Công an Bình Thuận tiếp nhận và bố trí nhân sự tại cơ sở cai nghiện ma túy
Sau khi nhận chuyển giao Công an Bình Thuận sẽ bố trí nhân sự để đảm nhiệm các vị trí chủ chốt gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng; Tổ trưởng các tổ và bố trí lực lượng Công an trong các khâu quản lý, giáo dục, dạy nghề học viên.
Những ngày qua, Công an Bình Thuận và các đơn vị chức năng liên quan đã phối hợp làm việc và thống nhất các phương án bàn giao, tiếp nhận cơ sở cai nghiện ma túy, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sự quản lý của Công an, được tổ chức theo mô hình cấp đội thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Bình Thuận.
Việc này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi về các thủ tục hành chính; ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị có liên quan trên địa bàn thực hiện công tác đào tạo nghề, cung ứng dịch vụ, hợp đồng dân sự; giải quyết các chế độ, chính sách cho học viên cai nghiện.
![Cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận khảo sát Cở sở điều trị nghiện ma túy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_5_51443958/95a794fea0b049ee10a1.jpg)
Cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận khảo sát Cở sở điều trị nghiện ma túy.
Theo đó, số cán bộ, nhân viên còn lại (chiếm tỷ lệ lớn) có thể lựa chọn bố trí từ những người có kinh nghiệm, năng lực công tác hiện đang làm việc tại cơ sở cai nghiện thông qua việc ký hợp đồng lao động để tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến kết quả công tác quản lí cai nghiện và đời sống của người lao động. Tuy nhiên, phải thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan bên ngoài như thuế, kiểm toán… Do là đơn vị nghiệp vụ thuộc Phòng CSĐT tội phạm về ma túy nên việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo tính bảo mật và không phải làm các thủ tục về khai báo thuế.
Tuy nhiên, việc này cũng bộc lộ ra những hạn chế như: phải bố trí nhiều biên chế Công an thay thế số cán bộ hiện đang công tác không được tiếp nhận làm việc; số lao động hợp đồng được giữ lại rất ít, chủ yếu đảm nhiệm các vị trí không thuần túy về chuyên môn. Như vậy sẽ không tận dụng được số cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác cai nghiện; hơn nữa số cán bộ, viên chức, lao động của các cơ sở quản lý cai nghiện có nguy cơ thất nghiệp là khá lớn.
Bình Thuận đang có 1 cơ sở điều trị nghiện ma túy tại huyện Hàm Thuận Bắc, hiện do Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quản lý, với quy mô 400 học viên, hiện đang điều trị nghiện ma túy bắt buộc cho 381 học viên; cơ sở đang hoàn thiện dự án nâng cấp cơ sở, hạ tầng nâng sức chứa lên 630 học viên.
Trước đó, Công an Bình Thuận đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trực tiếp làm việc với cơ sở điều trị nghiện ma túy, thống nhất các nội dung tiếp nhận, đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá, định giá thiết bị, tài sản, đất và các công trình trên đất để chủ động thực hiện phương án bàn giao theo đúng quy định và lộ trình chung.
Trong thời gian tới, Công an Bình Thuận sẽ giao cho Phòng Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy bố trí, sắp xếp các vị trí chỉ huy và số cán bộ, chiến sĩ trong biên chế theo danh mục vị trí việc làm mà Bộ Công an đã chỉ đạo; kiến nghị Bộ bổ sung cơ sở cai nghiện là mục tiêu được bố trí, sử dụng chiến sĩ nghĩa vụ là lực lượng Cảnh sát bảo vệ vòng ngoài để đảm bảo an ninh trật tự của cơ sở cai nghiện; tiếp tục bố trí, sử dụng số viên chức và lao động hợp đồng cho đến khi có hướng dẫn của Bộ Công an và UBND tỉnh nhằm đảm bảo việc duy trì hoạt động bình thường của cơ sở; căn cứ vào chỉ tiêu tuyển chọn hoặc hợp đồng lao động của Bộ để tổ chức đánh giá năng lực, chuyên ngành đào tạo, phẩm chất chính trị của từng trường hợp cụ thể, tiến hành tuyển chọn hoặc ký hợp đồng lao động đảm bảo thực hiện đúng chỉ tiêu được giao; trường hợp viên chức, lao động hợp đồng ngoài chỉ tiêu của Bộ, Công an tỉnh tham mưu bàn giao cho Sở Nội vụ để tiếp tục tham mưu UBND Bình Thuận bố trí công tác hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định.