều đợt phát hành tín phiếu và bán USD can thiệp. Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đem lại nhiều bất định trong hoạt động thương mại toàn cầu.

3. Tin tặc tấn công VNDirect, PVOIL

Ngày 24-3 hệ thống công nghệ thông tin của VNDirect bị tin tặc tấn công và mã hóa dữ liệu, khiến hệ thống giao dịch bị ngắt kết nối với các sở giao dịch, đến ngày 1-4 mới được kết nối lại, nhưng quá trình khôi phục hoạt động của cả hệ thống đã phải diễn ra từng bước, theo một lộ trình.

Ngay sau đó, ngày 2-4, hệ thống của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) cũng bị tấn công mã hóa dữ liệu ảnh hưởng tới một số hoạt động nghiệp vụ, trong đó có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử, website và các ứng dụng khác. Các cuộc tấn công bất ngờ của tin tặc là hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin trong bối cảnh các hoạt động, dịch vụ đã được số hóa mức độ cao.

4. Làn sóng tăng vốn của các CTCK

Tiếp nối xu hướng diễn ra từ cuối 2023, năm 2024, nhiều CTCK tiếp tục phát hành CK thành công, thực hiện tăng vốn thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó nổi bật là SSI, VCI, VIX, VND, LPBS… Thống kê trong năm 2024 đã có khoảng 22 CTCK phát hành tăng vốn.

Với gần 2,5 tỷ CK được chào bán, phát hành, các CTCK đã huy động thêm gần 25.000 tỷ đồng để củng cố tiềm lực vốn cho kinh doanh. Việc các CTCK đẩy mạnh tăng vốn cho thấy sự chủ động nguồn lực để đón cơ hội mới từ hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành, nâng hạng… sẽ tạo ra bước ngoặt phát triển mới của TTCK 2025.

5. Xét xử nhiều đại án trong lĩnh vực CK

Năm 2024 chứng kiến một loạt đại án được đưa ra xét xử, trong đó đáng chú ý là 3 đại án lớn trong lĩnh vực CK. Trong vụ án Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh được xác định là chủ mưu trong việc phát hành trái phiếu, huy động, chiếm đoạt của trên 6.600 nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng và sử dụng vốn không đúng mục đích.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xác định chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng. Bà Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn, lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo… để rút tiền SCB.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng TTCK xảy ra tại Tập đoàn FLC, chủ mưu là ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng TTCK, ông Quyết bị xác định đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính khoảng 4.300 tỷ đồng.

6. NĐT nước ngoài bán ròng kỷ lục

Năm 2024 chứng kiến làn sóng bán ròng kỷ lục của nhóm NĐT nước ngoài trên TTCK. Thống kê đến giữa tháng 12, tổng giá trị bán ròng đã lên tới gần 90.000 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023. Nguyên nhân chính khiến dòng vốn ngoại chảy ngược mạnh mẽ là cơ hội đầu tư trên nhiều thị trường khác hấp dẫn hơn.

Đồng USD tăng giá mạnh và xu hướng bảo hộ được dự báo sẽ tăng hiệu quả của các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ. Chỉ số S&P 500 năm 2024 đã tăng trưởng 27%, Bitcoin tăng 149%, vàng thế giới tăng 30% trong khi VN Index chỉ tăng khoảng 12%. Không chỉ riêng Việt Nam, dòng vốn đầu tư khắp châu Á và các thị trường mới nổi cũng bị rút về các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ trong bối cảnh các đồng nội tệ sụt giảm giá trị mạnh mẽ.

7. Quốc hội thông qua Luật CK sửa đổi

Ngày 29-11-2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CK; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ Quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính. Với Luật CK, nội dung được sửa đổi theo hướng nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán CK.

Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán CK, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên TTCK.

Bên cạnh đó, để tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của TTCK với mục tiêu nâng hạng thị trường, Luật hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch CK trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.

8. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi tích cực

Sau những biến động lớn trong năm 2022 - 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự phục hồi tích cực cả về số lượng và chất lượng trong năm 2024. Theo đó, tính đến ngày 25-12, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 455.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, tổng giá trị quy mô phát hành trái phiếu ra công chúng là 46.400 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, thị trường ghi nhận sự cải thiện về chất khi có thêm nhiều tổ chức phát hành mới, đa dạng lĩnh vực hoạt động và đặc biệt xuất hiện sản phẩm trái phiếu xanh. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nhận được nhiều kỳ vọng sẽ phát triển tốt hơn trong năm 2025 nhờ kinh tế vĩ mô tăng trưởng và các sửa đổi trong Luật CK mới sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và cải thiện dần chất lượng trái phiếu và hoạt động phát hành ra thị trường.

9. Thị trường trái phiếu chính phủ hiệu quả sau 15 năm vận hành

Năm 2024, thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt đánh dấu cột mốc 15 năm kể từ ngày khai trương năm 2009. Sau 15 năm, thị trường này đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả cho ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu nợ công, ổn định các cân đối vĩ mô; đồng thời cũng là thị trường tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính và hàng hóa của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2009-2024, kênh phát hành trái phiếu chính phủ đã huy động được trên 3,25 triệu tỷ đồng cho ngân sách, bình quân đạt khoảng 220.000 tỷ đồng/năm, gấp khoảng 5 lần so với giai đoạn 2000-2008. Quy mô dư nợ trái phiếu Chính phủ đã đạt trên 2,35 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP, gấp 18 lần so với năm 2009. Thị trường thứ cấp từng bước phát triển theo chiều sâu, thanh khoản trái phiếu tăng mạnh, từ mức khiêm tốn là 365 tỷ đồng/phiên vào năm 2009 đã tăng lên khoảng 11.200 tỷ đồng/phiên vào năm 2024.

10. Số doanh nghiệp lên sàn thấp kỷ lục

Với 2 doanh nghiệp chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HNX (PTX, CAR) và 8 doanh nghiệp lên niêm yết trên HoSE (RYG, DSE, MCM, HNA, QNP, TCI, NAB, VTP), năm 2024, toàn thị trường niêm yết Việt Nam có vỏn vẹn 10 doanh nghiệp niêm yết mới.

Con số này đặt trong bối cảnh Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để quảng bá uy tín, thương hiệu và tiếp cận kênh huy động vốn này đang quá nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.

Nhóm doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa đại diện đầy đủ cho các ngành trong nền kinh tế và khi không có nhiều sự lựa chọn, TTCK thiếu sức hấp dẫn dòng tiền mới cũng như giảm sức cạnh tranh để giữ chân các dòng tiền đang có khi “gu” đầu tư thay đổi giữa các thị trường tài sản.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cong-bo-10-su-kien-chung-khoan-nam-2024-post119416.html
Zalo