Ngăn chặn nhập lậu gia súc qua biên giới

Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới có thời điểm còn xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ, lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực địa trên tuyến biên giới

Lực lượng chức năng kiểm tra thực địa trên tuyến biên giới

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh

Từ giữa năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn biên giới lập chuyên án triệt phá 21 vụ nhập lậu động vật qua biên giới; tổng số động vật tịch thu xử lý gần 700 con. Trong đó, chỉ riêng 10 tháng năm 2024, lực lượng chức năng bắt 5 vụ nhập lậu động vật (50 con trâu, bò và 306 con dê).

Trong tháng 3/2024, Đồn Biên phòng Sông Trăng (huyện Tân Hưng) thu giữ, tiêu hủy 4 con bò nhập lậu. Tiếp đó, ngày 13/6/2024, Đồn Biên phòng Bến Phố (huyện Vĩnh Hưng) thu giữ, tiêu hủy 29 con trâu nhập lậu. Ngày 28/6/2024, Công an huyện Mộc Hóa phát hiện và xử lý hủy 306 con dê nhập lậu.

Gần đây nhất, trưa ngày 12/10/2024, trong quá trình tuần tra phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an xã Hưng Điền phối hợp Công an huyện Tân Hưng phát hiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 62H-037.27 chở 6 con trâu nhập lậu. Thời điểm đó, trên xe ôtô tải có 2 người đàn ông cùng ngụ tại địa phương. Khi đang lập biên bản vụ việc này thì cách địa điểm trên không xa, cũng tại xã Hưng Điền, lực lượng tuần tra tiếp tục phát hiện xe ôtô tải mang biển kiểm soát 62C-155.69 do một người đàn ông ở địa phương điều khiển chở 4 con trâu, 7 con bò nhập lậu.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, địa hình thuận lợi, các đoạn sông biên giới hẹp hoặc khu vực biên giới đất liền vắng người qua lại để nhập lậu động vật. Các đối tượng còn móc nối và thuê mướn cư dân biên giới vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ôtô đưa vào nội địa tiêu thụ. Nhìn chung, mỗi đợt nhập lậu gia súc với số lượng ít. Quá trình vận chuyển động vật nhập lậu, đối tượng tổ chức cảnh giới chặt chẽ để né tránh, đối phó với lực lượng chức năng.

“Nhập lậu gia súc qua biên giới dù nhỏ, lẻ nhưng vẫn làm tăng nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm và con người, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh nhìn nhận.

Còn gặp những khó khăn

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia qua địa bàn tỉnh dài gần 135km, địa hình bằng phẳng, đất liền đất hoặc có nơi chỉ ngăn cách bởi con kênh nhỏ nên hoạt động vận chuyển động vật nhập lậu không mấy khó khăn và không tốn nhiều thời gian. Có khi, các đối tượng nhập lậu động vật lúc đêm khuya nên khó phát hiện, bắt giữ.

Cùng với đó, với địa hình bằng phẳng nên trâu, bò thường được chăn thả ăn cỏ qua lại trên các cánh đồng hai bên biên giới. Các đối tượng lợi dụng phương thức nuôi chăn thả này để trà trộn trâu, bò vào đàn và nhập lậu vào địa bàn. Khi động vật nhập lậu bị trà trộn rất khó để phân biệt, trong khi đó công tác quản lý chăn nuôi, thống kê đàn tại địa bàn, các hộ còn gặp khó khăn, nhất là chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền người dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Từ đó, vận động, khuyến cáo không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu. Các địa phương trên tuyến biên giới thường xuyên hướng dẫn, tổ chức kê khai, cập nhật thông tin về quản lý chăn nuôi theo quy định. Từ đó, tổng hợp và chủ động cung cấp thông tin đến các cơ quan liên quan để cùng phối hợp quản lý.

Mặt khác, các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa các nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Các địa phương biên giới triển khai các chương trình của tỉnh như tiêm miễn phí vắc-xin phòng bệnh cho động vật 2 đợt/năm; tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật nhập lậu.

Theo Đại tá Trương Thùy Dương - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian tới, lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát các đường mòn, lối mở khu vực biên giới để phòng, chống buôn lậu, tội phạm; trong đó, chú trọng ngăn chặn động vật nhập lậu ngay từ biên giới.

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường - Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương và các cấp, các ngành để phòng, chống nhập lậu gia súc. Trong đó, Công an xác lập chuyên án, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu trâu, bò, heo để hợp thức hóa vào nội địa nhằm răn đe, cảnh tỉnh.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp các địa phương thống kê số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện biên giới. Từ đó, chia sẻ, thông tin với các lực lượng chức năng để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nếu có dấu hiệu vi phạm.

“Với chức năng được giao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm dịch, kiểm soát nguồn gia súc, gia cầm nhập, xuất tại địa bàn các huyện biên giới; phối hợp các cấp, các ngành thực hiện nghiêm việc tiêu hủy lô hàng vận chuyển nhập lậu theo đúng quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm” - bà Đinh Thị Phương Khanh nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại các huyện, thị xã biên giới của tỉnh đã xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Bệnh dịch tả heo châu Phi phát sinh tại 29 hộ ở 4 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và Thạnh Hóa với tổng số 1.036 con bệnh và tiêu hủy. Bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò phát sinh tại 20 hộ của huyện Mộc Hóa với tổng số 44 con bệnh. Bệnh dại trên chó ghi nhận 10 ca tại 10 hộ của huyện Tân Hưng, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Riêng huyện Tân Hưng ghi nhận 4 địa bàn cấp xã xảy ra bệnh dại và phải công bố dịch bệnh dại trên toàn huyện, trong đó có 3 người chết được ghi nhận do bệnh dại./.

Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ngan-chan-nhap-lau-gia-suc-qua-bien-gioi-a184924.html
Zalo