Điểm tựa cho người lầm lỗi trở về
Hầu hết những người sau chấp hành án, khi trở về với cộng đồng đều mang mặc cảm tội lỗi, cô đơn, mất tự tin vào chính bản thân mình. Chính vì vậy, sự yêu thương, chia sẻ của người thân và cộng đồng giữ vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp người sau vấp ngã vươn lên thành công.
Một trường hợp vươn lên sau vấp ngã bằng nghị lực, ý thức của chính bản thân là ông Nguyễn B., sinh sống tại thành phố Cần Thơ. Tuổi trẻ bồng bột, ông B. tụ tập với bạn bè xấu và bị rủ rê, lôi kéo, phạm tội cướp tài sản. Sau 6 năm chấp hành án tại 1 trại giam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ông B. trở về quê vào năm 2010. Được gia đình động viên, ông quyết tâm làm lại cuộc đời.
Cắt đứt mọi mối liên lạc cũ, ông chăm chỉ làm ăn. Khi tích lũy được ít vốn, ông bắt đầu mua bán, rồi may mắn kinh doanh thành công.
Sau 14 năm trở về địa phương, ông đã làm chủ 1 chuỗi nhà trọ, quán ăn. Kinh tế ổn định, phát triển, ông chia sẻ cùng những mảnh đời kém may mắn bằng nhiều hoạt động thiện nguyện hằng năm như: tặng quà học sinh vượt khó học tốt, hộ dân nghèo, tổ chức bếp ăn miễn phí, đỡ đầu trẻ em mồ côi...
Ông tâm sự: “Tuổi thơ cơ cực, không bình yên, thiếu rèn luyện đã khiến ông sa ngã nên khi đã là 1 công dân chân chính, kinh tế ổn định, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu nhi khó khăn. Hỗ trợ các cháu cũng là một cách “chữa lành” cho chính mình, nhắc nhở bản thân phải luôn vững vàng trước mọi hoàn cảnh, sống tốt, sống có ích cho xã hội”.
Khi có cuộc sống bình yên bên gia đình, một số người sau khi mãn hạn tù sẽ không muốn nhắc lại quãng thời gian sai phạm trước đây. Riêng đối với ông N.T.S., cư trú xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang thì khác. Ông chọn cách bình thản đối diện với quá khứ và luôn có ý muốn chia sẻ để những người cùng cảnh ngộ có thêm động lực vươn lên.
Mặt khác, bên ông luôn có sự đồng cam cộng khổ của vợ, con và cha, mẹ. Họ là niềm tin để ông làm lại từ đầu.
Nhớ lại quá khứ, ông S. chia sẻ: “15 năm trước, trong một lần nóng giận nhất thời, tôi đã gây thương tích cho một thanh niên. Khi ấy, vợ tôi mới sinh con, đau đớn ngất xỉu khi nghe tôi phạm tội”.
Sau đó, tòa tuyên án ông 16 năm tù giam. Quãng thời gian đó, chính sự chung thủy, tảo tần lo toan của vợ là nguồn động lực thôi thúc ông quyết tâm phải sớm trở lại với đời.
Mỗi lần vợ vào thăm ông là mỗi lần ông đếm được nhiều hơn những vết chai trên đôi bàn tay vợ. Trong khi đó, vợ ông bao giờ cũng giữ được nụ cười tươi, ánh mắt long lanh để truyền niềm tin cho ông quyết tâm cải tạo tốt và sớm trở về địa phương để làm lại cuộc đời, chăm lo cho gia đình.
Chính sự quyết tâm cải tạo tốt, ông đã được giảm án nhiều lần và án phạt còn 10 năm. Ông bắt đầu cuộc sống mới vào năm 2019, được chính quyền địa phương vận động hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết; các ban, ngành, đoàn thể xã hướng dẫn ông vay tiền để sản xuất, nuôi trồng.
Hiện tại, ông S. đã có 1 căn nhà khang trang, mỗi năm, vợ chồng ông thu nhập hơn 120 triệu đồng.
Đại úy Châu Thanh Nhạ, Phó Trưởng Công an xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ông S. rất tích cực với các phong trào ở địa phương. Ông thường gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, lan tỏa tinh thần tích cực tái hòa nhập cộng đồng”.
Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2023.
Từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 110 người chấp hành xong án phạt tù được Ngân hàng Chính sách xã hội xét duyệt cho vay vốn, với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hiện nay, đa số đều có cuộc sống ổn định.
Đơn cử như ông N.T., sinh sống trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Ông T. phạm sai lầm vào năm 2022. Trong quá trình chấp hành án, ông cải tạo tốt và được giảm án. Tháng 6/2023 về địa phương, ông T. được Ngân hàng Chính sách xã hội xét hỗ trợ cho vay 60 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi. Ông mở tiệm cơ khí tại nhà. Được nhiều người ủng hộ nên dần dần tiệm của ông cũng được mở rộng hơn. Ngoài ra, ông còn nuôi cá, trồng cây ăn trái. Đến nay, cuộc sống ổn định, thu nhập hằng tháng của ông T. hơn 15 triệu đồng.
Sự nhân ái, bao dung của cộng đồng, người thân; sự quan tâm của địa phương nơi cư trú khi người sai tìm về nẻo thiện là nguồn động viên, sự khích lệ để họ không tái phạm tội. Đặc biệt là gia đình, nơi cuối cùng trở về của mỗi người, đó vẫn là nơi bình yên nhất.