Công an TPHCM kêu gọi người dân theo dõi VNeID và Help 114 để cảnh giác lừa đảo dịp tết
Ngày 12-1, HĐND TPHCM phối hợp Sở TT-TT, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình 'Dân hỏi – Chính quyền trả lời' tháng 1-2025 với chủ đề 'Tết Ất Tỵ: Hạnh phúc, bình yên, hướng đến tương lai'.
Dự chương trình có các đồng chí: Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM; Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
909 tỷ đồng chăm lo tết
Trả lời cử tri về các chính sách chăm lo tết, đại diện Sở LĐTB-XH cho biết, sở đã tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM ban hành kế hoạch về tổ chức hoạt động chăm lo tết.
Tổng kinh phí dự kiến chi cho các hoạt động chăm lo tết là gần 909 tỷ đồng (tăng 5,5% so với năm 2024). Có 10 nhóm đối tượng được tặng quà có tăng về số lượng và kinh phí; giảm đối tượng là hộ nghèo.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Phạm Chí Tâm cho biết thêm, LĐLĐ TPHCM đã sớm có kế hoạch chăm lo tết cho người lao động, nhất là các trường hợp thu nhập thấp, bị nợ lương, nợ bảo hiểm hoặc không có tiền thưởng.
LĐLĐ TPHCM còn tổ chức các chương trình: “Tết sum vầy”, chăm lo cho 15.000 hộ gia đình; “Tấm vé nghĩa tình – Xuân đoàn viên”, tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay cho 40.000 đoàn viên về quê sum họp gia đình; “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”, chăm lo cho 9.500 đoàn viên khó khăn.
LĐLĐ TPHCM cũng tổ chức họp mặt 5.000 đoàn viên nghiệp đoàn khó khăn; chương trình “Gia đình công nhân vui đón tết cùng TPHCM”. Dịp tết, LĐLĐ TPHCM cũng đã vận động sửa chữa 132 mái ấm công đoàn. Ước tính chăm lo khoảng 500.000 đoàn viên và người lao động với số tiền khoảng 500 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Chí Tâm, năm nay lương, thưởng tết cho người lao động tăng hơn so với năm 2024. Những đoàn viên, người lao động mất việc trong dịp tết hoặc không có thưởng tết đã nằm trong chương trình chăm lo của LĐLĐ TPHCM.
Cử tri cũng đặt câu hỏi về công tác đảm bảo nguồn hàng thiết yếu dịp tết, biện pháp để kiểm soát giá cả, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng gian, hàng giả. Cử tri cũng phản ánh về hình thức khuyến mãi bị lợi dụng để lừa đảo người tiêu dùng và nêu thắc mắc về giải pháp ngăn chặn? Ngoài ra, chương trình khuyến mãi, bình ổn thị trường và bán hàng lưu động của thành phố được thực hiện ra sao?
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nhiều đơn vị đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường với số lượng hàng hóa có thể đáp ứng 40% nhu cầu của người dân. Sở cũng có các chương trình bình ổn giá trước, trong và sau tết; có chương trình giảm giá sâu cho các mặt hàng thiết yếu như thịt, rau củ quả…
Để kiểm soát về an toàn thực phẩm, sở phối hợp với các đơn vị vận động 9 hệ thống phân phối lớn nhất của Việt Nam cùng thống nhất tham gia chương trình xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, an toàn. Các hệ thống này sẽ yêu cầu các nhà phân phối đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành. Nếu vi phạm, các hệ thống phân phối đồng lòng cắt hợp đồng.
“Nếu nhà phân phối vi phạm quy định sẽ mất toàn bộ thị trường trong các kênh bán lẻ hiện đại. Đây cũng là biện pháp răn đe nhằm đảm bảo tính tự giác của các nhà cung cấp”, ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin.
Thông tin thêm, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) Vũ Dương Quân cho biết, năm nay, Satra có chương trình khuyến mãi lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm tết, diễn ra từ 10-1 đến 28-1 với 2.800 sản phẩm hàng hóa sẽ được giảm giá từ 5-50% cùng các chương trình khuyến mãi khác.
Trong tháng 1 có 50 chuyến bán hàng lưu động đến các khu chế xuất, khu công nghiệp; tham gia chương trình “Ngày hội công nhân – Phiên chợ nghĩa tình”, tổ chức bán hàng từ 16 đến 23-1 để phục vụ hơn 9.500 công nhân lao động; tham gia “Hội chợ nhân ái” với 10 điểm bán hàng trên địa bàn để phục vụ công nhân lao động.
Trả lời cử tri về các giải pháp để đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), phòng ngừa lừa đảo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TPHCM cho biết, từ quý 4-2024, Công an TPHCM đã mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự Tết Ất Tỵ 2025. Đặc biệt tập trung trấn áp các loại tội phạm về kinh tế, như hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng cấm, pháo nổ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở giải trí, nơi tập trung đông người đảm bảo PCCC...
Diễn tập xử lý tình huống khẩn cấp ở trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Vào dịp tết, các loại tội phạm lừa đảo qua mạng cũng tăng. Phổ biến là sử dụng tổng đài tự động để gửi thông tin về các chương trình khuyến mãi, nhận quà tặng; lừa đảo bán vé máy bay giả, vé tàu giá rẻ; tuyển dụng nhân viên bán hàng online… Ngoài tăng cường nắm tình hình đấu tranh, trấn áp cũng như làm tốt công tác tiếp nhận tin báo, vụ việc, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền trên các trang mạng xã hội chính thức.
“Bộ Công an, lực lượng công an cũng đưa lên ứng dụng VNeID các thông tin cảnh báo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và đưa ra quy tắc “6 không” trong đảm bảo an ninh, an toàn đối với người dân trong thực hiện các hoạt động trực tuyến cùng nhiều tiện ích”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin và kêu gọi người dân thường xuyên truy cập ứng dụng VNeID, ứng dụng Help 114 để nắm thông tin đã được cảnh báo nhằm bảo vệ người thân và gia đình.
Giữ vững trật tự trị an để người dân vui xuân, đón tết
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ, HĐND TPHCM đã rất ủng hộ, ban hành nhiều nghị quyết với các chương trình chăm lo tết cho người dân, nhất là người nghèo, hộ cận nghèo; các hoạt động tri ân.
Ngành lao động cũng triển khai giám sát lương, thưởng tết, các chính sách chăm lo tết, đảm bảo công nhân lao động trên địa bàn thành phố đều được đón tết bình yên bên gia đình. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, PCCC dịp tết cũng được các cơ quan chức năng có kế hoạch chu đáo.
"Khi phát hiện vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội cần nhanh chóng phản ánh đến cơ quan chức năng thông qua đường dây nóng và các ứng dụng di động để bảo vệ bản thân và người xung quanh", đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề nghị.
Điều hành chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM Phạm Thành Kiên đề nghị UBND TPHCM tiếp tục thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội; tổ chức hoạt động chăm lo, thăm hỏi, động viên, chia sẻ đối với người có công với cách mạng, các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, diện bảo trợ xã hội. Giám sát theo dõi để người sử dụng lao động sớm công khai thực hiện chi trả tiền lương, thưởng và các khoản phúc lợi cho người lao động kịp thời trong dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với đó đảm bảo các mặt hàng thiết yếu chất lượng và giá cả hợp lý, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm nguồn hàng gây tăng giá; mở rộng các hoạt động bình ổn giá, các chuyến xe bán hàng lưu động. Tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn PCCC, an ninh trật tự, an toàn giao thông; kịp thời xử lý ùn tắc giao thông, giữ vững trật tự trị an để người dân yên vui đón chào năm mới Ất Tỵ 2025.