Công an huyện biên giới đi đầu trong chuyển đổi số
Trung tá Lương Quốc Nghĩa - Trưởng Công an huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết, là huyện miền núi biên giới còn rất nhiều khó khăn, nhưng Công an huyện đã đẩy mạnh việc áp dụng chuyển đổi số, không chỉ thuận lợi trong hoạt động cải cách hành chính mà còn giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân, góp phần bảo đảm, ổn định an ninh trật tự (ANTT) địa phương.
Ngay từ năm 2021, trang Zalo “Công an huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam”, chính thức đi vào hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến theo chủ trương của Bộ Công an. Bằng công cụ hỗ trợ này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ trực tuyến cũng như liên hệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần truy cập vào tài khoản Zalo “Công an huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam” sẽ được giải đáp, hướng dẫn kịp thời trong giờ hành chính.
Cùng với trang Zalo, trang mạng xã hội Facebook “Công an huyện Tây Giang” và Công an các xã cũng hoạt động hiệu quả, với nhiều tin tức, bài viết được chia sẻ, đăng tải giúp kết nối và thuận lợi trong việc tiếp cận, cung cấp thông tin chính thống cho người dân, đặc biệt là các thông tin hữu ích hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, thu hút hàng nghìn lượt xem và truy cập chia sẻ. Qua đó, giúp lực lượng Công an tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm hiện nay. “Thông qua các trang mạng xã hội này, thời gian qua, Công an huyện đã tiếp nhận nhiều tin báo, tố giác về tội phạm, phản ánh, kiến nghị liên quan đến giải quyết TTHC và tình hình ANTT tại địa phương… Đơn cử vụ giải cứu một công nhân bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ vào đầu tháng 7-2024 vừa qua, được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen cán bộ chiến sĩ Công an Tây Giang” - Trung tá Lương Quốc Nghĩa cho biết.
Tháng 8-2023, Công an huyện Tây Giang tham mưu UBND huyện triển khai lắp đặt và bố trí hệ thống 41 camera giám sát an ninh tại các điểm nút giao thông, với tổng mức đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm hoạt động, bằng công nghệ hỗ trợ, hệ thống camera an ninh giúp giám sát công dân, các phương tiện giao thông đi lại một cách hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT, trật tự ATGT trên địa bàn huyện. Cho đến nay, cùng với hệ thống camera an ninh công cộng, nhiều hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... được lắp đặt tạo nên hệ thống giám sát rộng khắp. Từ hệ thống camera giám sát này, Công an huyện Tây Giang có thêm kênh để trích xuất hình ảnh, phục vụ cho công tác truy xét, truy tìm và bắt giữ đối tượng tội phạm nhanh chóng đồng thời xử lý chính xác các vụ việc về an toàn giao thông, ngăn chặn đối tượng phạm tội đang diễn ra, thông qua hình ảnh trực tiếp ghi lại. Điển hình như vụ việc một nhóm thanh niên ở huyện Phước Sơn theo đường Hồ Chí Minh qua Tây Giang thực hiện vụ trộm cắp xe máy, sau đó mang về Phước Sơn sử dụng. Hay như vụ 2 đối tượng từ huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) qua đường Hồ Chí Minh đến địa phận xã Bha Lêê (Tây Giang ) trộm xe máy. Cả hai sau đó sử dụng xe máy này để cướp Ngân hàng Agribank ở Duy Xuyên... Qua trích xuất từ camera an ninh, Công an huyện Tây Giang kịp thời phối hợp điều tra, giúp lực lượng phá nhanh vụ án, đưa các đối tượng phạm tội ra xử lý trước pháp luật.
Cùng hệ thống camera giám sát an ninh, Công an huyện Tây Giang còn triển khai phối hợp, khuyến khích các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ phục vụ tiếp nhận thông báo lưu trú bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử, đảm bảo kiểm soát hoạt động lưu trú trên địa bàn, nhất là người ở địa phương khác đến. Cho đến nay, Công an huyện đã triển khai, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội tại 10/10 xã. Cụ thể, có 10/10 UBND xã triển khai mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến”,11/11 cơ sở khám chữa bệnh triển khai mô hình “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID” và mô hình “Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh”, 5/5 cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn huyện triển khai mô hình“Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, nhà khách...”, 1 cơ sở cầm đồ triển khai mô hình “Triển khai thiết bị xác minh di động và đầu đọc căn cước công dân gắn chip tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT”.
Trong đợt Thi đua cao điểm triển khai thực hiện Luật Căn cước và thu nhận hồ sơ cấp Căn cước, định danh xác thực điện tử chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945 – 19-8-2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ Nghĩa Việt Nam (2-9-2024) trên địa bàn huyện Tây Giang, Công an huyện đã thu nhận 5.680 hồ sơ Căn cước (vượt 189,3% so với chỉ tiêu Giám đốc Công an tỉnh giao) và là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu của Giám đốc Công an tỉnh giao. Trong đó, có 643 hồ sơ thực hiện trên cổng dịch vụ công. Cụ thể, thu nhận 2.366 hồ sơ Căn cước đối với công dân dưới 6 tuổi trên tổng số 2.465 công dân dưới 6 tuổi trên địa bàn huyện (đạt tỷ lệ 95,9%). Thu nhận 2.877hồ sơ Căn cước đối với công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi trên tổng số 3.517 công dân từ 6 đến dưới 14 tuổi trên địa bàn huyện (đạt tỷ lệ 81.8%). Thu nhận 438 hồ sơ đối với công dân từ 14 tuổi trở lên. Tính đến tháng 10-2024, đã có 20.680 công dân được thu nhận hồ sơ căn cước trên tổng số 21.526 công dân cư trú trên địa bàn huyện (đạt tỷ lệ 96,07%).
Nói về việc chuyển đổi số trên địa bàn vùng cao biên giới huyện Tây Giang, Già làng A Lăng Đàn - nguyên là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tây Giang phấn khởi cho biết: “Người dân bây giờ đa số có điện thoại thông minh kết nối mạng 4G. Lâu nay người dân chỉ dùng để giải trí hay trao đổi công việc, nay được cán bộ Công an hướng dẫn thì được biết thêm lợi ích mới từ việc ứng dụng công nghệ, góp phần cùng lực lượng Công an giữ gìn ANTT, thuận lợi hơn trong giao dịch mọi lĩnh vực trong đời sống… 4G nhanh hơn 2 chân nhiều!”.