Công an, bộ đội xuất ngũ mong muốn tiếp tục được học lái xe ô tô miễn phí
BBK- Trước đây, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên xuất ngũ, bao gồm công an, bộ đội xuất ngũ và thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, được thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH. Nhưng nay chính sách này đã có một số thay đổi.

Học viên học thực hành xe tô tô tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn.
Theo đó, thanh niên xuất ngũ khi tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề với giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở và có thời hạn sử dụng trong một năm kể từ ngày cấp.
Tuy nhiên, Thông tư 35/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng), công an, bộ đội xuất ngũ không đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề lái xe ô tô, làm thiệt thòi cho các đối tượng này trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Theo Thông tư số 35/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024, tổng thời gian khóa đào tạo lái xe ô tô hạng B, C1 không quá 90 ngày (03 tháng). Tuy nhiên, Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13, trong đó Khoản 1, Điều 33 yêu cầu thời gian đào tạo tối thiểu từ 3 tháng trở lên để đủ điều kiện cấp chứng chỉ đào tạo trình độ sơ cấp.

Học viên học lái xe thực hành lý thuyết.
Tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn, chương trình hỗ trợ đào tạo nghề lái xe ô tô cho lực lượng công an, bộ đội xuất ngũ đã được thực hiện theo Quyết định số 1791/QĐ-UBND ngày 29/9/2021 của UBND tỉnh. Từ năm 2022, Trường đã tuyển sinh, đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp cho gần 600 thanh niên xuất ngũ theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Tuy nhiên, với quy định mới của Thông tư 35/2024/TT-BGTVT, chương trình đào tạo chỉ kéo dài tối đa 90 ngày, chưa đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ đào tạo trình độ sơ cấp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Hệ quả của quy định này là hàng trăm công an, bộ đội xuất ngũ tại Bắc Kạn không đủ điều kiện nhận hỗ trợ đào tạo nghề lái xe ô tô. Điều này không chỉ gây thiệt thòi cho người học mà còn làm giảm hiệu quả chính sách hỗ trợ tái hòa nhập lao động cho lực lượng xuất ngũ. Theo thống kê, 95% thanh niên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh có nhu cầu hỗ trợ đào tạo nghề lái xe ô tô, nhưng hiện nay họ buộc phải tự chi trả toàn bộ chi phí nếu muốn học nghề này.
Ông Bế Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết: “Gần đây, nhiều công an, bộ đội xuất ngũ liên hệ với nhà trường để đăng ký học nghề lái xe ô tô hạng B và C theo diện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, do những quy định mới của Nhà nước, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề không thể áp dụng như trước. Nếu muốn học, họ phải tự chi trả toàn bộ chi phí. Nhà trường đã có công văn kiến nghị cấp trên để xem xét giải quyết vấn đề này”.
Như vậy, việc áp dụng Thông tư 35/2024/TT-BGTVT đã khiến lực lượng công an, bộ đội xuất ngũ mất cơ hội nhận hỗ trợ tài chính do không đủ điều kiện nhận chứng chỉ đào tạo sơ cấp. Lái xe ô tô là một trong những nghề phổ biến và dễ tiếp cận đối với thanh niên xuất ngũ, nhưng việc không có chứng chỉ đào tạo khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo đúng quyết định của UBND tỉnh, nhưng khi Thông tư mới có hiệu lực, công tác đào tạo bị gián đoạn và không đạt được mục tiêu ban đầu.
Do vậy, các đối tượng là công an, bộ đội xuất ngũ mong muốn Bộ Xây dựng có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách đào tạo nghề cho công an, bộ đội xuất ngũ. Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét lại quy định về thời gian đào tạo tối đa 90 ngày trong Thông tư 35/2024/TT-BGTVT. Điều chỉnh thời gian đào tạo sao cho đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ sơ cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp./.