'Gõ cửa' nhà mới: Nghĩa đồng bào
Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân. Kết quả đạt được có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn. Khó khăn không tránh khỏi nhưng sự đồng thuận, thống nhất và phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của mỗi người dân đã, đang và sẽ cùng góp phần để biến khó thành thuận...
“Không được bỏ sót ai”
Đằng sau ý nghĩa nhân văn của Cuộc vận động là cuộc hành trình kiên trì với phương pháp vận động linh hoạt và hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền... Rà soát đúng đối tượng, trao hỗ trợ đúng người, công khai, minh bạch,... được xem là những yếu tố cần thiết, quan trọng, góp phần tạo thành công.
Câu chuyện đặc biệt ở xã Đồng Lộc (Hậu Lộc). Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, xã được phân bổ kinh phí hỗ trợ 13 hộ làm nhà mới. Tuy nhiên, để “chạm” đến con số 13 này là cả câu chuyện dài.
Trước đó, chỉ tiêu đặt ra cho Đồng Lộc là trong năm 2024 vận động 168 triệu đồng, tương đương xây dựng 2 ngôi nhà. Nhưng, trong quá trình rà soát, lên 13 hộ. Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lộc Nguyễn Văn Thuấn, nhớ lại: “Khi gửi danh sách 13 hộ lên huyện, chúng tôi có những băn khoăn vì số lượng nhiều. Nhưng nếu không rà soát, không báo cáo thì sau này các hộ sẽ mất quyền lợi. Khi đấy, đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng nói với chúng tôi, rằng nhiều cũng phải báo cáo, báo cáo phải đúng và không được bỏ sót ai. Trong khi đó số tiền vận động được giao cũng chưa đạt, mới dừng ở 120 triệu đồng. Thời điểm đấy, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đã về kiểm tra 13 hộ này và khẳng định, xã rà soát đúng đối tượng. Đến thời điểm hiện nay, có 9/13 hộ đã khởi công, hoàn thành”.
Hậu Lộc là một trong những đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động. Tính đến ngày 15/12/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hậu Lộc đã gần 7,9 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao, huyện giao. Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện đã phân bổ tổng kinh phí hơn 2,6 tỷ đồng để các địa phương xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng theo Chỉ thị số 22-CT/TU. Ông Trương Văn Thuấn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hậu Lộc tỏ rõ sự phấn chấn. Ông nói: “Địa phương thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU. BCĐ huyện đã chuyển về BCĐ tỉnh 500 triệu đồng và chuyển về BCĐ huyện Lang Chánh 1 tỷ đồng”.
“Góp gió thành bão”
Kết quả trong công tác vận động, còn phụ thuộc yếu tố khách quan và chủ quan. Theo tinh thần Chỉ thị số 22-CT/TU, vận động phải có phương pháp linh hoạt, hiệu quả; huy động một cách hợp lý, trên cơ sở đồng thuận, thống nhất... Tuy nhiên, “tùy cơ ứng biến”, vận động với một số địa phương là cả nghệ thuật.
Đã từng có nhiều trăn trở đối với BCĐ xã Hà Đông (Hà Trung). Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, xã có 4 hộ đủ điều kiện hỗ trợ xây nhà. Đồng thời xã được giao chỉ tiêu vận động 227 triệu đồng. Chỉ tiêu giao, xã đã thực hiện được 235 triệu đồng. Tuy nhiên, để có kết quả 235 triệu đồng là cả vấn đề.
Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng BCĐ xã Hà Đông Phạm Văn Vĩnh xem đây là một vấn đề nan giải đối với xã nhà. Giao chỉ tiêu vận động 16 doanh nghiệp với số tiền 5 triệu đồng/doanh nghiệp nhưng trên thực tế ở Hà Đông, phần lớn doanh nghiệp có “tên” mà không có “tuổi”. “Xác định khó nhưng cũng bằng mọi cách phải đi vận động hết các doanh nghiệp. Thường trực Đảng ủy cũng trực tiếp tham gia vận động. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ 2 - 2,5 triệu đồng chúng tôi đều nhận. Kết quả, chỉ đạt 50% chỉ tiêu giao”. Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Vĩnh cho biết.
Ở Hà Đông, cũng theo như chia sẻ của ông Vĩnh, một cái khó nữa đó là về công tác tư tưởng, do đó nếu không làm tốt xem như thất bại. Đơn cử như tuyên truyền cho hộ dân về Chỉ thị số 22-CT/TU. Bí thư Phạm Văn Vĩnh, trải lòng: “Trước đó, bà con đã tích cực ủng hộ cơn bão số 3 vì thông tin thiết thực, còn ủng hộ theo Chỉ thị số 22-CT/TU, người dân phần lớn cảm thấy “mơ hồ”. Tôi đã phân tích, tuyên truyền ở rất nhiều hội nghị,... Nói thì dễ nhưng tư duy để cho dân hiểu ngay là rất khó. Tôi rút ra từ nhiều cuộc vận động, tức lãnh đạo giao cho cấp dưới, giao cho cấp thôn nhưng thực tế hiệu quả không cao. Nên tinh thần từ Ban Thường vụ, BCĐ là tuy không tham gia trực tiếp nhưng sẽ đi đến các khu vực có đoàn đi vận động người dân. Làm vậy, vừa nắm bắt được tình hình, vừa lắng nghe được tâm tư, tiếng nói của dân... Cho dù sự đóng góp có thể không nhiều nhưng mỗi người mỗi ít để “góp gió thành bão”...”.
Đến nay, Ủy ban MTTQ 3 cấp đã tiếp nhận được kinh phí hỗ trợ hơn 226 tỷ đồng, là số tiền rất lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, thể hiện sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh. Từ nguồn kinh phí tiếp nhận, đến thời điểm này kinh phí các cấp phân bổ hơn 145 tỷ đồng, đã khởi công 3.697 căn nhà và đã hoàn thành 1.998 căn - đây là phát biểu của đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó trưởng BCĐ Cuộc vận động tại buổi làm việc với một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thống nhất nội dung chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết đợt 1 và phát động đợt 2 Cuộc vận động. Ở giai đoạn 2, Cuộc vận động về nguyên tắc trước hết là cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh. Song, nguồn lực muốn phát huy hiệu quả, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp: “Cộng đồng doanh nghiệp sẽ đi đầu trong việc ủng hộ Cuộc vận động trong việc “xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh.
Dù mới thực hiện một hành trình ngắn nhưng khẳng định, Chỉ thị số 22-CT/TU đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tất nhiên, không tránh được những tồn tại, vướng mắc. Đó là thực trạng ở một số huyện miền núi, vùng cao, nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa có đất ở và đang ở trong đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất... Bên cạnh đó là công tác phân bổ, giải ngân nguồn kinh phí từ Cuộc vận động còn rất chậm... Mục tiêu đặt ra trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành 11.741 hộ đang ở “nhà tạm, nhà dột nát” và cần kinh phí trên 696 tỷ đồng. Muốn thực hiện tốt, thì những tồn tại, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, tiếp tục thực hiện với tinh thần quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất và đạt hiệu quả thiết thực nhất.